29/03/2024 lúc 22:04 (GMT+7)
Breaking News

Đón thời cơ để thúc đẩy tăng trưởng

VNHN - Xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang trên đà hồi phục với lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát tốt dịch bệnh. Những tháng cuối năm, hoạt động XK dự báo sẽ có nhiều khởi sắc khi các thị trường trọng điểm bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa kinh tế.

VNHN - Xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang trên đà hồi phục với lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát tốt dịch bệnh. Những tháng cuối năm, hoạt động XK dự báo sẽ có nhiều khởi sắc khi các thị trường trọng điểm bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa kinh tế.

Để khơi thông dòng chảy XK, Bộ Công Thương đang tập trung cao độ cho việc xúc tiến thương mại, khai thác thời cơ từ các thị trường.

Ảnh minh họa - Internet 

Hồi phục đà tăng trưởng, xuất siêu hơn 4 tỷ USD

Dù gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 song thời gian qua, hàng hóa Việt Nam vẫn khẳng định được ưu thế, tạo dấu ấn mới trong XK. Những ngày cuối tháng 6-2020, lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam XK sang Nhật Bản chính thức được bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại quốc gia này. Đây là vụ vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên XK sang thị trường Nhật Bản. Trong năm nay, khoảng 100 tấn vải thiều tươi sẽ được XK sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không và đường biển. Sau Nhật Bản, quả vải tươi Việt Nam tiếp tục tiến vào thị trường Singapore. Tính đến giữa tháng 6-2020, gần 50 tấn vải đã được XK sang Singapore từ cảng Hải Phòng. Dự kiến trong năm nay, sẽ có tổng cộng khoảng 100 tấn vải Việt Nam có mặt tại thị trường Singapore. Cùng với đó, ngày 22-6, tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ XK 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Mỹ, Canada và Australia theo đường chính ngạch.

Về thị trường, KNXK tháng 6 sang các thị trường đều có tăng trưởng dương so với tháng 5, đặc biệt hai thị trường XK chủ lực là Trung Quốc và Hoa Kỳ và thị trường các nước thành viên CPTPP, như: Australia, Chile, Mexico... Tính chung 6 tháng năm 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục xuất siêu 4,03 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,72 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2019.Thông tin từ Bộ Công Thương: Tiếp nối tháng 4, tháng 5, hoạt động thương mại trong tháng 6 của Việt Nam đã dần lấy lại đà tăng trưởng. Kim ngạch hàng hóa XK tháng 6-2020 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước. So với tháng 5-2020, nhiều mặt hàng nông nghiệp tăng trưởng khả quan, như: Thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè... Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng tăng trưởng cao, như: Dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản. KNXK nhóm hàng công nghiệp chế biến dù chưa thể trở lại trạng thái trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn, với mức tăng 10,5% so với tháng 5-2020, đạt 17,43 tỷ USD, điển hình là các mặt hàng điện thoại; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt và may mặc; xơ, sợi dệt, giày dép các loại...

Nhiều động lực mới cho xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, trong 6 tháng cuối năm 2020, XK hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, nền tảng cho tăng trưởng XK thời gian tới chính là khả năng chống chịu tốt hơn của khối DN trong nước dưới tác động của dịch bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, KNXK khối DN trong nước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. “Đặt trong tương quan KNXK của cả nước và KNXK của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đều có tăng trưởng âm, lần lượt là -1,1% và -6,7%. Kết quả này cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tăng trưởng XK nhóm nông sản, thủy sản như những năm trước đây, mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xu hướng này bắt đầu từ 1 đến 2 năm gần đây, đặc biệt là năm 2019 khi mà XK nông sản, thủy sản gặp khó khăn, XK của khu vực trong nước vẫn tăng trưởng cao và cao hơn tăng trưởng chung của cả nước” , Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.

Trong khi đó, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, hiện tại EU là một trong những thị trường XK lớn nhất của Việt Nam nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-8 sẽ tạo cơ hội gia tăng XK của Việt Nam vào thị trường này, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế, như: Dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ... “Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có Hiệp định thương mại tự do với EU. Việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam XK sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác”, ông Ngô Chung Khanh đánh giá.

Có nhiều yếu tố hỗ trợ XK trong những tháng cuối năm, nhưng Bộ Công Thương vẫn thận trọng cho rằng, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 có thể quay trở lại tại nhiều đối tác của Việt Nam, chính vì vậy, quá trình hồi phục thương mại sẽ mất nhiều thời gian. Cùng với đó, Hiệp định EVFTA cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nội địa Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, bởi khi lộ trình giảm thuế được triển khai, nhiều sản phẩm với tiêu chuẩn EU sẽ có cơ hội vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn so với hiện nay.

Doanh nghiệp cần năng động trong tiếp cận thị trường

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thị trường là khâu khó nhất đối với hoạt động sản xuất. Nhìn từ câu chuyện quả vải cho thấy, trước đây quả vải Việt Nam chủ yếu XK sang Trung Quốc và việc phụ thuộc vào một thị trường dẫn tới nhiều rủi ro. Nhưng với nỗ lực xúc tiến thương mại, nắm bắt nhu cầu của từng thị trường XK, từ đó ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương quy hoạch từng vùng trồng tương ứng với thị hiếu của mỗi thị trường, bảo đảm cho DN XK có thể kiểm soát được chất lượng quả vải theo đúng yêu cầu của nhà nhập khẩu, đã mở ra nhiều thị trường mới. Hiện nay, quả vải Việt Nam có mặt tại 40 nước, trong đó đã có mặt hầu khắp các thị trường trọng điểm, như: Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Australia...

Nhưng thực tế cho thấy, việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do DN thiếu thông tin. Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, đối với lĩnh vực da giày, DN vẫn thiếu thông tin về thị trường, gần đây nhất là thông tin về EVFTA còn rất hạn chế. Nguyên nhân bởi mô hình phương thức sản xuất gia công, XK. “Vấn đề về thị trường hầu như do khách hàng chủ động tìm đến, chúng ta chỉ chủ yếu sản xuất thôi. DN chưa có tính năng động trong tiếp cận thị trường. Chúng tôi rất mong muốn DN phải có sự chuyển biến tích cực mới có thể tiếp cận được "sân chơi" mới", bà Phan Thị Thanh Xuân đề xuất.

Nhấn mạnh vấn đề DN phải năng động trong phát triển thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may. KNXK khả quan nhất của ngành chỉ vào khoảng 34 tỷ USD (trong khi mục tiêu đặt ra là 40-42 tỷ USD), khó khăn đến từ việc thiếu hụt đơn hàng, các đơn hàng có trở lại nhưng vẫn mang tính chất thăm dò thị trường. Ông Giang khuyến cáo, các DN dệt may phải nhạy bén về nhu cầu thị trường, từ đó thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Ví dụ, khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống...

Để hỗ trợ DN thúc đẩy phát triển thị trường XK, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường. Cùng với đó, triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm, như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Vũ Dung