19/04/2024 lúc 11:18 (GMT+7)
Breaking News

Ðô thị thông minh và chất lượng sống

VNHN-Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

VNHN-Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị.

TP.Hồ Chí Minh đang hướng đến là đô thị thông minh

Công nghệ - mẫu số chung

Theo báo cáo cập nhật nhất của Liên hợp quốc, 54,6% dân số thế giới (3,6 tỷ người) sống ở các thành phố. Nghiên cứu cho thấy đến năm 2050, tỷ lệ dân cư thành thị sẽ chiếm hơn 70% dân số thế giới (64,1% ở các nước đang phát triển và 85,9% ở các nước phát triển sẽ sống ở các khu vực thành thị). Xây dựng “đô thị thông minh” (smart city, mà có chuyên gia cho rằng cách gọi sát nghĩa hơn là “đô thị khôn ngoan”), trở thành một xu thế tất yếu nhờ vào khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến để phục vụ cư dân đô thị.

Từng là Kiến trúc sư trưởng của TP Hà Nội và là một chuyên gia kỳ cựu về quy hoạch đô thị, TS Ðào Ngọc Nghiêm nhận định: “Ðô thị thông minh là đô thị có không gian bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại để mang lại cho người dân không gian đô thị bền vững, môi trường sống an toàn, tiết kiệm”. Với ông Ðoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Công ty Regal Motor Cars, đô thị thông minh phải là nơi đáng sống, là thành phố nhân văn và nâng cao giá trị con người. Dưới góc độ doanh nghiệp, nếu việc ứng dụng công nghệ có thể giúp chúng tôi tương tác với chính quyền một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn thì đó là điều rất tuyệt vời, ông Minh nói.

Tuy nhiên, mỗi đô thị là một thực thể sống khác nhau, vậy nên, có thể xây dựng một đô thị “thông minh” với rất nhiều cấp độ và cách thức khác nhau. Có đô thị, như thành phố Can-sát (Kansas) ở bang Mi-su-ri (Missouri) của Mỹ chú trọng phát triển khu tập trung cho các công ty công nghệ khởi nghiệp dọc theo một tuyến xe điện 2,2 dặm xây mới, nên đã ưu tiên lắp đặt nhiều loại cảm biến giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đèn đường LED. Và đó là một “con đường thông minh” được nhiều người công nhận.

Ở mức độ toàn diện hơn, Xin-ga-po (Singapore) vừa vượt qua Ðu-bai (Dubai) và Luân Ðôn để trở thành thành phố (thực chất cũng là quốc gia) thông minh nhất thế giới, theo Báo cáo đánh giá cạnh tranh thành phố thông minh của ABI Research, công bố hồi tháng 5 vừa qua. Singapore đạt điểm số cao nhất về tiêu chí sáng tạo; các hệ thống giao thông tự động và năng lực giải quyết các vấn đề đô thị liên quan đến mật độ dân cư đông đúc (tắc nghẽn giao thông, chất lượng không khí, dịch vụ y tế, giáo dục)... Dubai, xếp thứ hai trong bảng xếp hạng này cũng vượt trội về tiêu chí sáng tạo và đặc biệt hướng tới mục tiêu xử lý tất cả các giao dịch Chính phủ bằng công nghệ blockchain vào năm 2030…

Vậy thì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ và các đô thị khác của Việt Nam sẽ “thông minh” như thế nào, giống và khác nhau ra sao? Chẳng hạn, tuy có nhiều điểm tương đồng với Singapore, nhưng trong khi “quốc đảo Sư tử” dành ưu tiên cho việc giải quyết ô nhiễm không khí (do cháy rừng, hoạt động núi lửa ở Indonesia) và sự già hóa dân số, thì TP Hồ Chí Minh lại cần ưu tiên giải quyết vấn nạn tắc nghẽn giao thông, ngập lụt do triều cường… Có xác định được mô hình, mức độ phát triển, tính lan tỏa cho từng đô thị thông minh thì mới có thể xây dựng được thành công.

Nhận diện thách thức

Theo các chuyên gia, thuận lợi để triển khai đô thị thông minh là Việt Nam có hạ tầng viễn thông tương đối tốt, tỷ lệ người dùng Internet tăng nhanh, trong đó lượng thuê bao Internet băng rộng phát triển mạnh. Xu hướng tăng cường hội nhập quốc tế, phát triển chính quyền điện tử cũng là những cơ sở quan trọng trong quá trình chuyển giao công nghệ và xây dựng các đô thị thông minh.

Ở chiều ngược lại, có bốn khó khăn lớn khi triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam: kinh phí quá lớn; khả năng kết nối thông tin giữa các đơn vị; khung chính sách, cơ chế khuyến khích và nguồn nhân lực đều còn hạn chế.

Trong khi chờ đợi những bức tranh chi tiết được vẽ nên đầy đủ trong sự kết nối và lan tỏa, hãy bàn đến một thành phần trong yếu tố then chốt thứ tư: con người. Không phải các chuyên gia thiết kế và vận hành đô thị thông minh, mà là người sử dụng. “Nếu không có người cung cấp thông tin, mô hình đô thị thông minh sẽ trở thành vô dụng. Không thành phố nào trên thế giới có thể lắp đặt camera ở tất cả mọi ngõ ngách và điện tử hóa mọi công trình hạ tầng. Ðể “tai mắt” của chính quyền có thể bao trùm cả thành phố, chính quyền phải dựa vào người dân”, nhà quy hoạch Nguyễn Ðỗ Dũng bình luận.

Quả thực, dù công nghệ có hiện đại đến mấy, thiết bị có thông minh đến đâu, được điều hành bởi các chuyên gia giỏi đến chừng nào đi nữa, nhưng nếu người dân thiếu ý thức pháp luật, ý thức văn hóa, ý thức xây dựng, hay nói cách khác là chưa văn minh tương xứng, thì những tiện ích mà công nghệ đem lại có thể lợi bất cập hại. Bên cạnh đó, một thành phố thông minh không chỉ là thành phố công nghệ hóa toàn bộ tiện ích mà còn là thành phố có sự nhân văn, tôn trọng các giá trị nhân phẩm. Ngay chính Singapore mới đây cũng đã phải tạm dừng tất cả các dự án đô thị thông minh sau vụ tin tặc đánh cắp dữ liệu của 1,5 triệu người sử dụng. Ðây là vụ đánh cắp dữ liệu nghiêm trọng nhất từ trước tới nay tại một nước có trình độ phát triển công nghệ thông tin nói riêng và trình độ phát triển nói chung đều hơn xa Việt Nam.

Vì thế, nhận diện, phân tích những khó khăn đặt ra cho kế hoạch “thông minh hóa” đô thị, rút kinh nghiệm từ người đi trước cũng là việc làm hết sức cần thiết để quá trình triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam suôn sẻ hơn, đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Theo Ðề án phát triển đô thị thông minh bền vững, năm 2025 sẽ thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh và năm 2030 sẽ hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, lấy các thành phố chủ chốt làm hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh…