19/04/2024 lúc 08:54 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

VNHN - Kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để vượt qua những khó khăn, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, nắm bắt được những

VNHN - Kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để  vượt qua những khó khăn, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, nắm bắt được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế.

 

Cơ hội để doanh nghiệp hội nhập thành công

Việt Nam là nước có nền kinh tế mới nổi, doanh nghiệp (DN) là bộ phận quan trọng nhất, đóng góp quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Thời gian qua, nước ta đã ký kết và thực thi các hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó tiêu biểu là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (năm 2007), tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng khác có thể kể tới như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Việc tham gia vào các hiệp định FTA mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các DN Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết trong đó môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để DN tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Thêm vào đó, môi trường kinh doanh cho DN tư nhân liên tục được cải thiện với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN phát triển như các nghị quyết của Chính phủ (từ các năm 2014, 2015, 2016) và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Mới đây, tại Lễ phát động Phong trào thi đua “DN Việt Nam hội nhập và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển, cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. DN là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.

Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi DN phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ đối với phát triển DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là: Nuôi dưỡng, hỗ trợ DN Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác liên kết khu vực DN trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thúc đẩy các DN tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Sản xuất kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2016, cả nước có 8.047 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 76,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một DN đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 23,8%; tổng số lao động đăng ký trong tháng 9 của các DN thành lập mới là 71,5 nghìn người, giảm 36,7%. Tính chung  9 tháng đầu năm 2016, cả nước có 81.451 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số DN và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho DN phát triển, liền theo đó là không ít khó khăn, thách thức đặt ra:

Một là, việc nắm bắt thông tin về các FTA là vô cùng quan trọng vì nó có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ hoặc ít quan tâm về những lợi thế mà các FTA mang lại.

Kết quả khảo sát của VCCI vào đầu năm 2015 cho thấy, tỷ lệ DN Việt Nam hiểu và sẵn sàng tham gia vào các “sân chơi” như Hiệp định TPP, AEC chỉ khoảng 20 - 30%. Hầu hết các DN gần như “mù tịt” về lộ trình của Việt Nam trong AEC. Có tới 60 - 70% DN được khảo sát cho rằng, các hiệp định này không mấy ảnh hưởng đến họ.

Hai là, DN Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng (tăng về số DN, lao động, vốn), nhưng chưa cải thiện nhiều về chất lượng và chiều sâu.

Ba là, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đang tràn ngập các mặt hàng nhập khẩu có chất lượng, thương hiệu và giá cả cạnh tranh hơn từ các nước đối tác FTA. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Hàng hóa Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu hấp dẫn khách hàng và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Bốn là, môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa đủ minh bạch, thông thoáng và còn thiếu một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả. Trong khi đó, việc cải cách khung thể chế kinh tế sẽ đòi hỏi bản thân các DN phải tái cấu trúc cách tổ chức hoạt động, cách sử dụng các nguồn lực, cũng như hệ thống công nghệ… có như vậy, DN mới có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh thay đổi.

Năm là, nguồn lực của DN Việt Nam (nguồn vốn, chất lượng lao động, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, marketing, môi trường kinh doanh…) còn nhiều hạn chế, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN Việt Nam nhìn chung còn ở mức thấp.

Một số giải pháp, kiến nghị

Để tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bài viết đưa ra một số giải pháp, kiến nghị sau:  

Thứ nhất, DN cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của WTO, các cam kết trong các Hiệp định FTA, từ đó tận dụng cơ hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phát triển.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung chính sách, hành lang pháp lý tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN phát triển.  

Thứ ba, nâng cao nhận thức cho DN thông qua công tác đào tạo, phổ biến, tuyên truyền về các khía cạnh, lĩnh vực cam kết của các Hiệp định TPP và các FTA, tổ chức biên soạn các cẩm nang hướng dẫn DN về các cam kết trong những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá đầy đủ, hiệu quả về việc hỗ trợ và phát triển DN đối với các cơ quan Chính phủ, các địa phương có chỉ số yếu kém, chậm phát triển. Trên cơ sở đó, cải thiện chất lượng phát triển DN theo cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng được xu hướng hội nhập quốc tế.

Thứ năm, khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho DN./.