20/04/2024 lúc 06:53 (GMT+7)
Breaking News

Dự thảo sửa đổi bổ sung  Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Có nên mở rộng chủ thể ban hành thông tư liên tịch?

VNHN - Một trong những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước được ban hành thông tư liên tịch với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng. Câu hỏi đặt ra là, nên hay không nên có hình thức thông tư

VNHN - Một trong những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước được ban hành thông tư liên tịch với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng. Câu hỏi đặt ra là, nên hay không nên có hình thức thông tư liên tịch nói chung và thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước nói riêng?

Ảnh minh họa

Phối hợp xử lý vụ việc hiệu quả

Dưới góc nhìn của cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật này, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung hình thức thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán nhà nước với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ như trong dự thảo Luật. Lý giải cho sự ủng hộ này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 12 Điều 10 của Luật Kiểm toán nhà nước và Điều 88 của Luật Phòng, chống tham nhũng đều quy định trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước phối hợp với các cơ quan khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ án hình sự. Do đó, giữa các cơ quan cần có văn bản liên tịch để quy định cụ thể việc phối hợp thực hiện xử lý vụ việc.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung hình thức thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước với một số chủ thể như dự thảo Luật là phù hợp. Ủy viên t Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Phòng, chống tham nhũng thì Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tham nhũng. Thực tế cho thấy, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Do đó giữa Tổng Kiểm toán Nhà nước với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang cần thiết ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp công tác giữa các cơ quan này.  
Cùng quan điểm này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc duy trì thông tư liên tịch là cần thiết. Bởi lẽ, tất cả các chủ thể ban hành thông tư liên tịch đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và các chủ thể này đều có mối quan hệ công tác với nhau ví dụ: Thông tư liên tịch giữa MTTQ Việt Nam với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với Chánh án Tòa án Tòa án nhân dân tối cao. Bởi, Viện trưởng và Chánh án đều thuộc phạm vi giám sát của MTTQ Việt Nam.

Ông Quyền cũng nhấn mạnh, giữa chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát không có hình thức văn bản thông tư liên tịch để phối hợp thực hiện công việc thì rất khó thực hiện hiệu quả công việc. Do đó, việc ban hành thông tư liên tịch để tăng cường công tác phối hợp, tăng cường hiệu quả giám sát của MTTQ, phản biện của MTTQ  đối với tòa án, viện kiểm sát và đối với một số chủ thể khác là rất cần thiết, ông Quyền nói.


Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức - Ảnh: Hà An

Lo ngại phân quyền không rõ ràng

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng cần duy trì hình thức thông tư liên tịch, trong đó có bổ sung thêm hình thức thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước thì có một số ý kiến cho rằng việc ban hành thông tư liên tịch ở thời điểm này là điều không cần thiết.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung bày tỏ quan điểm không đồng tình với hình thức văn bản Thông tư liên tịch. “Điều này đã nói mãi rồi, nhiệm vụ của ông, ông cứ làm đi, ông không phải liên tịch với ai cả, phối hợp và phối kết hợp thì không thấy sự phân quyền rõ ràng”, ông Dung nói.

Cùng quan điểm này, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, Hội Luật Gia Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp chia sẻ, ngay từ thời điểm ban đầu khi xây dựng luật này, chúng ta đã có chủ trương giảm tối đa thông tư liên tịch. Ông Hạnh cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước phải được phân định rất rõ ràng. Cơ chế liên tịch, đặc biệt là cơ chế liên tịch trong lĩnh vực tư pháp là cơ chế không có đường cho công lý phát huy. Bởi Tòa án, Viện kiểm sát ngồi với nhau bàn án thì làm sao mà bảo đảm được quyền lợi của người dân, ông Hạnh đặt vấn đề?.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp lý, ông Hạnh cũng cho rằng, cơ chế liên tịch giữa các cơ quan khác hiệu quả “vô cùng kém”. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục mở rộng chủ thể ban hành thông tư liên tịch như dự thảo Luật liệu có nên không? Điều này đòi hỏi ban soạn thảo phải trả lời cho được câu hỏi, tại sao giữa Tòa án và Viện Kiểm sát phải có thông tư liên tịch? Đồng thời phải quy định rõ, trong trường hợp nào thì mới phối hợp, chứ không phải trường hợp nào cũng cần phối hợp. Cần làm rõ lý do của việc ban hành thông tư liên tịch. Theo đó, thông tư liên tịch được ban hành thì giải quyết được vấn đề gì và tác động của nó đối với đời sống kinh tế, xã hội như thế nào? Đặc biệt cần quy định rõ, cụ thể, điều kiện nào thì ban hành thông tư liên tịch, ông Hạnh nói.  

Nên hay không nên duy trì hình thức văn bản thông tư liên tịch? Nên mở rộng hay không chủ thể ban hành thông tư liên tịch là điều cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tính toán cân nhắc trên cơ sở ý kiến đóng góp của các ĐBQH, ý kiến nhân dân để bảo đảm văn bản nếu được ban hành phải phát huy hiệu quả trên thực tế. Văn bản vừa phải thể hiện rõ trách nhiệm của các chủ thể trong công tác phối hợp nhưng vẫn phải rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể trong quá trình phối hợp, tránh tình trạng phối hợp nhưng phân quyền chung chung, khi có sự việc xảy ra lại không rõ ai là người chịu trách nhiệm