19/04/2024 lúc 02:14 (GMT+7)
Breaking News

Đời sống giáo viên được quan tâm nhiều nhất tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

"Ngày xưa một người đi dạy nuôi cả gia đình, nghề giáo được coi trọng còn bây giờ giáo viên phải tằn tiện với đồng lương không đủ sống", Luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ.

"Ngày xưa một người đi dạy nuôi cả gia đình, nghề giáo được coi trọng còn bây giờ giáo viên phải tằn tiện với đồng lương không đủ sống", Luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ.

Sáng 29-3, tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã diễn ra Hội thảo góp ý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Buổi hội thảo nhằm tổng hợp các ý kiến đóng góp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra sắp tới, dự kiến sẽ thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tại buổi hội thảo, ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tại Điều 6, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định chung về các loại hình đào tạo, cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân nhưng chưa quy định loại hình trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên.

"Thời đại khoa học công nghệ, quá trình đào tạo ở trường sư phạm chỉ cung cấp kiến thức ban đầu nhưng sau một thời gian sử dụng kiến thức sẽ trở nên lạc hậu. Chưa kể học sinh hiện nay ngoài việc học ở trường còn học ở nhiều kênh thông tin khác nên giáo viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới theo kịp sự phát triển của học sinh, việc đào tạo lại vì thế rất quan trọng", ông Lê Duy Tân bày tỏ.

Đời sống giáo viên hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn nữa giúp các thầy, cô yên tâm sống được với nghề.

Bên cạnh đó, đại diện Sở GD-ĐT TP cũng băn khoăn trước quy định về công tác hướng nghiệp, phân luồng ở điều 9 của dự án luật.

"Để phân luồng học sinh tốt thì việc sử dụng lao động phải được luật hóa. Giáo dục nghề nghiệp muốn phát triển phải có chính sách phù hợp, trong đó cần đẩy mạnh xã hội hóa ở bậc THPT để dồn nguồn lực nhà nước chăm lo các cấp học thấp hơn", ông Lê Duy Tân nêu quan điểm.

Ở khía cạnh khác, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, không nên có điều luật riêng về triết lý giáo dục mà triết lý đó cần được lồng ghép thông qua các điều luật khác. Ngoài ra, Luật sư Trương Thị Hòa cũng bày tỏ trăn trở trước tỷ lệ quy định tối thiểu 20% ngân sách chi cho giáo dục.

"Ngày xưa một người đi dạy nuôi cả gia đình, nghề giáo được coi trọng còn bây giờ giáo viên phải tằn tiện với đồng lương không đủ sống", Luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ.

Đề cao yếu tố giáo dục lễ nghĩa trong trường học, đặc biệt ở bậc tiểu học, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM nêu ý kiến, tại Điều 29, dự án luật ghi rõ: "Giáo dục tiểu học nhằm hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh". Như vậy, mục tiêu giáo dục ở bậc học này chưa có nét nổi bật so với các bậc học khác, trong đó khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" chưa được quan tâm đẩy mạnh.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp mong muốn Luật Giáo dục (sửa đổi) làm rõ hơn một số khái niệm như "thương mại hóa giáo dục”, "tín dụng giáo dục", quy định liên thông giữa các loại hình trường công lập và tư thục, nghiên cứu bổ sung loại hình đào tạo nghề trình độ cử nhân và sau đại học..

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết sẽ tổng hợp tất cả ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành trên địa bàn TPHCM, tham gia tại kỳ họp Quốc hội diễn ra sắp tới với mong muốn đẩy mạnh hơn tính thực tế, đưa Luật giáo dục đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của người dân.

Theo SGGP