25/04/2024 lúc 02:19 (GMT+7)
Breaking News

Dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi): Hiện thực hóa quyền giám sát của người dân

VNHN - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (dự thảo Luật) đang được dư luận đánh giá cao với việc bãi bỏ rất nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ môi trường… Tuy vậy, không ít ý kiến cũng chỉ rõ Dự thảo chưa hiện thực hóa được các quy định về sự tham gia giám sát của người dân đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường.

VNHN - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (dự thảo Luật) đang được dư luận đánh giá cao với việc bãi bỏ rất nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ môi trường… Tuy vậy, không ít ý kiến cũng chỉ rõ Dự thảo chưa hiện thực hóa được các quy định về sự tham gia giám sát của người dân đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường.

Ảnh minh họa

Bãi bỏ nhiều quy định

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường, bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các quy định của luật chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hoá thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động bảo vệ môi trường. Mặt khác, các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước…

Từ thực tiễn trên, dự thảo Luật đã đề xuất bãi bỏ nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ môi trường như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược so với Luật Bảo vệ môi trường 2014; chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật Quy hoạch.

Đặc biệt, để có sự thống nhất trong quản lý chất thải, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các nội dung, coi chất thải là tài nguyên: chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải. Chẳng hạn, đối với chất thải nguy hại: chuyển chất thải phóng xạ sang phạm vi quản lý của Luật Năng lượng nguyên tử; hoặc đối với chất thải rắn thông thường: quy định rõ việc phân loại chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước hỗ trợ; hay đối với chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường: thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”…

Dự thảo gồm 17 chương, 176 điều. Trong đó, giữ nguyên 30 điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác 47 điều; sửa đổi, bổ sung 78 điều; bổ sung mới 5 điều.

Cơ chế giám sát độc lập

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ thì dự thảo Luật có nhiều điểm mới mang tính đột phá trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ những thiếu sót cần sớm được bổ sung, điều chỉnh tại dự thảo này.

Đánh giá cao các quy định được bổ sung tại dự thảo Luật, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) Thạc sỹ Đặng Đình Bách băn khoăn, quá trình nghiên cứu dự thảo luật cho thấy, đến thời điểm này, dự thảo Luật chưa giải quyết được vấn đề còn tồn tại hiện nay là thiếu khung pháp luật chi tiết cũng như cơ chế cụ thể để người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường. Để luật ban hành bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh ban hành ra để đánh đố người dân, chúng ta phải đưa cơ chế giám sát của người dân trong quản lý, bảo vệ môi trường vào điều luật cụ thể.

Theo các chuyên gia môi trường, pháp luật hiện hành quy định rõ người dân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Tuy nhiên, với dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này, cơ quan soạn thảo vẫn không quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc công khai thông tin theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, không làm rõ được việc người dân có thể đưa ý kiến qua kênh nào, hình thức và quy trình ra sao. Đặc biệt, thiếu quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước đối với những vấn đề được phản ánh.

Luật sư Ngô Ngọc Trai, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Để tránh những sự cố đáng tiếc do ô nhiễm môi trường, ngoài thuế, phí đánh vào doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, việc giám sát của người dân, cộng đồng thì cần có cơ chế giám sát độc lập song song với cơ chế giám sát của nhà nước cần được bổ sung vào quy định của dự thảo luật để bảo đảm khi luật được ban hành có tính khả thi. Nếu không có sự giám sát của người dân và các tổ chức giám sát độc lập thì còn rất dễ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.