20/04/2024 lúc 04:02 (GMT+7)
Breaking News

Đồng hành cùng Doanh nghiệp và người dân trong đại dịch toàn cầu

VNHN - Với chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 là “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, Bộ Công Thương kêu gọi các DN nói chung, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, hãy tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN.

VNHN - Với chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 là “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, Bộ Công Thương kêu gọi các DN nói chung, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, hãy tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm

Đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới, gây ra sự đảo lộn trong hoạt động chi tiêu và sinh hoạt của người tiêu dùng, ảnh hưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương hàng hóa. Khôi phục hoạt động kinh tế trong khi vẫn phải nỗ lực khống chế dịch bệnh là bài toán khó, buộc hầu hết các nước đều phải thận trọng.

Tại Việt Nam, mỗi cơ quan, ban, ngành đều đưa ra những đối sách quan trọng và thiết thực giúp cả nước vượt qua thời điểm khó khăn này. Điển hình như Bộ Công Thương đã và đang có những động thái tích cực trong công tác xây dựng và áp dụng các công cụ hỗ trợ cần thiết để DN và người tiêu dùng có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh tiêu dùng an toàn, từng bước khôi phục lại các hoạt động như trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân, liên quan đến việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, ngày 12/2, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 862/BCT-CT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, điều chỉnh các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020. Trong đó nhấn mạnh các sự kiện tập trung đông người trong khuôn khổ Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay sẽ được lùi lại, tập trung vào tuyên truyền trên các kênh truyền thông trực tuyến.

Để phát huy sức mạnh, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội, DN và người tiêu dùng, qua đó góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, kích thích tiêu dùng… những hoạt động chính được Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai tại các tỉnh thành như: Cục Quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai thực hiện thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần triển khai hiệu quả các nội dung của kế hoạch; tiếp nhận, tư vấn, xử lý thông tin khiếu nại của người tiêu dùng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo sở công thương và các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm như quảng cáo gian dối, cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, ép buộc giao dịch; cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm về số lượng, chất lượng, giá cả...

Đồng thời triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân như truyền thông trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình; treo băng rôn trên các tuyến đường chính, tại chợ, trung tâm thương mại; phát tờ rơi tuyên truyền; phát loa lưu động... Các hoạt động đa dạng nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh đã có một "cú hích" đáng kể. Rất nhiều DN, nhiều mặt hàng chưa tham gia và có mặt trên sàn thương mại điện tử giờ cũng đã xuất hiện. Bên cạnh đó, Cục cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng ở khâu thanh toán, và đối với DN thì hỗ trợ xây dựng website, đào tạo trực tuyến các kỹ năng cơ bản. Từ đầu tháng 4 đến nay, Cục đã tổ chức đào tạo được 5 lớp với đông đảo các học viên tham gia. 

Từ tháng 3 đến nay rất nhiều tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai và liên tục áp dụng các kế hoạch mới phù hợp với tình hình dịch bệnh, đem lại những hiệu quả nhất định như: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn DN, người dân cách giao dịch thương mại điện tử; những kỹ năng để tự bảo vệ mình trong cách giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, tại một số sở công thương tỉnh, thành phố còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ bảo hành sản phẩm; tổ chức hội thảo, tập huấn, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá; các hoạt động tri ân khác phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại DN.

Người tiêu dùng tự nâng cao vai trò cảnh giác của cá nhân

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng lưu ý, bản thân người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức để vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân cũng như góp phần bảo đảm sự an toàn, ổn định của xã hội.

Thứ nhất, cần thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các thông tin chính thức và thực hiện theo các yêu cầu, khuyến cáo, khuyến nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đảm bảo sức khỏe và có các quyết định tiêu dùng phù hợp.

Thứ hai, cần kiên quyết đấu tranh với các hành vi kinh doanh sai trái, không hợp tác với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm những hành vi nói trên, nhanh chóng tố cáo về các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sự vào cuộc khẩn trương và quyết liệt của Bộ Công Thương trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang xảy ra đã cho thấy những chính sách đúng đắn, hiệu quả và kịp thời để bảo vệ DN cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, để cuộc chiến đem lại hiệu quả rất cần sự đồng hành chung tay của DN và người tiêu dùng. Mối quan hệ tương hỗ và bền chặt sẽ tạo ra sức mạnh để cùng vượt qua những thử thách, đem lại những hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.