25/04/2024 lúc 16:28 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nghiệp ứng phó kinh doanh trong mùa dịch bệnh

VNHN - Hiệu ứng tích cực của hoạt động mua sắm trực tuyến cũng góp làm giảm đà suy giảm doanh thu ngành thương mại dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch bệnh.

VNHN - Hiệu ứng tích cực của hoạt động mua sắm trực tuyến cũng góp làm giảm đà suy giảm doanh thu ngành thương mại dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch bệnh.

Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đang cùng cả nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra chỉ đạo tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy các quyết định này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở, DN, song vì mục tiêu an toàn, phòng chống đẩy lùi dịch bệnh là quan trọng nhất nên người dân, DN hưởng ứng và chấp hành nghiêm chỉnh.

Đến nay, ngành Công Thương chú trọng tập trung thực hiện giải pháp phù hợp trong điều kiện thói quen tiêu dùng thay đổi, sức mua, giá cả một số mặt hàng đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Ghi nhận thực tế tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, đến nay nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn tiếp tục triển khai đa dạng hoạt động khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng; Thực hiện chuyển đổi hình thức mua sắm trực tiếp truyền thống sang mua sắm trực tuyến.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) - cho biết, việc phát triển hình thức kinh doanh trực tuyến trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết, khi người tiêu dùng có xu hướng không đến nơi đông người để tránh dịch bệnh. Đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng lựa chọn kênh mua sắm hiện đại thay vì kênh truyền thống, do được hỗ trợ nhiều tiện ích (giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cộng thêm...).

Quý 1/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh đạt 316.909 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Ảnh :congthuong.vn

Ngoài ra, ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến nên hệ thống siêu thị hoạt động theo phương thức đa kênh (Omni channel) sẽ được hưởng lợi, tăng sức mua so với cùng kỳ. Không chỉ trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị đẩy mạnh phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mà tại các chuỗi cửa hàng và nhiều điểm bán buôn bắt đầu chuyển sang bán hàng online, giao hàng tận nơi... nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch Covid-19.

Tuy là hình thức kinh doanh không mới mẻ mà đã có từ nhiều năm trước nhưng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ trong thời gian này tăng đột biến khiến các siêu thị, cửa hàng phải nhanh chóng thay đổi cơ cấu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cũng là cách để đảm bảo doanh thu không bị suy giảm. Thực tế cho thấy, doanh thu đến từ giao hàng online của các siêu thị tăng từ 25- 30%. Đại diện Saigon Co.op cho biết, kênh mua sắm qua điện thoại, qua website đã tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200 ngàn đồng trở lên.

Gần đây, tại “Phiên chợ xanh tử tế” lần đầu tiên Ban tổ chức triển khai dịch vụ online "Đi chợ giùm bạn" là hoạt động ứng phó kịp thời trước tình hình dịch, giúp khách hàng có thể ngồi nhà đặt mua những sản phẩm chất lượng, quen thuộc từ phiên chợ mà không phải ra đường. Kết thúc quý 1/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh đạt 316.909 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 19.212 tỷ đồng, chiếm 6,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, giảm 0,6%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 244.785 tỷ đồng, chiếm 77,2%, giảm 1,1%; khu vực kinh tế có vốn nước ngoài với tổng giá trị đạt 52.912 tỷ đồng, chiếm 16,7%, giảm 4,6%. Trong đó, đáng chú ý, có đến 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố có mức tăng trưởng âm, gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%, vận tải kho bãi giảm 0,37%, kinh doanh bất động sản giảm 12,85%, giáo dục - đào tạo giảm 26,57%, y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92.

Doanh thu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống chỉ đạt 2.943 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước có mức giảm tương ứng 59%, 68,4%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 554 tỉ đồng, giảm 77,4% cùng kỳ năm ngoái. Tuy có mức suy giảm rất cao song các DN ngành lưu trú đã triển khai các nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền cho khách lưu trú về việc chủ động phòng chống dịch bệnh. Một số khách sạn trên địa bàn đã tạm ngưng nhận khách lưu trú từ ngày 16/3 đến ngày 5/4 nhằm hưởng ứng chương trình phòng chống dịch Covid 19 từ Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng.