19/04/2024 lúc 06:06 (GMT+7)
Breaking News

Dự án sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều: Đa dạng hóa nguồn lực phòng, chống thiên tai

VNHN - Trong dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám quy định, nhiều đơn vị được tiến hành vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị giữ nội dung nêu trên, vì trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế, thì cần đa dạng hóa, bổ sung nguồn lực bên ngoài cho công tác này.

VNHN - Trong dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám quy định, nhiều đơn vị được tiến hành vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị giữ nội dung nêu trên, vì trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế, thì cần đa dạng hóa, bổ sung nguồn lực bên ngoài cho công tác này.

Ảnh minh họa

Bảo đảm phù hợp với chức năng của các cơ quan

Theo quy định tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trình tại Kỳ họp thứ Tám, việc vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ phòng, chống thiên tai gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Việc quy định khá nhiều đơn vị thực hiện huy động nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, một mặt tạo nên sự linh hoạt trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ, song cũng gây trùng lặp khi kêu gọi vận động quyên góp cho công tác này.

Một khía cạnh khác khiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần cân nhắc quy định này là theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ không thuộc nhiệm vụ chính, chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc. Hiện nay, Chính phủ cũng nghiên cứu để sửa đổi Nghị định số 64 về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đưa ra các quy định pháp luật liên quan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị, xem lại quy định này trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Nhìn nhận quy định ở khía cạnh khác, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến chỉ rõ, Khoản 1, Điều 18, Luật Hoạt động chữ thập đỏ quy định trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, Hội Chữ thập đỏ ra lời kêu gọi tổ chức chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước ủng hộ. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương chỉ là đơn vị tiếp nhận. Với quy định như vậy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa băn khoăn: Hội Chữ thập đỏ ở địa phương có nằm trong quy định hay không?

Ngoài ra, ông Mai Sỹ Diến cũng lưu ý, Khoản 3, Điều 38, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quản lý, sử dụng tài sản nhà nước giao và các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tặng, cho theo quy định của Luật. Câu hỏi đặt ra là: Quy định mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vận động có thật sự cần thiết không?

Trong quy định thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực khi thiên tai xảy ra đã bổ sung trách nhiệm Bộ Ngoại giao khi kêu gọi vận động quốc tế trong điều kiện bình thường và Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai trong điều kiện khẩn cấp (Khoản 19, Điều 1, dự thảo Luật bổ sung điểm c, d, Khoản 2, Điều 33 Luật hiện hành). Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị cân nhắc quy định này, vì theo quy định của Luật Hoạt động chữ thập đỏ và  Nghị định số 64 của Chính phủ giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi vận động trong nước và tiếp nhận các nguồn tiền, hàng trong nước và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ để phân bổ. Việc kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế được giao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện và cũng là đầu mối cho Chính phủ khi vận động và hỗ trợ các nước khi xảy ra thiên tai.

Chỉ một số cơ quan được phân bổ nguồn lực

Có thể thấy, việc quy định nhiều cơ quan, đơn vị có thẩm quyền vận động quyên góp khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra dẫn tới lo ngại về việc vận động tràn lan, không có đầu mối quản lý.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc huy động quyên góp cứu trợ, hỗ trợ thiên tai là hoạt động mang tính nhân đạo xã hội nhằm có thêm nguồn lực xã hội khắc phục hiệu quả, kịp thời khó khăn của người dân vùng bị thiên tai về cả vật chất và tinh thần; mang tính truyền thống mỗi khi có thiên tai lớn. Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định rõ, sau quyên góp, vận động, nguồn lực này đều được chuyển giao cho một số cơ quan: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố để phân bổ. Và, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc huy động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ (Khoản 4, Điều 33). Nhấn mạnh trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, để đa dạng hóa, bổ sung nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác cứu trợ, hỗ trợ thiên tai.

Bên cạnh đó, với quy định thẩm quyền kêu gọi, tiếp nhận hỗ trợ của quốc tế của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 33, Luật Phòng, chống thiên tai), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống thiên tai, nên việc trao đổi thông tin, đề nghị hỗ trợ, cứu trợ về thiên tai là hoạt động mang tính chuyên môn, thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương. Do vậy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đứng ra kêu gọi, tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp của nước ngoài trong các tình huống khẩn cấp cũng là thực hiện quyền, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên được quy định trong các hiệp định, điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Hơn nữa, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai nên nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế là cần thiết.

Trong những tháng đầu năm nay, khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn mạnh nhất tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cá nhân, tổ chức ngoài Nhà nước đã vận động, quyên góp ủng hộ kinh phí, máy móc để thực hiện ngăn mặn, chống biến đổi khí hậu tại khu vực này. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế, lại thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ cấp bách, thì rõ ràng những nguồn lực ngoài ngân sách đã và đang hỗ trợ thiết thực cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể thấy, đề xuất giữ lại nội dung này của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là có cơ sở.