20/04/2024 lúc 00:47 (GMT+7)
Breaking News

Đổi mới sách giáo dục: Giáo viên phải là người tiên phong

Từ ngàn xưa đến nay, thế hệ của các nhà giáo luôn luôn được ví như “mẹ hiền”, “người đưa đò thầm lặng”… Đó là những từ hoa mỹ để tôn vinh những người mang trên vai sứ mệnh “trồng người”, ươm cho đất nước những mầm xanh tương lai. Cô Lý Khánh Hoa – chính là một người “đưa đò” như thế, cô luôn từng ngày cống hiến hết mình vì sự nghiệp, với cô đó không chỉ là chữ “duyên” mà còn là niềm đam mê “luyện nét chữ, rèn nết người”. Thành công lớn nhất của cô chính là nụ cười, là sự trưởng thành hằng ngày c

VNHN - Từ ngàn xưa đến nay, thế hệ của các nhà giáo luôn luôn được ví như “mẹ hiền”, “người đưa đò thầm lặng”… Đó là những từ hoa mỹ để tôn vinh những người mang trên vai sứ mệnh “trồng người”, ươm cho đất nước những mầm xanh tương lai. Cô Lý Khánh Hoa – chính là một người “đưa đò” như thế, cô luôn từng ngày cống hiến hết mình vì sự nghiệp, với cô đó không chỉ là chữ “duyên” mà còn là niềm đam mê “luyện nét chữ, rèn nết người”. Thành công lớn nhất của cô chính là nụ cười, là sự trưởng thành hằng ngày của các em học sinh.

Cô Lý Khánh Hoa hiện đang phụ trách lớp 1/1 trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TP.HCM). Với những kiến thức đã được học ở trường, kinh nghiệm đúc kết từ thực tế và không ngừng học hỏi bạn bè đồng nghiệp, những thế hệ đi trước, cô nhanh chóng khẳng định năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Năm 2017, cô Hoa được vinh dự nhận giải Võ Trường Toản do Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng, không những vậy cô còn là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền cấp Thành phố, giáo viên giỏi Tiểu học cấp quốc gia, 11 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp quận, gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”… Và nhiều năm liền vinh dự nhận được nhiều bằng khen của các cấp ban ngành và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Cô Lý Khánh Hoa nhận giải thưởng Võ Trường Toản.

Hơn 16 năm gắn bó với nghề là từng ấy thời gian cô Lý Khánh Hoa dành trọn tấm lòng cho công tác giảng dạy. Không chỉ cố gắng, kiên trì và nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao  qua từng bài giảng mà bản thân cô cũng luôn trăn trở với nghề. Làm sao để các em thích thú với việc đến trường, yêu thích các bài giảng, những kiến thức mà các em tiếp cận phải mang tính kết nối, tương tác cao trong xã hội. Không chỉ vậy, cô Hoa còn vinh dự trở thành một trong những giáo viên cốt cán được địa phương cử đi tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục.

Trước bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức của xã hội, hơn bất cứ ngành nghề nào, giáo dục phải là ngành tiên phong cho những đổi mới sáng tạo và ươm mầm cho những hiền tài của quốc gia. Do đó, người làm công tác giảng dạy cũng phải thức thời, thay đổi để phù hợp và bắt kịp xu hướng.

Một trong những điểm mới đáng chú ý ở bậc giáo dục tiểu học là việc đổi mới sách giáo khoa sẽ được áp dụng từ năm 2020- 2021 đối với lớp 1. Do vậy năm học 2019-2020 sẽ là năm cuối cùng trước khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục mới. Chính vì vậy đội ngũ viết sách được xét duyệt kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.

Nhận định về đội ngũ viết sách giáo khoa (SGK), ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Đội ngũ viết SGK là những nhà giáo dục, nhà khoa học có uy tín, năng lực về chuyên môn của họ đã được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay. Nhiều tác giả viết SGK vì tâm huyết để cống hiến những gì mình có cho thế hệ sau, không phải là viết SGK vì lợi nhuận. Chúng tôi rất trân trọng khi thấy nhiều tác giả thể hiện được tâm huyết đó”.

Trước thềm cả nước chuẩn bị giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Cô vinh dự là một trong những tác giả tham gia quá trình viết sách. Với những kinh nghiệm thực tiễn từ công tác giảng dạy, hơn ai hết cô hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của giáo viên và các em học sinh. Cô có cơ hội trình bày những suy nghĩ, ý tưởng của mình trong quá trình biên soạn, cô trở thành cầu nối để đưa sách đến với các giáo viên và các em học sinh.

Các em tự chủ, tự tin trong các hoạt động.

Cô Hoa chia sẻ: “Việc thay sách là áp lực không chỉ riêng cho phụ huynh, học sinh mà cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giáo viên. Song, phải nhìn nhận thực tế rằng những đầu sách biên tập mới đều sát với thực tiễn và gần với các em. Đó là những kiến thức không chỉ mang tính chuyên môn mà sẽ thiêng về thực hành cùng những kỹ năng cần thiết để đồng hành với sự thay đổi ngày càng lớn của nền kinh tế nước nhà và thế giới”. Vì vậy cô Hoa nhận thấy bản thân cô cũng như mỗi giáo viên phải luôn là người tiên phong, đón đầu mọi tiến bộ để chủ động thay đổi từ nhận thức đến hành động.

Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc đổi mới chương trình giáo dục sắp tới, các thầy cô giáo ở các cấp cũng đã và đang nỗ lực tiếp cận với CNTT phục vụ quá trình dạy học.

Một thực tế chứng ming rằng, việc ứng dụng CNTT chính là biện pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng quản lý và giảng dạy trong nhà trường; giúp các em học sinh hứng thú hơn khi đến trường và đây cũng là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0.

Cùng với nhiều phương tiện hỗ trợ dạy học ra đời, mang lại hiệu quả, giúp giáo viên có thể định hướng học sinh tiếp cận nguồn tri thức phong phú, dễ hiểu nhất. Từ việc lên lớp bằng giáo án điện tử, dạy học bằng trình chiếu trên màn hình (PowerPoint), hay Bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử, phần mềm thiết kế bài giảng E-Learning... Các hình ảnh trực quan và sống động giúp các em tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn phương pháp đọc và chép truyền thống.

Thế nhưng, để phát huy tốt nhất tính năng của CNTT vào từng bài giảng đòi hỏi đội ngũ giáo viên có những năng lực, trình độ nhất định cũng như tâm huyết với nghề. Mặc khác, quá trình ứng dụng cũng đòi hỏi sự linh động, sáng tạo… trong từng bài giảng.

Cô Lý Khánh Hoa vui chơi cùng các em.

“Ở thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành giáo dục cũng đã dần thay đổi trong nhiều thế kỷ, từ phạm vi kiến thức tới mô hình và không gian học tập. Theo đó nhiều quan niệm học tập truyền thống đã thay đổi so với quá khứ, mở ra một viễn cảnh giáo dục rộng mở và linh hoạt hơn. Song, dù có thay đổi như thế nào thì giáo viên vẫn là “người mẹ hiền”, “người lái đò thầm lặng”, vẫn đầy tình yêu thương và nhiệt huyết với nghề. Bản thân tôi luôn muốn góp công sức, trí tuệ nhiều hơn nữa vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ công tác thiêng liêng của một người thầy, người cô. Điều này không ở đâu xa mà ở ngay trong tình cảm, trách nhiệm đối với sự nghiệp “trồng người”. Chính sự trưởng thành của các em là niềm vui là mòn quà lớn không gì so sánh được” – cô Hoa khẳng định ./.

                                                                                                            Trân Châu