19/04/2024 lúc 22:46 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nghiệp đưa ra giải pháp để bắt nhịp lại sau dịch

VNHN - Sau khi cơ bản dừng cách ly xã hội, nền kinh tế bước vào giai đoạn tái khởi động trở lại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình, nhu cầu thay đổi, doanh nghiệp (DN) cần bình tĩnh xem xét để xây dựng phương án "tái sinh".

VNHN - Sau khi cơ bản dừng cách ly xã hội, nền kinh tế bước vào giai đoạn tái khởi động trở lại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình, nhu cầu thay đổi, doanh nghiệp (DN) cần bình tĩnh xem xét để xây dựng phương án "tái sinh".

Dịch Covid- 19 khiến các DN buộc phải thay đổi để thích nghi. Kết quả khảo sát từ 7- 13/4 so với thời điểm khảo sát đầu tháng 3/2020 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho hay, 52% số DN trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, dạy học và tư vấn online, đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng (con số khảo sát trước đó là 3%). Cũng tương tự, đối với việc tìm khách hàng và thị trường mới thì trong khảo sát đầu tháng 3/2020 chỉ có 7% DN trả lời đã chủ động tiến hành, nhưng đến khảo sát lần này tỷ lệ đã tăng lên 16%.

Một số DN cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh, giảm giá thành nâng cao chất lượng sản phẩm… Tỷ lệ DN trả lời không có giải pháp là 10%, con số này trong khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%. Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trên lý thuyết Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, chủ yếu là gia công và chế biến, đội ngũ lao động luôn sẵn sàng, máy móc nhà xưởng vẫn ở đó, chỉ cần các hoạt động thông thường trở lại thì sự phục hồi là rất nhanh.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phục hồi lại sản xuất trong thời gian ngắn. Ảnh: Internet

Nhưng trên thực tế, khả năng phục hồi được tới đâu còn phụ thuộc vào các DN của quốc gia đối tác. Do đó, tái khởi động lại nền kinh tế, những phương thức kinh doanh, làm việc hiện hữu cũng buộc DN phải thay đổi để hiệu quả hơn. Các chuyên gia cho rằng, các DN Việt Nam vẫn tương đối hạn chế về mặt “chiến lược”, mọi ứng phó vẫn mang tính vụ việc, thời điểm, nên thời gian tới rất cần các hỗ trợ kỹ thuật, giúp nâng cao năng lực cho DN Việt.

Đặc biệt, để phục hồi và tái sinh lại DN, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban IV - cho biết: Các DN tư nhân muốn nhà nước có chính sách khuyến khích và phát triển công cụ online như bán hàng online, ví điện tử, cho phép công ty viễn thông và người dùng lấy số điện thoại làm tài khoản ngân hàng để giảm chi phí giao dịch ngân hàng. Chính phủ cần yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước bỏ giấy tờ không cần thiết khiến DN và người dân phải đi lại tốn thời gian, chi phí như công chứng và chứng thực văn bản.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch để tận dụng tối đa các cơ hội. Một số giải pháp điển hình nhằm duy trì hoạt động của DN trong bối cảnh dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp. Tập đoàn Sendo không thu phí bán hàng trên trang Sendo đối với nông sản, thực phẩm để đẩy mạnh thương mại điện tử và chung tay với DN trong giai đoạn khó khăn. Nhiều DN dệt may Việt Nam chủ động sản xuất khẩu trang vải với đa chủng loại giúp các DN duy trì sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động trong dịch Covid- 19. 

Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của DN như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số DN trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các DN cũng thấp, chỉ có 2% DN trả lời đã thực hiện giải pháp này. Ngày 23/4, nhiều DN, cửa hàng, cửa hiệu và ngành nghề kinh doanh (chỉ trừ một số hoạt động) trên khắp cả nước đã mở cửa trở lại sau lệnh cách ly gần 1 tháng.

Vấn đề quan tâm nhất lúc này là DN sẽ mất bao lâu để lấy lại "sức khỏe" như trước khi dịch Covid- 19 xảy ra. Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội, từ đầu tháng 3 đến nay, gần 80% DNNVV tại TP. Hà Nội ngừng sản xuất, kinh doanh, chỉ còn tồn tại những DN phục vụ hàng hóa thực phẩm thiết yếu. Do đó, DNNVV cần ít nhất 24 tháng mới có thể hồi phục. Theo kết quả khảo sát 394 DN du lịch của Hội đồng Tư vấn Du lịch (Tổng cục Du lịch), 82,7% DN tham gia khảo sát nhận định hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào đầu quý III/2020, thậm chí 41,1% DN dự đoán tiêu cực hơn là phải đến năm sau thì mới có thể hồi phục trở lại.