29/03/2024 lúc 18:02 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nhân Kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài

Chiều 13-10, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài". 

VNHN- Chiều 13-10, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài". 

Tọa đàm được tổ chức nhằm triển khai Quyết định số 1797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024” và nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2021).

Quang cảnh buổi tọa đàm (Ảnh TTXVN)

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về những giải pháp nhằm tăng cường, huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu hàng Việt Nam và trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam ở nước sở tại trong tình hình hiện nay như: “Mạng lưới các Trung tâm thương mại của doanh nhân người Việt tại Đông Âu,” “Kinh nghiệm tổ chức các triển lãm hàng hóa Việt Nam ở các nước,” “Phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan,” “Kế hoạch thành lập Ngôi nhà Thương mại Việt Nam tại Bỉ trong năm 2021.”

Đến nay, hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở một số quốc gia châu Âu đã phát triển tương đối vững chắc, là cơ sở để đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam ở các nước sở tại. Tuy nhiên, hệ thống này chưa được phát huy toàn diện, hiệu quả do hạn chế về nguồn lực của doanh nghiệp trong nước cũng như chất lượng sản phẩm.

Trên cơ sở đó, các đại biểu và đại diện các cơ quan trong nước đã cùng thảo luận về định hướng hoạt động trong thời gian tới nhằm triển khai nhiệm vụ quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong việc tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khai thác tối đa lợi thế của các hình thức triển lãm, kết nối trực tuyến và các sàn thương mại điện tử để kết nối cung cầu.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương kêu gọi người dân Việt Nam ở trong nước và các doanh nhân kiều bào ở các nước tiếp tục quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng như các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tới bạn bè quốc tế. Với vai trò trong công tác xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến Thương mại sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, chính sách mới về thị trường nhập khẩu, hỗ trợ kết nối các thương hiệu Việt Nam với đơn vị nhập khẩu sở tại và cung cấp thông tin, nhận định, đánh giá về nhu cầu thị trường nhằm thúc đẩy quá trình xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Từ đó, các kênh phân phối hàng hóa sẽ tạo điều kiện để các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào, doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối, đồng hành, phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tập trung chia sẻ về tình hình, thực trạng hoạt động của các cơ sở tiêu thụ, phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; những giải pháp và kinh nghiệm thực tế trong công tác quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài; nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, hải sản, giày, dép và hàng may mặc trong nước.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến

Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu cho biết, người Việt Nam tại châu Âu hiện sở hữu chuỗi cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm mạnh mẽ thông qua các trung tâm thương mại được xây dựng ở nhiều quốc gia như Trung tâm Văn hóa Thương mại và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva (Nga), Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đức), Chợ Praha (Séc)... Tuy nhiên, việc tận dụng các trung tâm thương mại của người Việt tại châu Âu để tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa từ trong nước vẫn chưa xứng với tiềm năng. Ông hy vọng vấn đề này sẽ được cải thiện trong thời gian tới, với việc đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước. 

Bà Nguyễn Thị Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu cho biết, Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu được thành lập trước thềm Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. Với mạng luới hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia kết nối kinh doanh, thời gian tới, chi hội sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhằm chuẩn hóa các mặt hàng vào thị trường Tây Âu, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến xuất khẩu, tạo cầu nối để doanh nghiệp trong nước tiếp cận nhiều hơn với các đối tác EU.

Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đề xuất, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp kiều bào nên thành lập các cơ sở giúp doanh nghiệp trong nước giám định sản phẩm, tư vấn hoàn thiện chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là 2 vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thường mắc phải, nhất là với thị trường có yêu cầu cao như EU. Ngoài ra, 2 năm qua, do đại dịch Covid-19, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng bị kéo dài thời gian, thậm chí bị hủy bỏ. Để tránh tình trạng này tiếp tục xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp kiều bào cần phối hợp với trong nước thành lập cơ sở đóng gói tại điểm cuối, mở rộng các trung tâm cung ứng sản phẩm nhằm giảm giá thành sản phẩm cũng như thời gian phân phối hàng hóa. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng nên lập danh sách các công ty xuất khẩu hằng năm để doanh nghiệp kiều bào có thể tham khảo và kết nối hợp tác.

Cũng tại buổi tọa đàm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Doanh nhân tư nhân đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

Phát biểu kết luận tọa đàm và ghi nhận những ý kiến đóng góp, sáng kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm,Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, đây là những chia sẻ quý báu, thể hiện tinh thần yêu nước, sẵn sàng kề vai sát cánh cùng Chính phủ đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đặc biệt là trong công tác đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp người Việt Nam ở trong và ngoài nước đang gặp phải do dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng, Việt Nam sẽ sớm vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, tiếp tục đưa được ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng của Việt Nam vào thị trường quốc tế, biến hàng hóa Việt Nam thành lựa chọn tin cậy và được biết đến rộng rãi hơn.

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, thay mặt Bộ Ngoại giao, Ban tổ chức tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã gửi lời chúc các đại biểu sức khỏe, thành đạt, luôn giữ vững nhiệt huyết để đóng góp phát triển kinh tế, xây dựng một cộng đồng doanh nhân vững mạnh và đoàn kết.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhằm tăng cường kết nối, phối hợp trong công tác phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới./.