24/04/2024 lúc 15:01 (GMT+7)
Breaking News

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai làm kinh tế HTX (Bài cuối): Nhiều mô hình HTX hiệu quả

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, các mô hình HTX tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại nhiều xã, huyện vùng cao trong tỉnh đang có những cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao đời sống của thành viên, người lao động.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, các mô hình HTX tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại nhiều xã, huyện vùng cao trong tỉnh đang có những cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao đời sống của thành viên, người lao động.

Số lượng HTX tăng nhanh

Tính đến hết tháng 10/2021, tỉnh Lào Cai có 422 HTX, trong đó có 218 HTX nông nghiệp, chiến hơn 51%. Các HTX trên địa bàn tỉnh thu hút hơn 8.400 thành viên và tạo việc làm cho hơn 8.900 lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ ở vùng nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đáng phấn khởi là trong 6 tháng qua, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra khá phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của khu vực kinh tế HTX, nhưng trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 26 HTX được thành lập mới.

Bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho biết, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm, ổn định thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 2 mô hình HTX được đồng bào vùng dân tộc thiểu số đặc biệt phát triển là HTX nông nghiệp và HTX tiểu thủ công nghiệp. Nếu các HTX nông nghiệp tập trung phát triển các loại cây con có thế mạnh của địa phương để canh tác, trồng, chế biến và xuất khẩu, thì các HTX tiểu thủ công nghiệp lại đi sâu vào khâu chế biến các loại nông lâm sản của địa phương, trở thành đặc sản thương mại mang lại giá trị kinh tế cao.

Các mô hình HTX tiêu biểu có thể kể đến như: HTX Nông nghiệp xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai với mô hình trồng Tam thất giá thương phẩm lên tới 450.000đ/kg; HTX Thành Sơn sản xuất miến dong với doanh thu bình quân trên 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân trên 600 triệu đồng, thu nhập bình quân 60 triệu đồng/thành viên/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương tham gia trồng dong; HTX Tiên Phong Mường Vi liên kết sản xuất lúa Séng cù doanh thu đạt 7,6 tỷ đồng, lợi nhuận 650 triệu đồng, thu nhập thành viên HTX 5 triệu đồng/tháng, thu nhập cho các hộ tham gia liên kết 150 triệu đồng/năm; HTX Tiến Đạt liên kết sản xuất dâu tằm với trên 800 hộ nông dân, doanh thu bình quân trên 6 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập cho các hộ nông dân trồng dâu nuôi tằm gần 400 triệu đồng/ha/năm…

Các HTX đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông thôn góp phần xoá đói giảm nghèo và làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi.

“Khu vực kinh tế HTX của tỉnh Lào Cai những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh HTX trong sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, Bà Lợi cho biết thêm.

Tạo thuận lợi cho chuỗi nông sản địa phương

Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, các HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Lào Cai đã tích tụ được đáng kể diện tích đất để sản xuất quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là xu thế đúng đắn trong bối cảnh Lào Cai đang cùng với cả nước tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao giá trị của nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, HTX.

Các HTX hoạt động trong khu vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng chủ động tìm kiếm thị trường, tiêu thụ nông sản, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho thành viên, người lao động.

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 20 HTX, trong đó có hơn ½ HTX trong vùng đồng bào dân tộc, 28 công ty tham gia liên kết sản xuất như: Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng; liên kết tiêu thụ dược liệu; liên kết tiêu thụ rau, hoa; lúa gạo, ngô, sắn, dong riềng, ớt; chuối, dứa; liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi... hiện có khoảng 5.972 ha vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất giữa các HTX, doanh nghiệp với 12.504 hộ nông dân tham gia liên kết (liên kết sản xuất chè: 3.044 ha, sản xuất dược liệu: 302,7 ha, sản xuất rau, hoa, củ ,quả: 533 ha, sản xuất tiêu thụ lúa, ngô: 1967,5 ha...)

Ngoài việc thúc đẩy các hoạt động liên kết nội tiêu trong tỉnh, Lào Cai đã liên kết, hợp tác với các tỉnh thành phố, để kết nối đưa các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện đã hình thành các mối liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn giữa các doanh nghiệp của Lào Cai với các doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh... và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Đông…

“Trong chuỗi cung ứng ấy, các HTX vùng dân tộc thiểu số đang là cầu nối, trung gian và đang ngày càng trở thành các địa chỉ tin cậy không chỉ cho các thành viên mà còn là địa chỉ uy tín cho các thương hiệu nông lâm sản tại địa phương”, bà Lợi phấn khởi cho biết.