20/04/2024 lúc 01:08 (GMT+7)
Breaking News

Ðưa hội họa và văn học đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa

VNHN - Những năm gần đây đã xuất hiện một số dự án nghệ thuật hướng đến đối tượng là trẻ em các vùng miền xa xôi, điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn... Chung nhịp đồng cảm ấy, Quỹ Sắc màu thế gian ra đời.

VNHN - Những năm gần đây đã xuất hiện một số dự án nghệ thuật hướng đến đối tượng là trẻ em các vùng miền xa xôi, điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn... Chung nhịp đồng cảm ấy, Quỹ Sắc màu thế gian ra đời.

Quỹ thành lập năm 2015 với năm thành viên ban đầu, trong đó có các họa sĩ: Ðào Quốc Huy, Nguyễn Xuân Hải; nhà văn Nguyễn Ðình Tú... Họa sĩ Nguyễn Xuân Hải nhớ lại, ý tưởng ban đầu được nhen nhóm khi anh và một nhóm họa sĩ trẻ cùng họa sĩ lão thành Nguyễn Ðăng Phú lên thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Nhóm nghệ sĩ mang rất nhiều khăn, tất, quần áo mới, sách vở... làm quà tặng các em nhỏ. Từ điểm trường chính cách thị trấn Sa Pa khá xa, họ tiếp tục di chuyển tới những cơ sở phụ nằm sâu trong bản, có đoạn phải đi bộ từ 4 đến 5 km. 

                             

Học sinh ở huyện đảo Phú Bình, tỉnh Bình Thuận hào hứng với hoạt động vẽ tranh về quê hương

Qua chuyện trò, các nghệ sĩ biết được niềm ước mơ của thầy, cô giáo vùng cao là có một thư viện sách thiếu nhi, cho nên ngay sau chuyến đi đã liên hệ với Nhà xuất bản Kim Ðồng nhận hỗ trợ, đồng thời mua thêm nhiều sách mới. Dịp gần Tết Nguyên đán, nhóm nghệ sĩ quay lại Bản Hồ với một xe ô-tô chở đầy sách và trong những cuộc giao lưu dịp ấy, họ lại cảm nhận thêm, các em học sinh cần lắm sự chia sẻ, động viên và định hướng cho những niềm mơ ước trong trẻo, hồn nhiên.

Nhóm nghệ sĩ thành lập Quỹ với mục tiêu ban đầu là đến với những vùng miền khó khăn, mở lớp dạy vẽ, tuyên truyền về văn hóa đọc cho trẻ em. Trước khi lên đường, họ sẽ liên hệ với địa phương và nhà trường để nắm bắt thêm những thứ học sinh cần nhất, như: Quần áo, sách vở, trang thiết bị học tập sinh hoạt... rồi quyên góp, xin tài trợ để mang theo trao tặng.

Huyện đảo Phú Quý có ba trường học, Quỹ đã chọn điểm trường khó khăn nhất - Trường THCS Long Hải để tổ chức hoạt động. Từ 7 giờ sáng, sân trường đông kín học sinh. Toàn trường cùng tham gia màn giao lưu, đối thoại về văn học. 

Sau khi nhà thơ Nguyễn Minh Cường đọc thơ, kể những câu chuyện lôi cuốn về Thủ đô Hà Nội thì nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - tác giả của nhiều tác phẩm viết về Trường Sa như "Biển xanh màu lá", "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa"... kể chuyện về biển, đảo. Các thầy, cô giáo ở đảo Phú Quý cũng bị lôi cuốn vào từng chi tiết hiện thực mà đôi khi những trang giáo án hay sách vở chưa giúp họ tiếp cận.

Khoảng 30 học sinh có năng khiếu mỹ thuật của trường được lựa chọn để nhóm họa sĩ hướng dẫn vẽ bức tranh khổ lớn với chủ đề "Biển đảo quê em". Bức tranh khổng lồ điểm xuyết mầu xanh của biển cả, cây cối; mầu đỏ của cờ Tổ quốc, những mái nhà; mầu sao vàng năm cánh, ánh nắng ban mai... tạo nên niềm vui và sự ngạc nhiên cho tất cả thành viên Quỹ và nhà trường, địa phương. Họ chợt nhận ra, rõ ràng để thực hiện câu chuyện này không quá khó nhưng cho đến tận bây giờ, các em nhỏ ở đảo xa mới được thụ hưởng sự động viên, hỗ trợ ấy.

Tính đến nay, Quỹ Sắc màu thế gian đến được với hơn 10 trường học và địa phương, như: Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Gia Lai, Bình Thuận... Ngoài hoạt động dạy vẽ, tổ chức giao lưu văn học, giúp các trường xây dựng tủ sách..., Quỹ chú trọng đầu tư cho hoạt động sáng tác mỹ thuật thông qua sự kết hợp với địa phương và hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố. 

Sau mỗi đợt đi thực tế sáng tác, số lượng và chất lượng ngày càng nâng cao, nhóm thu về khoảng 40 đến 50 bức tranh, một phần tặng lại địa phương, một phần bán, góp vào nguồn kinh phí để triển khai hoạt động. Họa sĩ Ðào Quốc Huy cho biết, về lâu dài, Quỹ rất mong tập hợp, bồi dưỡng năng khiếu hội họa cho nhiều trẻ em ở khắp các vùng miền; mời chính nghệ nhân của vùng đó tham gia tư vấn, sáng tác để trong tương lai, những cư dân của mỗi địa phương đó dựa trên chất liệu sẵn có sẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị riêng. 

Nhóm nghệ sĩ sẵn sàng tổ chức trưng bày, triển lãm, đấu giá... để đưa từng tác phẩm vươn xa, để người mua tác phẩm cảm thấy sự cần thiết, hữu ích chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện mua tranh làm từ thiện. 

Theo họa sĩ Ðào Quốc Huy, kế hoạch này hoàn toàn khả thi nếu có sự kết hợp nhuần nhuyễn, tích cực giữa giới văn nghệ sĩ với trường học, địa phương. Anh hy vọng, một ngày gần nhất, sẽ có những triển lãm mang chủ đề Sắc màu thế gian mở ra để công chúng thưởng thức các tác phẩm hội họa của trẻ em được thể hiện bằng lối tư duy mới, không gian mới kết hợp bản sắc riêng có ở các vùng, miền. Và, sẽ hiệu quả hơn nếu những triển lãm này là sự hòa quyện của nhiều bộ môn nghệ thuật như: Hội họa, thơ ca, âm nhạc...