19/04/2024 lúc 21:06 (GMT+7)
Breaking News

Điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam

VNHN - Thời gian qua, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Hà Nam hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đã có nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. 

VNHN - Thời gian qua, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Hà Nam hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đã có nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. 

Tính đến hết tháng 12/2018, tỉnh Hà Nam đã có 91/98 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 92,86%, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, toàn tỉnh có 02 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là huyện NTM, đó là: Duy Tiên và Kim Bảng. Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến hết năm 2019, cả 6/6 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai Đề án xây dựng NTM kiểu mẫu, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 xã xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Những kết quả trên cho thấy sự đồng thuận của nhân dân và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM ở tỉnh Hà Nam, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặngHuâ n chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và chính quyền huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Trong bức tranh chung của toàn tỉnh Hà Nam về xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay và nhiều cá nhân, tổ chức tiêu biểu song không thể không kể đến những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Tiên đã đạt được. Bởi huyện Duy Tiên là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh có 16/16 xã về đích NTM, toàn huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện NTM vào năm 2017 và không còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM. Kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đều đạt khá tốt. Cụ thể như sau:

Về huy động nguồn vốn: Để xây dựng thành công huyện NTM, Duy Tiên đã huy động và thực hiện tổng số kinh phí là 2.851,186 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 228,548 tỷ đồng, chiếm 8,02%; Ngân sách tỉnh: 247,125 tỷ đồng, chiếm 8,67%; Ngân sách huyện: 130,339 tỷ đồng, chiếm 4,57 %; Ngân sách xã: 353,054 tỷ đồng, chiếm 12,38 %; Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án: 208,432 tỷ đồng, chiếm 7,31%; Vốn vay tín dụng: 902,5 Tỷ đồng, chiếm 31,65%; Vốn doanh nghiệp, HTX trên địa bàn: 409,206 tỷ đồng, chiếm 14,35%; Vốn đóng góp của cộng đồng dân cư: 297,516 tỷ đồng, chiếm 10,44 %.

Các tuyến đường được giao thông được kiên cố hóa (Làm đường giao thông tại xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên)

Bên cạnh đó, huyện đã tiếp nhận 47.578,3 tấn xi măng, 50.672 m3 đá các loại hỗ trợ của tỉnh, thực hiện đổ bê tông được 282,9 km đường thôn, xóm, 13,8 km đường trục chính nội đồng và đắp được 94,2 km, cứng hóa bằng vật liệu đá cấp phối được 90 km đường trục chính nội đồng. Tất cả các tuyến giao thông từ đường trục xã, thôn, xóm, đường trục chính nội đồng đã được cứng hoá, đảm bảo thuận tiện đi lại không lầy lội vào mùa mưa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện

Hệ thống công trình thuỷ lợi nội đồng của huyện Duy Tiên bao gồm 1.397 con kênh, có tổng chiều dài 755,4 km; có 832 cống, trong đó 474 cống tưới, 358 cống tiêu; 41 trạm bơm với 153 tổ máy bơm các loại cũng được kiên cố hóa, đảm bảo tưới, tiêu cho 6.499 ha diện tích đất nông nghiệp (đạt 100%).

Hệ thống lưới điện của huyện được đảm bảo đồng bộ, do ngành điện quản lý. Hệ thống đường dây, trạm biến áp được đầu tư cải tạo và nâng cấp thường xuyên đảm bảo 100% các xã, thị trấn đều có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%.

Trong 6 năm 2011-2017 các xã đã xây dựng thêm tổng số 348 phòng học và phòng chức năng của trường học các cấp (157 phòng trường mầm non, 115 phòng trường tiểu học, 76 phòng trường THCS). Đến nay tất cả các xã có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở đều có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất trang thiết bị đồ dùng dạy học từng bước được nâng cấp đồng bộ ở tất cả các cấp học. Quy mô trường học, lớp học ngày càng mở rộng. Đội ngũ giáo viên được đào tạo nâng cao về trình độ, đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu dạy và học, chất lượng giáo dục được nâng lên, hàng năm kết quả thi học sinh giỏi đạt giải cao.

Cở sở vật chất của các trạm y tế tại các xã được đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ y tế. Toàn huyện có 18 Trạm Y tế của 18 xã, thị trấn với 118 giường bệnh, có 15 Bác sỹ, các trạm y tế các xã duy trì chế độ trực, đảm bảo đủ cơ số thuốc phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Đến nay 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 88,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (SDD chiều cao theo tuổi) là 13,8 %. Đã xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị của 16 Trạm y tế xã. Trạm y tế các xã đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế.

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa của các thôn, xóm đã đáp ứng được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và tổ chức hội họp của nhân dân. 100% số thôn xóm (139/139 thôn, xóm) trên địa bàn các xã có nơi sinh hoạt văn hoá và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Hiện nay mạng lưới nhà văn hóa - khu thể thao từ huyện đến cơ sở hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, là nơi tổ chức hội họp của nhân dân, các đoàn thể, câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao phục vụ sinh hoạt văn hoá, thể thao của toàn xã, đồng thời cũng là nơi vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. 100% thôn, xóm đã xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước, có 132/139 thôn, xóm được công nhận danh hiệu văn hóa trong đó có 89 thôn làng được công nhận danh hiệu văn hóa trong 3 năm liên tục. Trong năm 2017 huyện đã tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao, lễ hội truyền thống và chỉ đạo tổ chức tốt các lễ hội khác trên địa bàn huyện. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 30%. Đến nay 100% xã đạt tiêu chí về văn hóa.

Các chợ nông thôn trên địa bàn được đầu tư xây dựng kiên cố đảm bảo đúng quy định, đã  đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, góp phần lưu thông hàng hoá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và giữ gìn nét đẹp của phiên chợ vùng nông thôn. Các cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn khác: như siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh tổng hợp nằm bám trên các trục đường chính của huyện, xã rất phát triển.

Hiện nay, 16/16 xã trên địa bàn huyện có Bưu điện văn hóa xã đảm bảo phục vụ cho hoạt động bưu chính đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông; các xã đều có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tới tất cả các thôn, xóm như: Viettel, Mobifone, Vinaphone,… đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân tại địa phương; có đài truyền thanh cấp xã và 100% số thôn, xóm trong các xã có hệ thống loa, cụm loa truyền thanh và hoạt động thường xuyên; 100 % xã trong huyện có ứng dụng thông tin trong quản lý điều hành, được trang bị máy tính phục vụ công tác và có hòm thư điện tử công vụ.

Toàn huyện đã thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát được 367 nhà. Đến nay trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát và 100% số xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí nhà ở dân cư. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2018 đạt 40,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 theo tiêu chí NTM bình quân của huyện là 1,21%.

Những con đường hoa tô điểm cho bức tranh nông thôn thêm nhiều màu sắc

Lực lượng lao động của huyện năm 2018 là 66.981 người (chiếm 52% dân số), trong đó số lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,09%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Trên địa bàn huyện có 227 Công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp với trên 36.500 lao động tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp Đồng văn I, II, III và khu công nghiệp Hòa Mạc.

Các cấp, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung cao triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn như: phát động phong trào trồng hoa, toàn huyện đã trồng được trên 44.000 m2 tại các trụ sở, công sở, các đường trục xã, đường thôn, xóm xây dựng cảnh quan. Huyện đã xây dựng được 01 nhà máy xử lý rác thải tập trung; công tác thu gom rác thải được thực hiện tốt, 100% số xã có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, có khu tập kết rác thải tập trung và hệ thống cống rãnh thoát nước thải vệ sinh, đầu tư thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Đến năm 2018 tỷ lệ số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,9%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 70,2%.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, các xã đều xây dựng kế hoạch đảm bảo ANTT trên địa bàn, chỉ đạo các thôn, xóm thành lập tổ an ninh tự quản. Lực lượng Công an tăng cường tuần tra canh gác, củng cố các tổ hoà giải ở cơ sở, tham gia các lớp tập huấn, phổ biến tuyên truyền pháp luật và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các thôn, xóm, các nhà trường phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng NTM. Do đó an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn huyện được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao hơn, các tai, tệ nạn xã hội giảm. 100% các xã được công nhận đạt tiêu chuẩn về an ninh, trật tự và lực lượng công an các xã được xây dựng, củng cố trong sạch, vững mạnh theo quy định.

Sau 8 năm thực hiện chương trình: Hạ tầng kỹ thuật được tăng cường, bộ mặt nông thôn đã đổi mới rõ nét, các công trình được xây dựng khang trang và hiện đại hầu hết các lĩnh vực; quản lý đô thị nhiều mặt có chuyển biến tích cực; nông nghiệp và xây dựng NTM đạt nhiều kết quả quan trọng; văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Hoạt động hợp tác, giao lưu học tập với các đơn vị bạn được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, 100% cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến các xã được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, thông qua tập huấn giúp đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã có một bước trưởng thành quan trọng. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản, tăng nhanh ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, thu nhập, đời sống nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Tạo được sự đồng thuận cao đối với việc “Chung sức xây dựng NTM” trong cán bộ đảng viên và nhân dân. MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà n­ước, quản lý xã hội.

Đến tháng 11/2017 có 16/16 xã đạt chuẩn NTM. Huyện có nhiều tiêu chí đạt ở mức cao như 100% số xã đã đạt các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện, Cơ sở hạ tầng TM nông thôn; Thông tin và tuyên truyền; nhà ở dân cư, Thu nhập, Hộ nghèo, Tổ chức sản xuất, Lao động có việc làm, Giáo dục và đào tạo, Văn Hóa ...

Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM cũng còn những hạn chế nhất định như: Nguồn vốn huy động cho Chương trình còn đạt thấp so với yêu cầu, chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn nhân dân đóng góp, trong khi đó các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn nhiều nhưng mức độ đóng góp, ủng hộ phong trào xây dựng NTM chưa cao. Một số xã còn gặp khó khăn trong  huy động nguồn lực thực hiện XD NTM, phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất. Một số xã khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có xuất phát điểm thấp, do đó ngân sách nhà nước phải tập trung hỗ trợ nhiều.

Một số xã còn khó khăn trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là trong việc thực hiện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. chú trọng đúng mức để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường…

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số xã có thời điểm chưa quyết liệt, như: Dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, chỉ đạo xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; nhiều tiêu chí các xã đăng ký phấn đầu hoàn thành trong năm nhưng không có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện nên không đạt được.

Quá trình phát triển công nghiệp, đô thị, nhiều dự án lớn được triển khai hàng năm làm ảnh hưởng đến quy hoạch thuỷ lợi, ảnh hưởng đến một số kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Thời gian đầu nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của cấp trên, chưa thực sự phát huy hết vai trò chủ thể là người dân trong xây dựng NTM.

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một số xã có thời điểm chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước chưa được thường xuyên, liên tục, chưa phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức.

Một số đoàn thể ở cơ sở chưa phát huy cao vai trò, trách nhiệm, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa có hiệu quả rõ rệt trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới.

Đội ngũ cán bộ giúp việc Ban chỉ đạo XD NTM các cấp làm việc kiêm nhiệm, do thường xuyên chuyển công tác nên đa số là mới, kinh nghiệm về quản lý xây dựng NTM còn ít, trong khi khối lượng công việc nhiều, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực…, nên công tác tham mưu còn hạn chế.

Những bài học kinh nghiệm của Hà Nam:

Sau gần 7 năm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn; UBND huyện đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, mục đích chương trình, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu về nhiệm vụ xây dựng NTM, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, người dân là chủ thể trực tiếp, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Hai là, quy hoạch phải đi trước một bước, đây chính là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển dài dạn cũng như trung hạn, là xương sống để định hình chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và văn hóa hàng năm; xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể, việc gì dễ làm trước, đầu tư đến đâu được đến đó tránh được các trồng chéo khi triển khai thực hiện.

Ba là, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, thôn để nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, nhiệt tình, sáng tạo vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bốn là, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM; thường xuyên thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” để khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia hiến đất, tài sản và đóng góp công sức, kinh phí... xây dựng NTM.