20/04/2024 lúc 16:28 (GMT+7)
Breaking News

Đưa Luật Tiếp cận thông tin vào cuộc sống: Còn nhiều việc phải làm

VNHN - Đánh giá ban đầu việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ, Liên minh Khoáng sản, Liên minh Đất rừng, Liên minh Nước sạch, Oxfam Việt Nam và CARE Quốc tế Việt Nam tại 253 cơ quan nhà nước thuộc 27 cơ quan ở cấp Trung ương; UBND tỉnh và Sở Tư pháp; 100 cơ quan nhà nước khác trên địa bàn 8 tỉnh/thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng cho thấy, còn nhiều việc phả

VNHN - Đánh giá ban đầu việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ, Liên minh Khoáng sản, Liên minh Đất rừng, Liên minh Nước sạch, Oxfam Việt Nam và CARE Quốc tế Việt Nam tại 253 cơ quan nhà nước thuộc 27 cơ quan ở cấp Trung ương; UBND tỉnh và Sở Tư pháp; 100 cơ quan nhà nước khác trên địa bàn 8 tỉnh/thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng cho thấy, còn nhiều việc phải làm để đưa Luật Tiếp cận thông tin vào cuộc sống.

Ảnh minh họa

Không như mong đợi

Ban hành văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước, bên cạnh đăng tải tài liệu được định dạng hình ảnh như PDF hay JPEG thì cần đăng tải cả tài liệu định dạng WORD và EXCEL để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật nhìn và công dân có thể tái sử dụng tài liệu. (Khuyến nghị của Nhóm nghiên cứu)

Tăng hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân cũng như tác động tích cực đến sự tuân thủ luật pháp của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và phòng, chống tham nhũng là những kỳ vọng của các nhà làm luật đối với Luật Tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, sau 4 năm được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực thi thì đại diện các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội (nằm trong nhóm khảo sát) chưa nắm hết những nội dung công việc cần làm để thực hiện công khai và cung cấp theo yêu cầu.

Ngoài quy định 9 nội dung công việc mỗi cơ quan nhà nước cần phải làm để thực hiện công khai và cung cấp thông tin theo yêu cầu như: Ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; phân công và công khai đầu mối cung cấp thông tin gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu…, Luật Tiếp cận thông tin cũng yêu cầu mỗi cơ quan nhà nước cần xây dựng quy trình công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan mình. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, các cơ quan nhà nước đang hiểu rằng thực hiện tốt Luật Tiếp cận công dân nghĩa là thực hiện tốt Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật; Luật Tiếp công dân; Luật Báo chí, quy chế người phát ngôn và biên tập nhiều tin tức đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hay phổ biến cho người dân. Do đó, nguyên tắc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin không được bảo đảm. Quy trình cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân chưa được niêm yết tại các trung tâm hay bộ phận cung cấp dịch vụ hành chính công.

Trong khi đó, hạ tầng cung cấp thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin chưa bảo đảm. Có khoảng 11% địa chỉ thư điện tử của các cơ quan nhà nước các cấp bị lỗi, bao gồm địa chỉ thư điện tử của đầu mối cung cấp thông tin. Nhiều xã/phường chưa có trang thông tin điện tử hoặc đã có thì công dân khó tiếp cận được do liên kết trong với trang thông tin điện tử của UBND huyện. Hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử chưa tiếp cận được với người khuyết tật. Tài liệu do các cơ quan nhà nước tạo ra đăng trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử chủ yếu có định dạng PDF hoặc JPEG nên người khuyết tật khó tiếp cận thông tin và công dân không khuyết tật khó có thể tái sử dụng.

Chưa nắm được nội dung cần giám sát

Đại diện Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nghiên cứu thực địa chưa nắm được những nội dung cần giám sát của Luật Tiếp cận thông tin. Mặc dù, Luật Tiếp cận thông tin quy định vai trò giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, của Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên nhưng các cơ quan dân cử và các tổ chức này chưa nắm được những nội dung cần giám sát nên chưa đưa việc giám sát thực thi Luật vào kế hoạch và nội dung giám sát năm 2020. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp tình hình cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, báo cáo định kỳ 3 năm hoặc đột xuất với Bộ Tư pháp.

Sau gần 4 năm Luật Tiếp cận thông tin được thông qua, vẫn còn hơn 50% cơ quan nhà nước cấp Trung ương, 80% Sở Tư pháp các địa phương, trên 90% Văn phòng UBND cấp tỉnh chưa lập chuyên mục “Tiếp cận thông tin”, lập và cập nhật danh mục những thông tin phải công khai trên cổng/trang thông tin điện tử. Nhóm nghiên cứu chưa tìm thấy thông tin về đầu mối cung cấp thông tin, quy chế và quy trình cung cấp thông tin của các cơ quan này được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của họ. Khoảng 70% các cơ quan nhà nước chưa phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin do thành viên Nhóm nghiên cứu thực hiện với tư cách công dân. Trong số 30% các cơ quan nhà nước có phản hồi, có một số thể hiện chưa hiểu quyền yêu cầu thông tin của công dân và trách nhiệm cung cấp của cơ quan mình, còn có thái độ thiếu chuẩn mực khi giao tiếp với người yêu cầu thông tin, chẳng hạn như Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng, Văn phòng UBND huyện Mường Phăng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Điện Biên, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, người dân chưa thực sự hiểu quyền tiếp cận thông tin của mình nên vẫn còn e ngại khi cần yêu cầu thông tin mà mình muốn có đối với cơ quan nhà nước. Người dân, đặc biệt sinh sống ở nông thôn và vùng đặc biệt khó khăn đang tiếp cận thông tin thông qua các buổi họp thôn/bản, các hội nghị phổ biến pháp luật có tính chất lồng ghép, qua hệ thống loa phát thanh nên tính kịp thời, đầy đủ và chính xác trong tiếp cận thông tin chưa được bảo đảm. Tính đến thời điểm Nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá ở thực địa, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đều khẳng định chưa phát sinh các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và cũng chưa phát sinh đơn thư khiếu nại, khởi kiện, tố cáo liên quan đến việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.