25/04/2024 lúc 07:05 (GMT+7)
Breaking News

Định nghĩa doanh nghiệp xã hội

VNHN-Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng về định nghĩa thế nào là một doanh nghiệp xã hội (DNXH). Nhiều người còn lầm lẫn rằng một DNXH là một doanh nghiệp đi làm từ thiện. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng một DNXH phải mang lại sự phát triển bền vững.

VNHN-Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng về định nghĩa thế nào là một doanh nghiệp xã hội (DNXH). Nhiều người còn lầm lẫn rằng một DNXH là một doanh nghiệp đi làm từ thiện. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng một DNXH phải mang lại sự phát triển bền vững.

Đây là trọng tâm của hội thảo kỷ niệm 10 hoạt động của Hult Prize tại Đại học Bách Khoa TPHCM mới đây.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển TPHCM, cho rằng khái niệm doanh nghiệp xã hội đang vẫn còn chưa được hiểu đúng từ nhiều phía. Trước tiên Luật Doanh nghiệp chỉ đề cập tiêu chí DNXH rất chung chung như sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Ảnh minh họa - Internet

DNXH cũng phải tuân thủ các phương thức làm ăn cơ bản, đó là bảo đảm lợi nhuận. Vì vậy, họ không mang tiền cho đi mà mang lại lợi ích lâu dài và bền vững hơn.

Nhiều doanh nghiệp nói chuyện với bà Ninh cho rằng doanh nghiệp của mình là DNXH, đang hoạt động vì lợi ích của xã hội nhưng do các quy định chưa rõ ràng làm họ không thể đăng ký kinh doanh như một DNXH.

Theo bà Ninh, doanh nghiệp Icare Benefit, một doanh nghiệp tư vấn tài chính cá nhân và cho vay không lãi, đã từng nói chuyện với bà rằng họ không thể đáp ứng được các tiêu chí chưa rõ ràng để đăng ký DNXH nên họ cũng không màng tới danh xưng này. Nhưng với cá nhân bà Ninh, doanh nghiệp này đang làm việc có ích cho xã hội, vươn tới lượng khách hàng không đủ tiền chi trả cho các tư vấn và đang giúp cho họ tránh phải vay mượn tín dụng đen.

Ông Ahmad Askar, nhà sáng lập Hult Prize cũng cho rằng mọi người thường hiểu sai khái niệm DNXH thì phải là một nơi làm từ thiện. Nhưng đây là một khái niệm sai lầm. Doanh nghiệp này cũng phải tuân thủ các phương thức làm ăn cơ bản, đó là bảo đảm lợi nhuận. Vì vậy, họ không mang tiền cho đi mà mang lại lợi ích lâu dài và bền vững hơn.

Để đáp ứng tiêu chí của một DNXH, họ phải mang các giải pháp mang ảnh hưởng tích cực đến môi trường, xã hội và cộng đồng. Và trong bối cảnh môi trường hiện đại, DNXH sẽ là những công ty giải quyết được nạn nghèo đói, mang lại sự ổn định cho môi trường và kết quả là sẽ mang lại sự thịnh vượng chung cho thế giới.

Theo ông Ahmad, trên thế giới giới đầu tư đang đổ hàng tỉ đô la vào các DNHX vì khách hàng hiện đại, đó là các giới trẻ đang chiếm số lượng lớn thị phần của các doanh nghiệp này. 8/10 khách hàng trẻ chọn dùng sản phẩm của các DNXH và 60% số này sẵn sàng trả tiền cao hơn cho các sản phẩm mang lại sự phát triển bền vững cho xã hội.

Bà Ninh thì cho rằng khi các doanh nghiệp trong nước định hướng mình thành DNXH, theo đuổi sự phát triển bền vững thì sẽ là một cách tránh bẫy thu nhập trung bình và chỉ dậm chân tại chỗ khi đang trên đà phát triển. Mặc dù vậy, theo đuổi phong trào một cách hình thức thì sẽ không mang lợi ích nào cả.

Do đó, theo bà các bên liên quan từ nhà nước đến các doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp nên cùng làm việc với nhau đưa ra định hướng. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng phải nhớ rằng nhà nước không đủ sức làm tất cả mọi việc cho họ.

Tại hội thảo, các sinh viên chưa thực sự tin vào khả năng ảnh hưởng to lớn đến xã hội của các doanh nghiệp xã hội. Họ cho rằng các doanh nghiệp này thực ra chưa đóng góp gì, chưa nói đến các ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, các sinh viên còn tin rằng nếu chỉ tuyên truyền phong trào DNXH mà không có nơi nào làm vai trò điều tiết và quản lý thì rất dễ xảy ra tiêu cực.

Sinh viên Phan Thị Thu Thùy đến từ trường Đại học Kinh tế Luật (UEL) cho rằng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chỉ dùng mác doanh nghiệp xã hội để đánh bóng tên tuổi của mình. Và khách hàng tin vào những lời quảng cáo từ các doanh nghiệp mang mác xã hội này vô tình giúp cho họ làm giàu mà không giúp ích từ xã hội. Và vì lý do này, giới trẻ không còn tin nhiều vào các công ty tự gọi mình là doanh nghiệp xã hội.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, vì khái niệm doanh nghiệp xã hội còn mới mẻ đối với môi trường kinh doanh trong nước nên chưa thực sự được đón nhận một cách phù hợp. Tuy nhiên, tầm nhìn về doanh nghiệp xã hội cần được các bên liên quan như nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục định hướng để thị trường trong nước bắt kịp nhu cầu phát triển cần thiết trên thế giới để môi trường thiên nhiên và kinh doanh phát triển lành mạnh hơn.