29/03/2024 lúc 22:34 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch biển Hải Tiến: Cần giữ lại nét nguyên sơ để tạo nên sự khác biệt!

VNHN - Trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển tiềm năng du lịch. Ngoài biển Sầm Sơn nổi tiếng lâu đời thì đã xuất hiện nhiều khu du lịch biển, trong đó phải kể đến khu du lịch biển Hải Tiến (thuộc huyện Hoằng Hóa). Tuy mới được xây dựng trong những nămgần đây nhưng du lịch biển Hải Tiến đã thu hút lượng lớn khách trong và ngoài tỉnh đến tắm biển và nghỉ dưỡng. Bên cạnh những nét độc đáo riêng, du lịch biển Hải Tiến cũng cần phải có sự định hướng chung giữa các công ty du lịc

VNHN- Trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển tiềm năng du lịch. Ngoài biển Sầm Sơn nổi tiếng lâu đời thì đã xuất hiện nhiều khu du lịch biển, trong đó phải kể đến khu du lịch biển Hải Tiến (thuộc huyện Hoằng Hóa). Tuy mới được xây dựng trong những năm gần đây nhưng du lịch biển Hải Tiến đã thu hút lượng lớn khách trong và ngoài tỉnh đến tắm biển và nghỉ dưỡng. Bên cạnh những nét độc đáo riêng, du lịch biển Hải Tiến cũng cần phải có sự định hướng chung giữa các công ty du lịch và chính quyền sở tại để xây dựng khu du lịch biển Hải Tiến trở nên chuyên nghiệp, xứng với tiềm năng thiên nhiên ban tặng cho nơi này.

Rừng phi lao trải dài ven biển Hải Tiến

Hiện nay tại xã Hoằng Trường và xã Hoằng Phụ vẫn giữ lại được nét nguyên sơ với bãi cát trắng mịn giấu mình dưới rừng phi lao cao vút chạy dọc ven biển thơ mộng quyến rũ đến nao lòng. Không còn nhiều bãi biển du lịch còn rừng phi lao chắn sóng, chống bão còn nguyên sơ như nơi đây. Nếu khu du lịch biển Hải Tiến giữ được các khu rừng này để phát triển du lịch biển sinh thái thì hứa hẹn sẽ tạo nên sự khác biệt và thu hút nhiều khách đến nghỉ dưỡng hơn. Không những thế, các khu rừng này trước đây được trồng vốn để chắn sóng, chống bão, nay vừa tận dụng phát triển du lịch biển sinh thái vừa giữ lại được rừng, an toàn cho bờ biển, cho dân vùng này là điều cần thiết.

Tại khu vực phía nam khu du lịch biển Hải Tiến còn một làng chài truyền thống với khoảng 300 chiếc bè mảng đánh bắt gần bờ (chủ yếu là ngư dân làng chài xã Hoằng Thanh). Tại đây có 3 nhà bến trong coi và neo đậu thuyền, mảng. Những du khách ưa khám phá và thưởng thức hải sản tự nhiên thường ghé lại khu làng chài này để mua trực tiếp hải sản ngư dân đánh bắt gần bờ như cá nanh, cá đối, tôm tít, ghẹ, mực nang... Và họ cũng được các hộ gia đình (của 3 nhà bến) giúp chế biến và thưởng thức món ăn tại chỗ. Hải sản ở đây có đặc trưng thơm, ngọt hơn một số nơi khác nhờ sinh sống ở vùng bãi ngang (nước nông) và các cửa sông được phù sa, phù du phong phú. Nếu giữ cho làng chài tồn tại để khách du lịch và ngư dân địa phương tương tác với nhau sẽ khiến du khách tìm kiếm được sự khác biệt ở nơi đây.

Làng chài truyền thống (xã Hoằng Thanh)

Theo đồng chí Lê Hữu Tư – PCT xã Hoằng Thanh thì du lịch biển Hải Tiến muốn thu hút đông khách cần phải giữ lại nét nguyên sơ của rừng phi laomới có thể tạo nên sự khác biệt để thu hút khách. Có nhìn thấy cảnh sóng cuốn phăng bê tông ra biển cách đây mấy năm mới thấy quý, thấy tiếc những rừng phi lao này đã bảo vệ sự yên bình của ngư dân ven biển bao đời này. Khách du lịch ngày nay người ta tìm đến những gì còn tự nhiên chứ không phải đến đây để nằm trong phòng lạnh rồi nhìn ra biển, ăn những món hải sản tự nhiên của vùng này chứ không phải của vùng khác. Vì vậy việc giữ lại làng chài là nét đặc trưng của biển Hải Tiến.

Bức tường ngăn đôi khu du lịch Biển Hải Tiến

Có một đặc trưng khác khiến khu du lịch biển Hải Tiến chưa thực sự hài hòa, đó là khu du lịch mọc lên có tính chất nhỏ lẻ của một vài công ty rồi dần nhân rộng thành khu du lịch chứ không có quy hoạch một cách bài bản xuyên suốt ngay từ đầu, vì vậy khi các công ty du lịch vào đầu tư đã không tạo được nét đặc trưng chung cho cả khu du lịch mà mạnh ai nấy làm, khiến cho toàn bộ khu du lịch biển Hải Tiến từ Hoằng Trường xuống Hoằng Phụ đang bị “cắt đôi” và ngăn cách bởi một công ty du lịch xây tường bao ra sát biển. Khách du lịch muốn di chuyển từ phía nam sang phía bắc khu du lịch thì phải đi vòng vào đường bên trong rồi mới có thể quay ra đường ven biển. Chỉ một chi tiết này thôi đủ thấy sự  “không thông thoáng” ngay cả đường đi lối lại chứ chưa nói đến việc quản lí chưa đồng bộ giữa chính quyền các xã có biển tại đây, và giữa các công ty du lịch với nhau.

Ngoài việc giữ lại nét nguyên sơ còn cần thành lập một chính quyền đô thị tại đây để quản lý khu du lịch này một cách bài bản, chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu để xây dựng thương hiệu dài lâu./.