24/04/2024 lúc 22:43 (GMT+7)
Breaking News

Đồng Tháp: Kinh tế tập thể - những điểm sáng và nút thắt cần tháo gỡ

Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, các loại hình kinh tế tập thể của Đồng Tháp đã phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành nghề, với 232 hợp tác xã và hơn 1.000 tổ hợp tác. Tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tập thể từ 0,6% vào năm 2010 đã tăng lên 1,23% vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng là 17% giai đoạn 2010 - 2017.

VNHN -Sáng ngày 22/8, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ...

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng.

Kinh tế tập thể với nhiều mô hình nổi bật

Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, các loại hình kinh tế tập thể của Đồng Tháp đã phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành nghề, với 232 hợp tác xã và hơn 1.000 tổ hợp tác. Tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tập thể từ 0,6% vào năm 2010 đã tăng lên 1,23% vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng là 17% giai đoạn 2010 - 2017.

Đối với hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trong thời gian qua đã đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho thành viên.

Nổi bật là mô hình “Hợp tác xã cho nông dân tạm trữ lúa tại kho của hợp tác xã sau khi thu hoạch tại thời điểm giá lúa thấp” như: Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Cường; mô hình “Canh tác lúa thông minh” do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông II phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers (tỉnh Trà Vinh) thực hiện; mô hình “Ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới nhỏ giọt để sản xuất giống ớt sạch bệnh” của Hợp tác xã Tân Bình; mô hình “Ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử” cho mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã Mỹ Xương; mô hình “Ruộng nhà mình” của Hợp tác xã Thuận Tiến kết hợp với các doanh nghiệp để sản xuất và kinh doanh sản phẩm gạo tối ưu giá tại thị trường Hà Nội v.v..

Ngoài ra, điểm nổi bật của kinh tế tập thể của tỉnh thời gian qua, đó là thành lập hợp tác xã trên nền tảng mô hình Hội quán (77 Hội quán). Thông qua các buổi sinh hoạt của Hội quán, nông dân được tiếp cận quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, từ đó góp phần hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán.

Cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể của Đồng Tháp tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm và chưa vững chắc. Bà Phạm Thị Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tốc độ tăng trưởng của khu vực này còn chậm; đội ngũ quản lý hợp tác xã chưa được đào tạo tốt, khả năng cạnh tranh kém, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế tập thể cho Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị Hợp tác xã, cập nhật kiến thức kinh tế tập thể cho cán bộ, đảng viên, cơ quan quản lý các cấp; quan tâm các mô hình Hội quán, Tổ hợp tác, vì đây là những tổ chức có nhiều điều kiện phát triển lên hợp tác xã.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên hợp tác xã.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần phát huy vai trò của cấp uỷ Đảng các cấp trong chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể ở các địa phương, trong đó đưa nội dung kinh tế tập thể vào chương trình kiểm tra, sát hạch công chức cấp xã; giải quyết sự chồng chéo trong công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể; bố trí cán bộ chuyên trách lĩnh vực kinh tế tập thể để khắc phục tình trạng kiêm nhiệm, vừa thiếu, vừa yếu và thường xuyên thay đổi nên công tác quản lý chưa thực sự chặt chẽ v.v..

Phải hiểu đúng về hợp tác xã để chỉ đạo và thực hiện phù hợp

Luôn sâu sát và trăn trở với từng bước đi của kinh tế tập thể tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan cho rằng, các cấp, các ngành, người dân phải hiểu được giá trị, bản chất và ý nghĩa của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã thì mới có sự chỉ đạo, thực hiện đúng tinh thần đề ra chứ không dừng lại ở việc “buộc phải thực hiện Nghị quyết”.

Hội nghị lần này là cột mốc nhìn lại 15 năm xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, qua đó tự tin hoạch định một kế hoạch phát triển tập thể trong nhiệm kỳ tới.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ, hợp tác xã hiện chỉ mới đứng ở tầng giá trị thấp nhất của nền kinh tế trải nghiệm, đó là nguyên liệu thô; để bước đến tầng giá trị cao hơn - hàng hoá, dịch vụ, trải nghiệm thì hợp tác xã phải tiếp tục liên kết, hợp tác, thay đổi quy trình canh tác, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đa dạng hoá sản phẩm v.v..

Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải định ra lộ trình cho hợp tác xã đi theo các bước của nền kinh tế trải nghiệm, để tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm - đây mới là mục tiêu của hợp tác xã.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hợp tác xã, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan yêu cầu ngành chuyên môn phải chú trọng từ nội dung đến hình thức, đơn vị đào tạo; nhân lực điều hành, quản lý hợp tác xã phải thực sự tâm huyết, có kiến thức, am hiểu về hợp tác xã, đặc biệt là nhân lực ứng cử vào Ban Giám đốc hợp tác xã phải trải qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về hợp tác xã.

Bí thư Tỉnh uỷ cho biết sẽ đưa tiêu chí về kinh tế tập thể để đánh giá cấp uỷ trong thời gian tới; đưa nội dung kinh tế tập thể vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các Tập thể có mô hình Kinh tế tập thể hiệu quả.

Dịp này, 08 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được nhận bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.