20/04/2024 lúc 09:02 (GMT+7)
Breaking News

Điện Biên: Khẩn trương khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới đó là tập trung tìm các giải pháp nhằm khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới đó là tập trung tìm các giải pháp nhằm khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB).

Trong những năm trước, khi nguồn ngân sách của địa phương còn nhiều hạn chế mà nhiệm vụ cấp bách được đặt ra lúc đó là phải xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Với mục đích là để đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn cuộc sống ổn định cho người dân. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, nguồn nợ đọng của tỉnh Điện Biên về cơ bản là khá cao.

Tính đến cuối tháng 5/2015, tổng số nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh là 754,619 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2015, số nợ đọng đã trả là 379,490 tỷ đồng; dự tính trong 5 năm từ - 2015 - 2020, trả hết số nợ đọng còn lại là 375,129 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2017, tỉnh đã bố trí thanh toán hết số nợ còn lại trước thời hạn quy định. Tới hết năm 2020, toàn tỉnh Điện Biên đã có thêm số nợ đọng XDCB là hơn 44,322 tỷ đồng; trong đó, số nợ ngân sách mà tỉnh quản lý là hơn 39,579 tỷ đồng, huyện quản lý là hơn 4,743 tỷ đồng.

Theo đó, đến hết năm 2020, tổng số nợ đọng XDCB tại huyện Mường Nhé là 2,041 tỷ đồng. Trong đó có 2 công trình đầu tư lớn là công trình đường trung tâm xã Na Cô Sa - Huổi Thủng 3, huyện Mường Nhé (nay thuộc huyện Nậm Pồ) và công trình sân vận động huyện Mường Nhé khởi công năm 2016 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018. Cả 2 đều đã được hoàn thiện và quyết toán với tổng số tiền là 1,239 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có công trình cầu bản Nà Pán, xã Mường Nhé đã hoàn thành nhưng vẫn chưa quyết toán số tiền 802 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Tại huyện Nậm Pồ, tổng số nợ đọng XDCB là 1,596 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã ưu tiên sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các dự án chuyển tiếp và nợ đọng từ năm 2013 - 2015. Tuy nhiên, nguồn vốn này lại do tỉnh quản lý và chưa phân bố đủ kế hoạch vốn nên dẫn đến tình trạng nhiều dự án nợ đọng bị kéo dài đến giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, từ năm 2016 - 2020, huyện Nậm Pồ được tỉnh giao nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để thực hiện 21 dự án liên quan đến trường, lớp học với tổng đầu tư là 111,525 tỷ đồng. Hết năm 2020, 21 dự án đã được hoàn thiện; tổng chi phí dự án là 107,498 tỷ đồng. 4,027 tỷ còn lại vẫn chưa được phân bổ để giải quyết nợ đọng XDCB.

Ông Nguyễn Phi Sông -  Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Điện Biên cho biết: Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng XDCB cách sử dụng nguồn vốn chưa hợp lý và không tận dụng tối đa được lợi ích từ nguồn vốn mang lại. Nhiều dự án chưa đảm bảo nhu cầu sử dụng hàng năm nhưng bắt buộc phải hoàn thành theo tiến độ hợp đồng. Nhiều công trình phải quyết toán xong thì mới được định giá tài sản; phải bàn giao kế hoạch vốn thì mới có thể tiến hành quyết toán. Hiện nay, nhiều huyện, xã vẫn đang tiếp tục thực hiện đầu tư nhiều dự án mà không ưu tiên nguồn vốn để thanh toán nợ cũ. Trong khi nguồn thu chính của các địa bàn này chỉ đến từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn thu tiền sử dụng đất chung.

 Với mục đích “thay máu”, làm mới lại môi trường đầu tư, UBND tỉnh Điện Biên đã tập trung để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Đồng thời, các cấp, ngành và chủ đầu tư liên quan cũng đang nỗ lực để cải thiện, tuân thủ theo đúng các chỉ đạo của chính quyền để sớm xử lý xong tình trạng nợ đọng XDCB. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, không phải chỉ trong thời gian ngắn là có thể xử lý được. Vậy nên, bên cạnh việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư, chính quyền UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn để thanh toán cho các công trình, dự án theo thứ tự ưu tiên đã được quy định tại địa phương. Hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ công việc, giải phóng mặt bằng, đảm bảo công trình được hoàn thành đúng tiến độ. Tuyệt đối không phê duyệt đầu tư và chủ trương đầu tư nếu không nắm rõ tình hình nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cần tuân thủ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ để nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng, sớm ngày khắc phục các khoản nợ XDCB hiện có./.