19/04/2024 lúc 06:29 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nhân CCB Nguyễn Văn Quỳnh: Thành công đến từ nghị lực, trách nhiệm và đam mê

VNHN - Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 là một ngày lễ lớn của dân tộc, là dịp để tri ân tưởng nhớ những người anh hùng, thương binh, liệt sỹ đã hi sinh vì nền độc lập của dân tộc. Và trong những ngày đặc biệt này chúng tôi xin được viết tri ân tới doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Văn Quỳnh, người lính lặng thầm cống hiến cho đất nước.

VNHN - Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 là một ngày lễ lớn của dân tộc, là dịp để tri ân tưởng nhớ những người anh hùng, thương binh, liệt sỹ đã hi sinh vì nền độc lập của dân tộc. Và trong những ngày đặc biệt này chúng tôi xin được viết tri ân tới doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Văn Quỳnh, người lính lặng thầm cống hiến cho đất nước.

“Tôi lớn lên, khi đất nước không còn chia Bắc Nam, chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ còn lại những câu chuyện của cha…”

Đó là câu hát mà tôi vẫn thường nghe, song có lẽ nó là đại diện cho cả một thế hệ trẻ. Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa binh, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được, những hình ảnh đó, những chiến công đó luôn ghi dấu mãi mãi trong tâm trí những thế hệ người dân Việt Nam. Ngày 27/7 lại đang đến gần, tôi có dịp được ngồi nghe doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Văn Quỳnh kể về những năm tháng chiến tranh và cuộc đời của ông.

Doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27/7.

Ông Quỳnh hồi tưởng lại: Ngày lên đường tòng quân nhập ngũ, là một chàng thanh niên  mới tròn 17 tuổi. Anh lên đường vừa nối tiếp truyền thống gia đình, vừa cống hiến cho thỏa chí đời trai. Tạm biệt quê hương (Gia Lộc, Hải Dương), tạm biệt người thân trong niềm xúc động với ý chí trên đầu và máu nóng trong tim, anh cùng đồng đôi lao vào chiến trường mưa bom bão đạn. Hơn một lần, người chiến sĩ trẻ đã đổ máu nơi chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

7 năm trong quân ngũ, Nguyễn Văn Quỳnh trở về hậu phương khi anh để lại một phần chân trái từ dưới đầu gối xuống hết bàn chân nơi đại ngàn Trường Sơn. Cha mẹ và quê hương đón anh về với một bên chân gỗ, thương tật 61% (hạng 2/4) trong mừng mừng, tủi tủi. Đất nước tri ân các anh, và Nguyễn Văn Quỳnh được phục dưỡng ở Hội Thương binh tỉnh Hải Dương.

Người cựu chiến binh giàu ý chí và nghị lực

Bằng nghị lực và ý chí của người lính, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, nhiều đêm thao thức và trăn trở không muốn bản thân mình là gánh nặng cho xã hội, anh quyết định tự mình làm kinh tế. “Mình còn đôi tay, còn cái đầu và chân vẫn đi lại được, hà cớ gì lại ngồi hưởng những đồng lương thương binh trong cái túi ngân sách vốn eo hẹp của một đất nước đang xác xơ vì vừa thoát khỏi chiến tranh nghèo đói?”

Nghĩ là làm, lại một lần nữa chàng thanh niên năm ấy khăn gói tạm biệt người thân, tạm biêt quê hương lên Hà Nội lập nghiệp với hai bàn tay trắng nhưng đầy ý chí, nghị lực và hoài bão.

Những ngày đầu nơi đô thị không nơi ăn chốn ở, không người thân thích họ hàng, một mình lang thang ở chợ Đồng Xuân - Bắc xin việc làm. Đấy là những ngày tháng đầy gian nan vất vả nhưng những khó khăn ấy đã không thể khất phục được ý chí của một người lính đã từng trải qua sinh tử.

Bước đầu xin việc đối với anh rất khó khăn vì trên mình mang đôi chân giả, nhiều người e ngại không chịu thuê anh. “Thực sự, khi chọn Hà Nội để bắt đầu sự nghiệp, tôi đã xác định mình đi làm không phải kiếm tiền để sống qua ngày, mà đi làm để có cơ hội học hỏi cách kinh doanh, cách quản lý cũng như cách giao tiếp xã hội, đối nhân xử thế.

Vì thế, sau những ngày đầu quan sát, tôi quyết định xin việc tại một công ty gia đình gần đây. Vì là công ty, nên họ không thuê lao động vãng lai. Thế là ngày ngày tôi đều đến đó “chầu chực” theo đúng nghĩa. Thấy việc gì thì lăn vào giúp, khi họ nghỉ ăn cơm thì mình cứ ngồi chờ.

Thú thực lúc đó, dù có trợ cấp thương binh, nhưng mỗi ngày tôi chỉ dám ăn 1-2 bữa cơm đạm bạc, thuê nhà trọ rẻ nhất. Đất khách quê người, số tiền ít ỏi tôi còn phải để dành, phòng khi trái gió trở trời đau ốm. Sau này ròng rã bao nhiêu ngày tháng, được ăn một bữa cơm no mà ứa nước mắt”, anh Quỳnh rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Chính nhờ sự kiên nhẫn, chịu khó mà cuối cùng Nguyễn Văn Quỳnh đã được ông bà chủ nhận vào làm. Với mục đích tìm cơ hội học hỏi công việc kinh doanh, quản lý, nên bắt đầu từ khi làm việc đầu tiên là bốc vác, anh đã thể hiện sự chịu thương, chịu khó, sáng tạo khi nghĩ ra những cách làm việc hiệu quả hơn so với sức khỏe của mình. Dần dần, anh gây được sự chú ý của ông chủ, được ưu ái làm những công việc nhẹ hơn, được tiếp xúc với khách hàng, đối tác, sổ sách và tham gia công tác quản lý.

Quan sát, học hỏi, ghi nhớ và đúc rút kinh nghiệm, sau một thời gian, Nguyễn Văn Quỳnh đã học lỏm và đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân mình. Đạt được mục đích rồi, anh xin nghỉ việc xin một công ty khác để học hỏi thêm. Cứ thế, suất 15 năm trời, anh đã kinh qua hàng chục công ty, và trải qua ngoài Bắc cho đến  trong Nam, bất kỳ nơi nào với mục đích học hỏi.

Nghĩa tình đồng đội

Khi hành trang và kiến thức đã đủ, Nguyễn Văn Quỳnh quyết định tự mình đứng ra kinh doanh. Với những kiến thức học từ thực tế, cộng thêm những mối quan hệ có được trong quá trình học việc. Năm 2010, anh cùng những người bạn thương binh từng vào sinh ra tử, nay trở về với vất vả đời thường để làm ăn kinh tế, anh bàn với anh em thành lập Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27/7, nơi anh đang làm giám đốc. Bắt đầu từ khu đất bỏ hoang, mọi người đã đồng lòng góp công sức, huy động nguồn lực tài chính để san lấp mặt bằng, cải tạo khu đất.

Doanh nhân Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quỳnh (thứ sáu từ phải sang) trong lễ bàn giao mặt bằng 6,3ha quận Hoàng Mai cho Tập đoàn AEON MALL Nhật Bản.

Với bàn tay sức lực của những người lính Cụ Hồ trong thời bình không ngại khó khăn, vất vả, đến ngày hôm nay, thành quả là một khu vực khang trang, rộng lớn, phát triển. Hiện tại công ty đã hợp tác cùng 40 doanh nghiệp tại khu đất này.

Từ số vốn ban đầu là 1,7 tỷ đồng với hơn chục anh em thương binh, sau 6 năm, vốn của công ty đã lên tới 50 tỷ với 120 lao động, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo đời sống cho các cán bộ, thương binh trong công ty. Đáng chú ý, dù được Đảng và Nhà nước hỗ trợ miễn thuế cho doanh nghiệp, nhưng công ty vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế.

Đây là một hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm vô cùng đáng biểu dương của một doanh nghiệp 100% lao động đều là thương binh, trong đó có tới 30 đồng chí là thương binh hạng ¼ và thương binh đặc biệt nặng.

Công ty không những tạo điều kiện cho anh em thương binh có việc làm, thu nhập ổn định với mức trung bình khoảng 4-5 triệu/người, mà hằng năm, từ nguồn quỹ phúc lợi, công ty trích 200 triệu đồng làm từ thiện, thăm hỏi tặng quà những đồng chí thương bệnh binh nặng hoặc thân nhân gia đình liệt sỹ khó khăn trong cuộc sống.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là kết quả của một quá trình dài doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Văn Quỳnh không ngừng cố gắng và học hỏi tích lỹ kinh nghiệm. Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống mới thấy hết những gì anh làm đáng trân quý và ý nghĩa biết nhường nhường nào.

Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Văn Quỳnh chia sẻ thêm với chúng tôi rằng, đường đến thành công không bao giờ có sẵn, chỉ khi chúng ta khai mở nó bằng trí tuệ, bằng bản lĩnh cùng tư duy sáng tạo, đột phá và hơn hết là khi chúng ta dám đương đầu với thử thách để xuyên qua khó khăn thì khi ấy trái ngọt của sự thành công chính là phần thưởng xứng đáng cho những ai dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cuộc trò chuyện của anh với chúng tôi rất vui vẻ và thân tình, anh cho chúng tôi cảm nhận rằng anh luôn là người mang đến cho những người xung quanh niềm cảm hứng trong công việc, sự sáng tạo đột phá và anh cũng là một trong những tấm gương truyền cảm hứng cho những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và có nhiều đóng góp cho xã hội.