19/04/2024 lúc 06:38 (GMT+7)
Breaking News

Đồng bằng sông Cửu Long: nhiều mô hình khởi nghiệp độc đáo

VNHN - Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất cả nước, các mô hình kinh tế, khởi nghiệp độc đáo từ sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt ở các bạn trẻ. Sữa gạo lứt, mộng dừa sấy dẻo, tranh thư pháp trên lá sen khô, bánh xèo nhân củ hũ dứa.... là những sản phẩm độc đáo do những người trẻ tuổi ở ĐBSCL sáng tạo và gây ấn tượng mạnh trên thị trường.

VNHN - Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất cả nước, các mô hình kinh tế, khởi nghiệp độc đáo từ sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt ở các bạn trẻ. Sữa gạo lứt, mộng dừa sấy dẻo, tranh thư pháp trên lá sen khô, bánh xèo nhân củ hũ dứa.... là những sản phẩm độc đáo do những người trẻ tuổi ở ĐBSCL sáng tạo và gây ấn tượng mạnh trên thị trường.

Hiện nay, xu hướng thúc đẩy chuỗi giá trị cho sản phẩm từ khai thác đi song song với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên từ các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với giá trị văn hóa bản địa đang được nhiều tỉnh, thành trong cả nước chú trọng. Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam - Center for Educational Exchange with Vietnam (CEEVN) cho biết những mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp góp phần đạt được một số mục tiêu phát triển bền vững như giảm nghèo đói, tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, sử dụng bền vững tài nguyên trên mặt đất và ngăn chặn mất đa dạng sinh học…

Hành động này cũng sẽ thúc đẩy lan tỏa Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai trên phạm vi toàn quốc, nhằm tạo ra bước đột phá trong thực tiễn sản xuất sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, phát huy lợi thế vùng miền; qua đó, tạo động lực xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long: nhiều mô hình khởi nghiệp độc đáo 

Tại Cần Thơ, bạn trẻ Nguyễn Vương Tường Vân (sinh năm 1993) đã xuất sắc giành Giải nhất trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2018-2019 với giải pháp “Sản xuất sữa gạo lứt hoàn toàn tự nhiên ứng dụng emzyme thủy phân tinh bột.” Điểm nổi bật của giải pháp chính là quy trình công nghệ thủy phân 2 lần: thủy phân dịch hóa và thủy phân đường hóa bằng emzyme. Đây là sản phẩm được đánh giá rất tốt cho sức khỏe khi khai thác được giá trị dinh dưỡng cao của gạo lứt, cung cấp hơn 53% năng lượng nhưng lại không làm gia tăng đường và mỡ trong máu.

Do sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 không “không cholesteron, không đường hóa học, không chất bảo quản” nên thích hợp cả cho những người béo phì, người bị tiểu đường, người bị bệnh tim mạch. Không chỉ được đánh giá cao ở khía cạnh ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng từ hạt gạo lứt, giải pháp của Tường Vân còn thuyết phục các chuyên gia kinh tế ở phần giá trị kinh tế gia tăng, “tinh chế” giúp hạt gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi tình trạng xuất thô bấp bênh và mất thương hiệu; gia tăng lợi nhuận cho hạt gạo lứt lên 10 lần so với xuất thô.

Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là “vùng đất sen hồng,” thời gian qua đã chứng kiến rất nhiều dự án khởi nghiệp mới lạ từ cây sen; trong đó, không thể không nhắc đến thầy giáo Trịnh Phi Long (34 tuổi, ngụ tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò) với sản phẩm tranh thư pháp trên lá sen sấy khô rất độc đáo. Nguyên liệu lá sen sấy khô hiện đã khá phổ biến tại Đồng Tháp được ứng dụng trong thủ công mỹ nghệ như trang trí nón lá, làm quạt cầm tay và một số sản phẩm khác. Theo thầy Long, viết chữ thư pháp trên lá sen khô khá kỳ công bởi lẽ lá sen có gân nên khi viết phải đòi hỏi một kỹ thuật nhất định và nội dung cần định hình trước. Chất liệu mực viết chữ cũng phải khác khi thể hiện trên giấy, sao cho không bị phai, lem và phải nổi lên trên nền lá sen.

Hiện dòng tranh thư pháp trên lá sen của thầy Long được bảo hành trong thời gian 3 năm. Mỗi bức tranh thư pháp, tác giả bán ra thị trường với giá khoảng 300.000 đồng trở lên, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Dự án khởi nghiệp "Tranh thư pháp trên lá sen khô" đã lọt vào vòng bán kết tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 4 năm 2018 với chủ đề "Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ," do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh-Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.