29/03/2024 lúc 15:36 (GMT+7)
Breaking News

Độc đáo nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

VNHN - Nằm ngay bên bờ sông Đuống, làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành còn gọi tắt là làng Hồ, có tên nôm là làng Mái, vốn nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian từ bao đời nay.

VNHN - Nằm ngay bên bờ sông Đuống, làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành còn gọi tắt là làng Hồ, có tên nôm là làng Mái, vốn nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian từ bao đời nay.

Từ xa xưa, người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu ca:

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh”.

Chưa ai rõ chính xác nghề làm tranh ở đây có tự bao giờ, nhưng theo dáng hình hai con vật dân gian giã gạo được khắc cách điệu ở bia “Đô Hồ tự bi” dựng vào thời vua Lê Hy Tông (1680) ở nền chùa cũ làng Hồ thì nghề làm tranh hẳn đã có từ trước đây. Trước kia, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Vì vậy, tranh Đông Hồ nổi tiếng gần xa, trong Nam ngoài Bắc và đã có thời kỳ dài hưng thịnh. Tranh sản xuất mỗi vụ hàng triệu bản, được buôn bán ngay trong làng, tại nhà ở của người dân và chợ tranh.

Các đề tài của tranh dân gian Đông Hồ gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và mong ước của nhiều đối tượng nên tranh Đông Hồ dễ đi vào lòng người với những ấn tượng sâu sắc.

Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có. Màu sắc sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)… Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy, người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu để làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo.

Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở chất giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.

Quy trình sản xuất tranh cũng có khá nhiều công đoạn phức tạp: vẽ mẫu, khắc ván, in tranh. Tuy tranh Đông Hồ được sản xuất theo phương thức đại trà, mỗi mẫu tranh có khi được in ra cả hàng nghìn, hàng vạn bản. Thế nhưng, tất cả các khâu làm tranh được làm thủ công hoàn toàn và đều cần sự tỉ mỉ, công phu. Vì thế, mỗi bức tranh đều thấm đẫm tình cảm và sự chăm chút của những nghệ nhân làng nghề. Cùng với nhiều sáng tạo mới mẻ, tranh dân gian Đông Hồ lại chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay, tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, "đầu ra" cho tranh gặp nhiều khó khăn nên chỉ còn một vài gia đình duy trì nghề cũ. Theo thống kê, số lượng nghệ nhân làng nghề hiện chỉ còn 03 người, trong đó 02 nghệ nhân đã cao tuổi, có khoảng 20 người thực hành làm tranh…

Với mong muốn gìn giữ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng của TƯ xem xét, thẩm định, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.