20/04/2024 lúc 04:35 (GMT+7)
Breaking News

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam: Quy định cụ thể thẩm quyền huy động, trưng dụng

VNHN - Khoản 6, Điều 16, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Trong chiến đấu, truy lùng, truy đuổi người phạm tội quả tang, người đang có quyết định truy nã, người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngăn chặn hành vi phạm tội, tìm kiếm cứu nạn thì cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng được huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật đối với phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người sử dụng, điều kh

VNHN - Khoản 6, Điều 16, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Trong chiến đấu, truy lùng, truy đuổi người phạm tội quả tang, người đang có quyết định truy nã, người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngăn chặn hành vi phạm tội, tìm kiếm cứu nạn thì cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng được huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật đối với phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người sử dụng, điều khiển phương tiện”.

Ảnh minh họa

“Luật gốc” quy định rất chặt chẽ

Nhà nước ta luôn ghi nhận và tôn trọng quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức. Việc trưng dụng tài sản chỉ đặt ra trong những trường hợp thật cần thiết và chỉ Nhà nước mới có thẩm quyền quyết định. Chính sách này đã được hiến định trong các bản Hiến pháp, cụ thể: Điều 23 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”. Điều 32 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “(1). Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác (2). Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ (3). Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Bộ đội biên phòng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai

Cụ thể hóa chính sách này, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Đây có thể coi là luật gốc quy định rất chặt chẽ, cụ thể về việc trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản và nghĩa vụ của người khác có liên quan đến việc trưng mua, trưng dụng tài sản. Theo đó, tại Điều 5 quy định rõ điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản là: “Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i). Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp (ii). Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia (iii). Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia (iiii). Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước”. Theo Điều 24 thì chỉ có “Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh” trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản là nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất, máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác. Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, Luật còn quy định những người có thẩm quyền nói trên “không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản”. Ngoài ra, để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách khi thiết quân luật, Khoản 5 Điều 21 Luật Quốc phòng năm 2019 đã quy định: “… Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương cấp tỉnh thiết quân luật được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản thực hiện theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”.

Bảo đảm minh bạch, dễ thực hiện

Đối chiếu với các quy định về trưng dụng tài sản của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và Luật Quốc phòng cho thấy, các trường hợp và thẩm quyền của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được “trưng dụng” một số tài sản tại dự thảo Luật là chưa phù hợp. Họ chỉ được thực hiện việc trưng dụng tài sản khi có quyết định trưng dụng tài sản (phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp đặc biệt không thể ra quyết định bằng văn bản thì được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói) của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 25 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Qua nghiên cứu cho thấy, thẩm quyền “huy động” người và một số loại phương tiện trong những trường hợp thật cần thiết, cấp bách đã được quy định trong một số luật, như: Điều 20, Điều 22 Luật Cảnh vệ năm 2017; Điều 16 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018; khoản 3 Điều 26 Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019… Tuy nhiên, hiện nay chưa có luật chuyên ngành quy định chung về các trường hợp, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại… khi thực hiện việc huy động người, phương tiện nên trong các luật nói trên đều quy định khá cụ thể về những vấn đề trên để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện đặc biệt là tránh việc lạm dụng gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con người, của công dân, của tổ chức.

Như vậy, để kịp thời hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì dự thảo Luật quy định các trường hợp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được quyền “huy động” một số loại phương tiện và người điều khiển phương tiện này là rất cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cần nghiên cứu cụ thể hóa hơn tại dự thảo Luật theo hướng quy định: cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được huy động cả người, một số phương tiện và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó (trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự); việc huy động này phải phù hợp với khả năng thực tế của người, phương tiện được huy động và phải hoàn trả ngay khi trường hợp huy động chấm dứt; việc đền bù thiệt hại và trách nhiệm thực hiện việc huy động của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

Thạc sĩ Đoàn Phúc Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh