25/04/2024 lúc 16:04 (GMT+7)
Breaking News

Đưa cải cách hành chính vào thực chất

VNHN - Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, sâu sát tới các bộ, ngành, địa phương. Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2018 (PAR INDEX 2018) vừa công bố được đánh giá là có nhiều điểm sáng tích cực, cho thấy những thay đổi đáng ghi nhận trong công tác CCHC trên cả nước.

VNHN - Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, sâu sát tới các bộ, ngành, địa phương. Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2018 (PAR INDEX 2018) vừa công bố được đánh giá là có nhiều điểm sáng tích cực, cho thấy những thay đổi đáng ghi nhận trong công tác CCHC trên cả nước.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai 

Nỗ lực cải cách của các địa phương

Với kết quả PAR INDEX 2018 được công bố, trong khối địa phương, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng CCHC (89,06 điểm). Đó là kết quả của việc tỉnh đã tiên phong trong triển khai áp dụng các mô hình cải cách mới, mang tính đột phá mạnh mẽ, như: Mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (từ năm 2012). Ngoài ra, Quảng Ninh còn là đơn vị đi đầu trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ CCHC được Trung ương giao, như: Triển khai các mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử, vận dụng sáng tạo mô hình đối tác công tư (PPP). Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu: Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên thực hiện hợp nhất chi cục thuế cấp huyện thành chi cục thuế khu vực theo chủ trương của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, việc áp dụng hiệu quả các khâu tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, góp phần rút ngắn 40-60% thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) so với quy định, giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh cũng là đơn vị triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử từ rất sớm và là địa phương đầu tiên triển khai thành công trục kết nối liên thông văn bản điện tử 4 cấp với Văn phòng Chính phủ. "Để công tác CCHC trên địa bàn đi vào thực chất, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đột xuất. Các đoàn kiểm tra đóng vai người dân đi làm thủ tục từ cấp xã đến cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh có những chỉ đạo kịp thời xử lý các sai phạm, đưa hoạt động hành chính của tỉnh đi vào nền nếp”, ông Đặng Huy Hậu cho biết.

Đứng ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng PAR INDEX 2018 là TP Hà Nội. Trong năm 2018, Hà Nội tập trung tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thể chế cũng như về TTHC. Thành phố đã triển khai mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh được thực hiện qua mạng, kết hợp trả kết quả giải quyết hồ sơ tại nhà hoặc trụ sở của doanh nghiệp.

Theo kết quả đánh giá năm 2018, chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả trung bình đạt 76,92 điểm; trong đó chỉ số thành phần là cải cách TTHC đạt giá trị trung bình cao nhất trong các lĩnh vực đánh giá với 84,79 điểm. Đặc biệt, chỉ số thành phần hiện đại hóa hành chính đạt giá trị trung bình 70,38 điểm, tăng 33,27 điểm so với năm 2016 và tăng 8,26 điểm so với năm 2017. Điều này cũng phản ánh đúng thực tế, năm 2018 vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.

Sự vào cuộc của các bộ, ngành

Cùng với Quảng Ninh (khối địa phương), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam (khối các bộ, ngành) đã có năm thứ 4 liên tiếp đạt chỉ số CCHC cao nhất với 90,57 điểm. Thời gian qua, NHNN Việt Nam đã đẩy mạnh 6 lĩnh vực CCHC trong hệ thống gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành ngân hàng; trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh đối với hoạt động ngân hàng. Theo Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú: Các TTHC của ngành ngân hàng được chuẩn hóa đã đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, giải quyết thỏa đáng, đúng hạn. Đồng thời, việc hiện đại hóa hành chính, triển khai Chính phủ điện tử cũng được NHNN Việt Nam đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, nhiệm vụ quản lý văn bản, kết nối thông suốt với trục liên thông văn bản quốc gia...

Cùng với NHNN Việt Nam, nhiều bộ, ngành đã có kết quả CCHC cải thiện rõ rệt trong năm 2018. So sánh giá trị PAR INDEX 2018 với năm 2017 cho thấy, có 15/18 đơn vị tăng điểm số, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giá trị điểm số tăng cao nhất, từ 72,61 điểm năm 2017 lên 80,72 điểm năm 2018. Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết: "Phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực cho thấy, chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đạt giá trị trung bình cao nhất là 88,14 điểm. Ngoài ra, các chỉ số thành phần: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước... có giá trị trung bình trên 80 điểm". Tuy nhiên, ông Phạm Minh Hùng cũng chỉ ra kết quả xác định PAR INDEX 2018 cho thấy các bộ, ngành còn nhiều hạn chế trong thực hiện các nội dung công bố, công khai thủ tục và tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn theo quy định. Điểm số đánh giá tác động của cải cách TTHC qua điều tra xã hội học tiếp tục không cao, điểm số trung bình mà các bộ, ngành nhận được chỉ ở mức 70,91 điểm.

Nhân rộng cách làm mới, mô hình hay

Phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2018 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Phó thủ tướng cũng chỉ ra tồn tại, đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCHC; chưa thể hiện vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy cải cách; chưa tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Trong cải cách TTHC, vẫn còn tình trạng bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định TTHC trái thẩm quyền; còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ kết quả Chỉ số PAR INDEX năm 2018, kiểm điểm lại việc thực hiện công tác CCHC thời gian qua, đề ra các biện pháp khắc phục; khuyến khích, nhân rộng cách làm mới, mô hình hay tạo động lực thúc đẩy cải cách. Tập trung rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các TTHC đang là rào cản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương. Qua đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo quy định.