25/04/2024 lúc 08:56 (GMT+7)
Breaking News

Đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế

VNHN - Các thương hiệu cần nằm dưới nền tảng chung là chương trình Thương hiệu quốc gia và Việt Nam phải tìm ra sản phẩm đặc thù có chất lượng cao. Cần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút.

VNHN - Các thương hiệu cần nằm dưới nền tảng chung là chương trình Thương hiệu quốc gia và Việt Nam phải tìm ra sản phẩm đặc thù có chất lượng cao. Cần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút.

Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Đây là một chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn, được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện từ năm 2003. Chương trình nhằm quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là một quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam với mục tiêu trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Từ 30 doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia vào năm 2008, thì sau 10 năm con số này được nâng lên là 97 doanh nghiệp. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đều có tăng trưởng về lợi nhuận và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Thống kê cho thấy, nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên 9,3 tỷ USD trong đó trên 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Vietcombank, Vietnam Airlines…

Hiện nay, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019 do tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia (Brand Finance) công bố, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD (tương đương mức tăng 5,4%) so với con số 235 tỷ USD được công bố vào năm 2018. Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.

Sáng 28/11, Hội đồng Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình THQG Việt Nam trong giai đoạn mới.

Dù vậy, trong bối cảnh mới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng cần phải thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn. Để lọt vào top 30 thương hiệu thế giới, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần có các giải pháp để giúp sản phẩm và thương hiệu mạnh trong nước vươn ra thế giới.

Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo sáng 28/11.

Để thực hiện mục tiêu này, nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch..., từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm nhằm đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.