28/03/2024 lúc 16:51 (GMT+7)
Breaking News

Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới bắt kịp cả nước bằng bộ 3 chính sách "vàng"

Ý kiến chuyên gia cho rằng với bộ ba chính sách lớn, ĐBSCL đang có cơ hội lớn để phát triển. Theo Quy hoạch vùng đang được xây dựng, đến năm 2030, tổng GRDP của vùng khoảng 73 tỷ USD/năm, thu nhập thực tế bình quân đầu người sẽ bằng hoặc cao hơn so với trung bình cả nước.

Ý kiến chuyên gia cho rằng với bộ ba chính sách lớn, ĐBSCL đang có cơ hội lớn để phát triển. Theo Quy hoạch vùng đang được xây dựng, đến năm 2030, tổng GRDP của vùng khoảng 73 tỷ USD/năm, thu nhập thực tế bình quân đầu người sẽ bằng hoặc cao hơn so với trung bình cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 26/11 tại Cần Thơ, nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng Quy hoạch là một thách thức rất lớn, rất khó,với một không gian lớn, bối cảnh có nhiều biến động. Cùng với đó, có nhiều quyết định, quy hoạch, kế hoạch, dự án… chồng chéo nhau của các ngành và chính quyền 13 tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, bộ ba chính sách lớn (Luật Quy hoạch, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, Quyết định 593 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL) chính là cơ hội vàng cho vùng phát triển.

Kết luận Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc lại hàng loạt vấn đề đề cần xử lý trong định hướng phát triển ĐBSCL, với tư duy đột phá, táo bạo và tầm nhìn chiến lược hơn, vừa kế thừa, vừa phát triển. Các vấn đề cần ưu tiên sẽ là giao thông, nước và sạt lở.

Ông nhấn mạnh, phải đặt ích chung của đất nước, của vùng lên trên lợi ích cục bộ và khẳng định, mục tiêu cuối cùng là sinh kế và hạnh phúc của người dân.  "Có thể về kinh tế chưa được như nhiều nơi khác, nhưng điều quan trọng là mỗi người dân có thể luôn nở nụ cười", ông nói. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kết luận Hội nghị

Lợi ích sẽ phân bổ tương đối đồng đều

Theo đại diện liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV&GIZ, Quy hoạch được xây dựng dựa trên tiền đề đơn giản và được chấp nhận rộng rãi rằng nông nghiệp là ngành có lợi thế của vùng, và nhiều diện tích đất sản xuất hiện đang bị sử dụng thấp so với mức khả năng thu hoạch cho giá trị cao hơn, và việc sản xuất những cây trồng này mở ra tiềm năng gia tăng giá trị rộng hơn và tạo nhiều việc làm khác.

Dựa trên tiền đề này, Quy hoạch xác định bốn yếu tố tổng hợp của chiến lược phát triển vùng. Về nông nghiệp, thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất số lượng lớn cây trồng có giá trị cao hơn, chất lượng tốt dựa trên sự phù hợp về đất đai và nguồn nước, bằng cách nới lỏng các hạn chế sử dụng đất, hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân và thúc đẩy các phương thức canh tác hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Về các trung tâm đầu mối nông - công nghiệp, thu gom và tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản địa phương tại các cơ sở tiểu vùng và gia tăng giá trị, thông qua phát triển các trung tâm chế biến, được bố trí hợp lý ở các trung tâm tỉnh, cùng với dịch vụ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Về giao thông, cải thiện theo từng giai đoạn đường bộ, vận tải thủy nội địa và cảng, cũng như hậu cần khu vực, để hỗ trợ các trung tâm chế biến và cải thiện khả năng tiếp cận tổng thể trong khu vực để mang lại lợi ích cho các ngành khác (bao gồm cả công nghiệp).

Về quản lý nước, bảo vệ vùng nước ngọt lõi và các vùng ven biển, cải thiện chất lượng nước (đặc biệt liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản), thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.

Theo tư vấn, dự kiến, đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người hàng năm (theo giá năm 2018) có thể ở mức 4.100 USD và tổng GRDP của vùng khoảng 73 tỷ USD/năm. Thu nhập thực tế bình quân đầu người sẽ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức trung bình của cả nước và sẽ bền vững hơn. Hiện, GDP bình quân đầu người của vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, tác động của tăng trưởng kinh tế gia tăng và nhiều cơ hội hơn trong khu vực sẽ làm giảm xuất cư và làm chậm sự gia tăng độ tuổi trung bình của dân số.

Đặc biệt, lợi ích tập thể từ Quy hoạch vùng sẽ được phân bổ tương đối đồng đều. Trong ngắn hạn, những thay đổi trong mô hình sản xuất nông nghiệp và năng suất nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho số lượng lớn nông dân sản xuất nhỏ; chế biến dựa vào các trung tâm sẽ tạo ra một số lượng lớn việc làm bán kỹ năng và tăng trưởng du lịch trên quy mô lớn mang lại cơ hội rộng rãi - có thể được định hướng là bao trùm nhất có thể.

Nguyên tắc ‘không hối tiếc”

Đây là nguyên tắc được nhiều ý kiến đề cập tại Hội nghị. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hữu hạn, trong khi nhu cầu là rất lớn, việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường đoán. 

Đồng tình với nguyên tắc này, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho biết, ĐBSCL đang ở ngã ba đường và chúng ta không nên “mắc kẹt” vào những vấn đề hiện tại. Theo ông, thực hiện cho tốt Nghị quyết 120 sẽ giải quyết được những vấn đề nội tại ĐBSCL. Quy hoạch lần này mang tính lịch sử, nhưng sẽ còn những lúng túng và còn những vấn đề Quy hoạch này chưa giải quyết được, song chúng ta có thể nhìn thấy tương lai sáng của vùng.

Làm rõ hơn về nguyên tắc “không hối tiếc”, ông Nguyễn Hữu Thiện giải thích, bối cảnh của việc lập chiến lược, quy hoạch là không chắc chắn, như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các biến động ở thượng nguồn Mekong. Hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai (như lợi trước mắt, hại bộc lộ dần về lâu dài), trong khi nguồn lực bao giờ cũng hạn chế, cần phải ưu tiên hóa.

Do đó, các phương án tính toán cần theo hướng có thể sửa đổi được nếu nhận ra sai lầm, tránh “đâm lao phải theo lao”, không loại bỏ các phương án thích ứng khác trong tương lai; đồng thời hành động ở nơi này, của ngành này không gây ảnh hưởng nơi khác, ngành khác.

Vị chuyên gia nhắc tới một số ví dụ “hối tiếc” trước đây, như thâm canh lúa ba vụ ở một số nơi đã đem lại lợi ích ban đầu, song làm đất đai suy kiệt và về lâu dài có thể ảnh hưởng an ninh lương thực, làm mất không gian hấp thu lũ, mất tài nguyên thủy sản. Việc xây dựng đê bao làm tăng ngập nơi khác, gây ra thực trạng “ngoài đồng không có nước, nhưng có rất nhiều nước trong thành phố”.

Hoặc các nỗ lực ngọt hóa vùng mặn sẽ dễ “thất thủ” trong bối cảnh mới, trong khi chi phí duy tu cho các công trình ngọt hóa sẽ tăng dần, do đó nên chăng dần dần trở lại mặn – ngọt luân phiên theo mùa?

Vị chuyên gia cũng cho rằng không nên thực thi ý tưởng ngăn cửa sông Cửu Long vì các tác động như thay đổi thủy văn, triệt tiêu thủy triều và hàng loạt hệ lụy, làm mất thủy sản tự nhiên… Tương tự, cũng không nên sao chép ý tưởng đê biển của Hà Lan vì bối cảnh rất khác của ĐBSCL và có thể làm mất sự kết nối sống còn giữa sông và biển…

Cũng theo nguyên tắc “không hối tiếc”, ông Nguyễn Hữu Thiện đề xuất, ưu tiên giải pháp phi công trình hơn giải pháp “thành trì kiên cố”; với các giải pháp công trình cũng chỉ nên cỡ nhỏ và theo hướng chỉ nên kiểm soát, không nên ngăn mặn…

Các địa phương còn ý kiến khác nhau về hạ tầng giao thông

Trình bày kết quả tham vấn kỹ thuật đối với các định hướng phát triển vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với BĐKH; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến chỉ đạo, đồng thuận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trước khi hoàn thiện. Cụ thể là về việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong tổng thể phát triển quốc gia, quốc tế; về phương án phân tiểu vùng ngọt- mặn – lợ; nên giữ khoảng bao nhiêu hecta lúa và sản lượng lúa và có bỏ hoàn toàn lúa vụ 3 trên toàn vùng hay không; rủi ro trong nuôi trồng thủy sản; về phát triển các trung tâm đầu mối và định hướng phát triển đô thị.

Về kết cấu hạ tầng giao thông, còn có ý kiến khác nhau về việc phát triển cảng biển nước sâu, một số tuyến đường cao tốc bên ngoài khu vực chuỗi động lực đô thị dọc sông, sông Tiền, sông Hậu theo trục Đông –Tây, định hướng phát triển tuyến đường bộ ven biển. Đa số ý kiến chuyên gia cho rằng đề xuất phát triển các kết cấu hạ tầng nêu trên chưa đủ luận cứ xác đáng về hiệu quả kinh tế, trong khi đó đa số các địa phương mong muốn phát triển các công trình này để thúc đẩy sự phát triển của Vùng.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp danh mục các dự án do địa phương đề xuất gồm 13 dự án liên kết vùng. Tổng mức đầu tư các dự án liên kết vùng là 26.731 tỷ đồng, đề xuất bố trí trong giai đoạn 2021-2025 là 19.916 tỷ đồng; trong đó dự kiến ngân sách trung ương hỗ trợ là 16.250 tỷ đồng cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương xây dựng Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Khoản hỗ trợ DPO) có quy mô 1,05 tỷ USD. Tổng mức đầu tư các dự án DPO là 40.875 tỷ đồng, đề xuất ngân sách trung ương bố trí từ nguồn vốn DPO là 31.330,4 tỷ đồng phần vốn xây lắp, các chi phí khác như giải phóng mặt bằng, dự phòng,tư vấn,…do địa phương cân đối.

Còn theo đơn vị tư vấn, tổng cộng có 153 dự án đầu tư trong vùng đã được xác định theo Quy hoạch này. Tổng kinh phí cần thiết để thực hiện các dự án này trong giai đoạn đầu (2021-2025) và giai đoạn hai (2026-2030) lần lượt là khoảng 24 tỷ USD và 34 tỷ USD. Khoảng 21% tổng vốn đầu tư cần thiết (khoảng 14 tỷ USD) đến từ các quỹ công; phần còn lại là đầu tư dự kiến của khu vực tư nhân.

MỘT SỐ NỘI DUNG QUY HOẠCH ĐBSCL:

Về quản lý nước, chia vùng ĐBSCL thành ba tiểu vùng:

- Vùng nước ngọt: Lùi vùng ngọt vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp.

-  Vùng chuyển tiếp: Chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết, không ngăn mặn.

- Vùng mặn: Tuần hoàn nước biển, phát triển thuỷ sản và phục hồi sinh thái

Thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Lấy chất lượng, thu nhập, lợi nhuận, ổn định làm những chỉ tiêu chính, thay vì chạy theo số lượng:

- Sản xuất lúa gạo: giữ ở mức cần thiết tối thiểu, tăng giá trị sản phẩm, tập trung vào vùng có lợi thế nhất, những khu vực khác cho phép chuyển đổi, giảm và tiến tới bỏ lúa vụ 3.

- Nuôi trồng thuỷ sản: Là lĩnh vực mũi nhọn để tăng thu nhập, nhưng rủi ro rất cao. Tập trung vào quản lý rủi ro, giảm thiểu tác động môi trường. Cung cấp hạ tầng thuận lợi.

- Cây trái rau màu: có tiềm năng rất lớn, do đa dạng về sản phẩm, ít phụ thuộc điều kiện tự nhiên, có nhiều loại công nghệ cao, chiều rộng và sâu của chuỗi sản xuất liên quan. Định hướng tăng giá trị, tăng diện tích, công nghệ cao.

- Chăn nuôi: trước đây gần như không có vai trò, nhưng tương lai có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là thuỷ cầm, do đa dạng về sản phẩm, ít phụ thuộc điều kiện tự nhiên, chiều rộng và sâu của chuỗi sản xuất liên quan. Định hướng mở rộng quy mô, độ đa dạng, tăng giá trị sản phẩm.

Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học: Trước hết phải đảm bảo lưu thông nước giữa các dòng sông, kênh, rạch, giữa các khu vực và giữa sông - biển theo đúng cách thức vận hành hệ thống nước tự nhiên tại vùng ĐBSCL; xác định và thúc đẩy tái phục hồi diện tích hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học lên 9% theo Nghị quyết 120…

Quan điểm chung về phát triển văn hóa, xã hội:

- Nâng cao công bằng xã hội;

- Định hướng di dân dựa trên tăng cường cơ hội việc làm và thu nhập;

- Hướng tới thịnh vượng chung trên toàn vùng;

- Đặc biệt chú trọng phát huy các giá trị bản sắc văn hoá xã hội;

- Đặc biệt chú trọng vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực và dạy nghề.