25/04/2024 lúc 21:16 (GMT+7)
Breaking News

'Đường cao tốc' cho một Việt Nam hội nhập và phát triển

VNHN - Ngày 12/2/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua. Đây là một sự kiện trọng đại, tạo ra bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập của Việt Nam.

VNHN - Ngày 12/2/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua. Đây là một sự kiện trọng đại, tạo ra bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập của Việt Nam.

 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua (Ảnh Getty)

Sự kiện có ý nghĩa lịch sử này đồng thời tô một mốc son, khẳng định Việt Nam từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu vươn lên trở thành nước đi đầu: Là nước đầu tiên trên thế giới có quan hệ thương mại tự do với Nga; là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU; cùng với Singapore là nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với tiến trình này, cả thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, giúp chúng ta trong năm 2020 tự tin đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Năm 1991, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta tuyên bố, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Từ đây, chúng ta không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, mở ra giai đoạn đầu tiên trong quá trình phá thế bao vây cấm vận để xây dựng các mối quan hệ kinh tế quốc tế mới, tạo tiền đề cho đổi mới kinh tế và vượt qua khủng hoảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X năm 2006, Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện chủ trương đó, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1-2007 và bắt đầu tham gia một số hiệp định thương mại tự do truyền thống, trước tiên là với các nước láng giềng có quan hệ chặt chẽ và không đặt ra các yêu cầu quá cao trong các hiệp định thương mại tự do. Đây được coi là giai đoạn thứ hai - chính thức hội nhập về kinh tế, tham gia các định chế kinh tế - thương mại khu vực toàn cầu, Việt Nam trở thành một quốc gia tích cực xây dựng quan hệ bình đẳng với các nước cũng như trong các diễn đàn kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu.

Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập, ngày 5-11-2016, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Với việc CPTPP được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực đầu năm 2019 và sự kiện EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12-2-2020, chúng ta đã bước đầu thực hiện thành công các chủ trương được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và chính thức chuyển sang giai đoạn thứ ba của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết hết sức sâu rộng, có tác động đến nhiều mặt của cuộc sống đất nước.

Nâng cao nội lực đất nước

Thực tế cho thấy năm 2019, trong bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi nhưng đất nước ta đã được ghi nhận bởi nhiều thành tựu về phát triển, trong đó có đóng góp không nhỏ của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 đạt 517,26 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt trên 11,12 tỷ USD. Điểm đáng mừng là CPTPP - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên Việt Nam tham gia, mặc dù mới đi vào thực hiện được hơn một năm, đã đóng góp hơn 5,23 tỷ USD vào kim ngạch xuất siêu, bước đầu thể hiện hiệu quả đối với phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối năm 2019 đã hạ thấp triển vọng phát triển của kinh tế toàn cầu. Căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn mặc dù đã được giải tỏa phần nào nhưng vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngay những tháng đầu năm, dịch bệnh đã gây ra những tác động không nhỏ đến các nền kinh tế trong khu vực. Các xu hướng không thuận lợi trên có thể tiếp tục gây ra các xáo trộn đáng kể đến chuỗi cung ứng trong khu vực. Điều này dự báo bối cảnh quốc tế năm 2020 sẽ diễn biến phức tạp hơn so với năm 2019.

Trong bối cảnh đó, nếu sớm được thực thi, EVFTA dự kiến sẽ có các tác động tích cực. Trước tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp và khó lường, EVFTA giúp chúng ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó tốt hơn với các diễn biến bất lợi đó. Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tự do với một số đối tác kinh tế hàng đầu sẽ củng cố vị thế để Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Dưới góc độ là một hiệp định toàn diện, EVFTA cũng là động lực để chúng ta đẩy mạnh đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả và hiện đại.

Góp phần tạo đà cải cách

Khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống chỉ tập trung vào cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới kèm theo những bước cải cách sâu rộng. Không những thế, Việt Nam đã cùng EU xây dựng một hiệp định có những điểm khác biệt, thậm chí so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trước đây như CPTPP. Với EVFTA, vai trò của phát triển bền vững, của người lao động được đặt ở vị trí trung tâm thay vì chỉ hướng đến các giá trị kinh tế. Các cải cách trong EVFTA được thể hiện trong các lĩnh vực: Về lao động, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục có những bước đi thiết thực. Để chuẩn bị thực thi EVFTA, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và sẽ đưa vào thực thi kể từ đầu năm 2021. Các nội dung quan trọng nhất của cả tám Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều đã được phản ánh trong các quy định của bộ luật này. Trên cơ sở đó, ngoài việc tạo ra các lợi ích kinh tế, chúng ta cũng xây dựng các thiết chế để sao cho lợi ích sẽ được chia sẻ một cách công bằng nhất cho người lao động.

Về phát triển bền vững, hiệp định cũng hướng đến sự tham gia rộng rãi của người dân, đoàn thể, các tổ chức đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp xã hội cũng như truyền thông vào quá trình hoạch định chính sách. Đây là cơ chế hoàn toàn mới, được xây dựng dựa trên các nền tảng hoạt động của một nhà nước kiến tạo đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân, các tổ chức đại diện và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nội dung trong EVFTA về hợp tác chặt chẽ trong chống biến đổi khí hậu, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, tăng cường sử dụng các nguồn nhiên liệu tái tạo... cũng được coi là cơ sở để bảo đảm phát triển bền vững, không hy sinh các lợi ích môi trường trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Về môi trường kinh doanh, với việc thực thi các cam kết trong EVFTA, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Đơn cử việc chấp nhận các nguyên tắc quốc tế trong đấu thầu, tuy không dễ, nhưng nếu làm tốt, sẽ có thể giúp chúng ta cải thiện đáng kể hiệu quả của mua sắm công. Các cam kết sâu rộng về dịch vụ và đầu tư cũng sẽ góp phần thúc đẩy cải cách theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai để hướng đến chuỗi cung ứng mới hình thành khi EVFTA được đưa vào thực thi.

Về đổi mới cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư và trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện cũng như với việc nước ta đã và đang thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như FTA với Liên minh kinh tế Á - ÂU, với Hàn Quốc, hay CPTPP. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Con đường cao tốc” để Việt Nam tăng tốc!

Phải khẳng định, việc hoàn thành các mục tiêu trên là hoàn toàn không dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cơ quan, địa phương, đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta vẫn là nước đang phát triển ở trình độ chưa cao, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.800 USD và còn khoảng cách so với các nước ASEAN đi trước. Doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, mặc dù có khát vọng vươn lên mạnh mẽ nhưng còn có những hạn chế về quy mô và tiềm lực. Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì vẫn còn 17% số doanh nghiệp chưa biết và 56% chưa hiểu rõ về EVFTA. Chính vì vậy, chúng ta cần sớm bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị để khai thác tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, trong đó hướng đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khi ký kết EVFTA tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ nhận định: EVFTA cũng giống như một “con đường cao tốc” trong hội nhập để kết nối với một trung tâm kinh tế quan trọng, tạo tiền đề cho tiến trình phát triển của đất nước thời gian tới. Việc chúng ta gia nhập WTO năm 2007 thường được ví như đưa nền kinh tế hội nhập, kết nối với biển lớn. Hiện nay, để ứng phó thành công với các thách thức và thay đổi của nền sản xuất thế giới trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chính là các “con đường cao tốc” để Việt Nam tăng tốc!

Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 với mục tiêu tạo các tiền đề để phát triển bứt phá, trở thành một đất nước hùng cường, có uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang trở thành xung lực quan trọng cho đổi mới và phát triển ở tầm cao hơn.

Năm 2020 được coi là năm trụ cột, năm bản lề để đất nước chuyển mình bước vào giai đoạn mới. Trong không khi quyết tâm của toàn dân tộc đang lớn mạnh không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và dự kiến sớm được đưa vào thực thi là một tín hiệu tích cực, giúp chúng ta hoàn toàn tự tin bước vào một giai đoạn hội nhập mới, vươn lên đi đầu trong các thiết chế hợp tác kinh tế trong khu vực./.

Trần Tuấn Anh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương

Nguồn: nhandan.com.vn