20/04/2024 lúc 13:42 (GMT+7)
Breaking News

Điện Biên & những thành tựu quan trọng trong phát triển và hội nhập

VNHN - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc; có chung đường biên giới với hai quốc gia là Lào và Trung Quốc; có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, gồm 19 dân tộc anh em sinh sống với dân số trên 57 vạn người. Với Điện Biên, khó khăn, thách thức là không nhỏ, nhưng tiềm năng và cơ hội cho phát triển cũng rất lớn. Khắc phục và hạn chế những khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển, đó luôn là q

VNHN - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc; có chung đường biên giới với hai quốc gia là Lào và Trung Quốc; có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, gồm 19 dân tộc anh em sinh sống với dân số trên 57 vạn người. Với Điện Biên, khó khăn, thách thức là không nhỏ, nhưng tiềm năng và cơ hội cho phát triển cũng rất lớn. Khắc phục và hạn chế những khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển, đó luôn là quyết tâm lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Trước hết, về tiềm năng, lợi thế, Điện Biên là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, tài nguyên đa dạng, trong đó có một số tiềm năng lớn như tài nguyên rừng và đất rừng, tiềm năng về khoáng sản, thuỷ điện, tài nguyên du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc; điều kiện khí hậu, thời tiết tương đối thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất một số cây công nghiệp… Đây là điều kiện thuận lợi để có thể phát triển sản xuất hàng hoá, dịch vụ, du lịch. Mặt khác, Điện Biên nằm ở khu vực đầu nguồn 3 con sông lớn của cả nước là sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông, do đó rừng của Điện Biên có vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà và điều tiết dòng chảy cho các khu vực hạ lưu… Bên cạnh đó, cửa khẩu quốc tế Tây Trang với Khu kinh tế cửa khẩu đã và đang được đầu tư, cùng một số cửa khẩu khác với Lào, lối mở A Pa Chải kết nối với tỉnh Vân Nam Trung Quốc, lại có đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn, đang và sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, phát triển kinh tế đối ngoại, du lịch và dịch vụ vận tải quốc tế.

Đồng chí Mùa A Sơn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Nói đến tiềm năng và thuận lợi, sẽ là không đầy đủ nếu không nói đến những cơ hội của Điện Biên trong phát triển và hội nhập. Trong đó, có cơ hội phát triển cùng với các tỉnh Tây Bắc nói riêng và cả vùng Trung du, miền núi phía Bắc nói chung đang là địa bàn chiến lược được Trung ương Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm đầu tư, có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Cùng với đó, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội về thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản của tỉnh như: cà phê, cao su, mắc ca, chế biến tinh bột sắn, chế biến gỗ và các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ; góp phần thúc đẩy tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng về kinh tế. Một tiềm năng nữa không thể không kể đến là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch lịch sử khá phong phú; đặc biệt là quần thể di tích cấp quốc gia quần thể chiến trường Điện Biên Phủ, là một thuận lợi không nhỏ cho việc phát triển du lịch của Tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế, tỉnh Điện Biên cũng còn có rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Từ xuất phát điểm thấp về kinh tế của một tỉnh miền núi, đến nay Điện Biên vẫn còn là một tỉnh nhiều khó khăn, với nhiều chỉ số còn ở mức thấp. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và yếu kém; sản xuất hàng hóa phát triển chậm; sản xuất kinh doanh quy mô còn nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhu cầu đầu tư cho phát triển trên tất cả các lĩnh vực là rất lớn, trong khi đó nguồn thu ngân sách còn thấp; việc huy động các nguồn vốn trong dân cư và các thành phần kinh tế còn khó khăn, thu hút đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu diễn biến hòa bình và những hành động chống phá trên nhiều lĩnh vực… Đó là những khó khăn, thách thức không nhỏ mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên phải nỗ lực khắc phục và vượt qua.

Ông Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (đứng thứ hai từ trái sang) tham quan nhà máy sản xuất chế biến chè của Công ty CP giống cây trồng Điên Biên.

Trong những năm qua, ngay từ sau khi chia tách tỉnh (2004), được sự quan tâm, lãnh đạo và giúp đỡ của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, tỉnh Điện Biên đã giành được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư; các mặt văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện rõ nét; diện mạo của quê hương Điện Biên đang đổi mới từng ngày. Cho nên có thể khẳng định rằng, mười lăm năm qua là một chặng đường phấn đấu nhiều gian khổ, nhưng cũng nhiều thành công của các thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên. Phát triển kinh tế luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu quan trọng nhất được Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, với nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể. Bởi chỉ trên cơ sở kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thì các lĩnh vực khác của đời sống, xã hội mới được đảm bảo và từng bước được nâng lên. Sự sâu sát và quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm là nhân tố quan trọng nhất góp phần tạo nên những thành quả to lớn của tỉnh Điện Biên trong những năm qua.

Nhìn một cách tổng thể, sự phát triển của Điện Biên là sự tăng tiến, năm sau cao hơn năm trước. Những con số sau đây là minh chứng cụ thể: Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế - GRDP - giai đoạn 2006 - 2010 đạt bình quân 11,2%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 6,4%/năm; tương ứng về giá trị từ 5.398 tỷ đồng (2010) lên 8.663,7 tỷ đồng (2015); cũng có nghĩa là năm 2015 GRDP tăng gấp 1,6 lần năm 2010. Đến năm 2018, GRDP đã đạt 10.482 tỷ 240 triệu đồng (tăng gấp 1,209 lần so với năm 2015 và gấp 1,94 lần so năm 2010). Cơ cấu kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhanh, từ 37,15% năm 2005 xuống còn 26,82% năm 2015 và 19,96% năm 2018; tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước tăng lên: từ 25,1% năm 2005 lên 25,39% năm 2015 và chiếm 22,82% năm 2018; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 37,75% năm 2005 lên 47,79% năm 2015 và chiếm 54,61% năm 2018. GRDP bình quân đầu người năm 2018 (theo giá hiện hành) đạt 27,31 triệu đồng/người/năm. Cũng trong năm 2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đã đạt 10.237,7 tỷ đồng (tăng 25,27% so với năm 2017 và đạt 100,9% so với kế hoạch). Công tác thu NSNN cũng đạt những kết quả tích cực, trong đó năm 2018, tổng thu ngân sách địa phương đạt 9.591 tỷ 919 triệu đồng (105,04% dự toán); thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.144 tỷ 494 triệu đồng (106,16% dự toán giao). Một dấu hiệu tích cực nữa về kinh tế là tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, năm 2018 đạt 10.237,7 tỷ đồng, tăng 25,27% so với năm 2017 và đạt 100,9% so với kế hoạch. Các tuyến giao thông chính cơ bản đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, đảm đương được vai trò là trục đường chính kết nối giao thông các vùng trong tỉnh với các khu vực lân cận và Trung ương.

Điện Biên mùa Ban nở.

Nhằm thúc đẩy phát triển nhanh hơn về kinh tế, xã hội, tỉnh Điện Biên đã và đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư. Tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới phương thức điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức để xây dựng nền hành chính, chính quyền phục vụ nhân dân. Trong đó, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính: công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng nhất; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo động lực, sự đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh. Qua đánh giá của VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 của Điện Biên đạt 60,57 điểm, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố (tăng 05 bậc so với năm 2016). Về chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2017, Điện Biên đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh đạt 24/63, tỉnh thành phố, tăng 18 bậc (năm 2016 là 42/63)…Trong năm 2018, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án và 04 dự án đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 4.900 tỷ đồng; có 7 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 114,8 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 26 nghìn tỷ đồng (trong đó có 02 dự án lớn về trồng Mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé và dự án trồng Mắc ca kết hợp với trồng rừng, Dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên với tổng mức đầu tư trên 3.700 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài - Nhà máy chế biến tinh bột sắn có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng). UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 03 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đồng thời đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư và đã có một số nhà đầu tư lớn đang tham gia nghiên cứu như Tập đoàn TH Truemilk, Vietjet, Vingroup, FLC. Trong năm 2018 đã có 145 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 950 tỷ đồng; theo đánh giá của VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 của Điện Biên đạt 61,77 điểm, xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố (tăng 01 bậc so với năm 2017). Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp NN được thúc đẩy mạnh hơn… Kết quả chung, năm 2018 Điện Biên đã cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, với 32/37 tiêu chí đạt và vượt kế hoạch. Đây là thành tích đáng trân trọng mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong điều kiện khó khăn còn nhiều.

Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km, nối thành phố Điện Biên Phủ với Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Mường Phăng.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, quan hệ quốc tế: Về giải quyết việc làm, trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã có hơn 8.650 lao động có việc làm mới. Các chính sách xã hội như trợ cấp, cứu đói, cấp phát bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt. Các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn được triển khai tích cực. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 37,08% (giảm 3,93% so với năm 2017). Công tác y tế được duy trì, triển khai có hiệu quả, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tiếp tục được nâng lên. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư và cải thiện; đặc biệt là giáo dục vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng. Các hoạt động văn hóa được tổ chức phong phú đa dạng, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh… Quốc phòng – an ninh luôn được đảm bảo, quan hệ quốc tế được mở rộng, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Những thành quả phát triển của Điện Biên trong 15 năm qua, nhất là trong vài năm trở lại đây là rất đáng khích lệ, tạo đà để Điện Biên có sự bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội những năm tới. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.