19/04/2024 lúc 23:55 (GMT+7)
Breaking News

Đồng Tháp đồng hành cùng nông dân, giải quyết khắc phục các “hiện tượng xấu” trên cây có múi

VNHN - Qua thời gian thực hiện nghiên cứu, bước đầu xác định nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá thối rễ là do đất canh tác bị bạc màu, lạm dụng bón phân hoá học, không bón phân hữu cơ. Việc lấy đất từ ruộng lúa phủ lên liếp vườn cây có múi (lợp đất) đã tạo nên lớp nén dẽ cơ học, tạo ra vật liệu sinh phèn.

VNHN - Sáng ngày 18/02 vừa qua, Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng các sở-ngành đã họp bàn về việc khắc phục hiện tượng, vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung.

Tham dự có ngành nông nghiệp, lãnh đạo huyện Lai Vungvà một số nông dân trồng cây có múi trên địa bàn Lai Vung.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết, đến tháng 11/2019, toàn huyện có gần 5.400 ha cây có múi, trong đó có hơn 4.800 ha bị nhiễm vàng lá thối rễ, chết xanh. Diện tích nhiễm nặng hơn 2.500 ha, nhiễm trung bình hơn 1.200 ha, còn lại nhiễm nhẹ. Các loại cây có múi bị nhiễm bệnh như: Quýt hồng, Quýt đường, Cam xoàn, Cam sành, Cam dây.

Hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi xuất hiện từ năm 2016 và bùng phát mạnh vào năm 2018. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với UBND huyện Lai Vung và các nhà khoa học nghiên cứu nhiều giải pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Phước Thiện và các ngành chuyên môn tại mô hình khắc phục bệnh trên cây Quýt hồng.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Qua thời gian thực hiện mô hình, bước đầu xác định nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá thối rễ là do đất canh tác bị bạc màu, lạm dụng bón phân hoá học, không bón phân hữu cơ. Việc lấy đất từ ruộng lúa phủ lên liếp vườn cây có múi (lợp đất) đã tạo nên lớp nén dẽ cơ học, tạo ra vật liệu sinh phèn.

Chính cách làm này của nông dân làm cho đất bị nén dẽ, độ pH đất thấp rễ không ăn sâu, đất thoát nước kém, cây suy yếu tạo điều kiện chính cho nấm Fusarium, Phythopthora, tuyến trùng phát triển tấn công vào bộ rễ, làm cây chết - ông Thiện cho hay.

Đến nay đã có 05 mô hình trình diễn khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung (các xã: Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và Vĩnh Thới). Các mô hình đã áp dụng các giải pháp như: Xeo đất kết hợp rải tro trấu phá vỡ tầng nén dẽ, bón vôi, phân Calmag để nâng pH kết hợp rải phân hữu cơ ủ hoai, trồng Cúc sài đất, tủ rơm, xử lý chế phẩm Trichoderma trị tuyến trùng, trị Fusarium, Phytopthora v.v..

Qua 01 năm thực hiện kết quả cho thấy, ở cả 05 mô hình, đất tơi xốp hơn, số lượng cây chết do hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh được khống chế, cây phục hồi, rễ phát triển. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp Trường Đại học Cần Thơ xây dựng và ban hành “Quy trình tạm thời nhằm khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi” để hướng dẫn các nhà vườn áp dụng.

Song song với giải pháp khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xác định tác nhân chính dẫn đến hiện tượng này, trong đó có sự lây lan của nấm Fusarium, Phythopthora, tuyến trùng.

Không chỉ cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung bị nhiễm bệnh mà hiện tượng này còn xảy ra ở một số địa phương khác. "Để hạn chế lây lan và tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả cũng như đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải sớm tham mưu UBND tỉnh việc công bố dịch bệnh hay không công bố dịch bệnh, các phương án kèm theo trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành và sự cần thiết" - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dươngyêu cầu ngành nông nghiệp sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả đối với cây có múi bị nhiễm vàng lá thối rễ, chết xanh.

Ông Nguyễn Văn Dương cũng chỉ đạo UBND huyện Lai Vung sớm xây dựng Đề án bảo tồn, phát triển cây Quýt hồng; áp dụng chính sách hỗ trợ đối với diện tích cải tạo trồng mới cây Quýt hồng.

Hiện nay, người trồng cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung sử dụng đa dạng các loại phân hữu cơ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, yêu cầu ngành nông nghiệp lấy mẫu phân tích các loại phân hữu cơ người dân đang sử dụng, đồng thời đưa ra khuyến cáo cho người dân; nhanh chóng đặt hàng doanh nghiệp để chế tạo máy nông nghiệp phục vụ việc làm xơi đất cho người dân; có quy trình hướng dẫn trồng mới, phục hồi, chăm sóc cây có múi.

Bí thư Tỉnh ủy truyền cảm hứng về "kinh tế hợp tác" cho nông dân

Trong ngày 18/02, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan có buổi nói chuyện về "kinh tế hợp tác" với nông dân các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và Hội quán trên địa bàn huyện Lai Vung.

Tại buổi nói chuyện, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan khẳng định, việc sản xuất nông nghiệp hiện nay phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, một khi nông sản của chúng ta sản xuất ra đạt chất lượng cao, an toàn thì sẽ không bị thị trường tẩy chay, người tiêu dùng quay lưng.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan nói chuyện với nông dân.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ, muốn sản phẩm đạt chất lượng cao, người nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của mình là trở thành "nông dân chuyên nghiệp". Nông dân chuyên nghiệp là phải có kiến thức thị trường, kiến thức kinh doanh, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong sản xuất. Đặc biệt là phải chú trọng đến việc không làm tổn hại đến môi trường xung quanh, sức khỏe người tiêu dùng và cần biết chia sẻ các giá trị tốt đẹp đến cộng đồng; sản xuất tử tế và nắm rõ quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường.

Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã giới thiệu các mô hình sản xuất rau sạch làm giàu của nông dân Nhật Bản; câu chuyện về lão nông Nhật Bản mất 11 năm tạo ra quả táo sạch mang tên Kimura nổi tiếng thế giới hay những nỗ lực của một người nông dân tự tìm đầu ra cho trái thanh long Bình Thuận. Qua đó, Bí thư Tỉnh uỷ khích lệ nông dân không ngừng nỗ lực, tự lực vươn lên ./.