25/04/2024 lúc 21:33 (GMT+7)
Breaking News

Địa đạo Củ Chi: "Thành phố dưới lòng đất"

Nhắc tới Sài Gòn người ta thường nghĩ tới một thành phố hiện đại, nhộn nhịp mà ít ai nhớ rằng Sài Gòn cũng mang nhiều dấu ấn lịch sử của riêng mình. Địa đạo Củ Chi chính là một minh chứng rõ ràng cho điều đó - là một "kỳ quan" độc đáo có một không hai, được mệnh danh là “thành phố trong lòng đất”.

Nhắc tới Sài Gòn người ta thường nghĩ tới một thành phố hiện đại, nhộn nhịp mà ít ai nhớ rằng Sài Gòn cũng mang nhiều dấu ấn lịch sử của riêng mình. Địa đạo Củ Chi chính là một minh chứng rõ ràng cho điều đó - là một "kỳ quan" độc đáo có một không hai, được mệnh danh là “thành phố trong lòng đất”.

Cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc, Địa đạo Củ Chi là một trong 7 điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á, cũng là một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới.

Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất, dài khoảng 250 km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây... Các công trình ăn thông với nhau hoặc có thể độc lập chấm dứt tùy địa hình đã biến Củ Chi thành căn cứ địa vững chắc cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tái hiện lại một số hoạt động dưới địa đạo

Ngày nay, địa đạo đã được xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, là điểm đến thú vị thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử chiến tranh của quân dân Việt Nam.

Địa đạo Củ Chi gồm hệ thống hang động thông nhau chằng chịt như tổ kiến

Địa đạo Củ Chi được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Thời gian này, quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí. Cư dân khu vực đã đào các hầm, địa đạo riêng lẻ nhưng sau do nhu cầu đi lại giữa các làng, xã, họ đã nối liền các địa đạo này tạo thành một hệ thống liên hoàn, phức tạp hơn.

Tham quan địa đạo Củ Chi sẽ có hai 2 lựa chọn: đi từ lối ở bên trong hoặc lối bên ngoài vào. Số cửa vào không có nhiều, chỉ gồm lối đi chính và các cửa bí mật. Các lối bí mật rất khó đi và chỉ dành cho những bạn có máu mạo hiểm. Riêng các lối đi chính thì tương đối rộng. Trước kia, đây là chiến hào dẫn về hầm hoặc nơi cáng thương binh, tiếp tế lương thực, sau này mới được mở rộng.

Đi vào đến căn cứ bên trong, sẽ thấy nhiều căn phòng rộng và di sản văn hóa có giá trị. Phòng cứu thương, phòng học, phòng họp, có cả chiếc xe tăng trong sở chỉ huy… và nhiều thứ đáng chụp ảnh đấy.

Lối vào bí mật của địa đạo dưới lòng đất.

Trong lòng địa đạo Củ Chi tối và thiếu không khí, nhiều đoạn phải khom lưng mới có thể đi được. Tùy từng khu vực địa hình địa đạo có thể có tới 2,3 tầng.

Đường hầm dưới địa đạo có nhiều đoạn thấp du khách phải khom lưng mới qua được 

Thám hiểm địa đạo Củ Chi dưới lòng đất là điều thú vị nhất mà du khách muốn trải nghiệm khi đến đây. Các lối vào – ra, thông gió, hầm… chằng chịt như tổ kiến, chẳng thể tin là bạn đang thám hiếm ở một nơi do chính người dân Sài Gòn xây nên.

Nói về ngụy trang không thể không nói tới một loại bếp đặc biệt trong địa đạo: bếp Hoàng Cầm. Điểm độc đáo của loại bếp này là hạn chế tối đa khói bếp phát tán lên mặt đất để địch không biết vị trí chính xác của quân ta ở đâu.

Anh Trần Triết Hùng, hướng dẫn viên khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi giới thiệu: “Trước khi cho khói lên mặt đất thì du kích sẽ giữ những khói đó trong các ụ như thế này. Chúng ta sẽ đào từ bếp khoảng cách ít nhất là 100-150 mét, có từ 4-5 cái ụ. Khi bắt đầu nấu thì khói sẽ dồn vào ụ đầu tiên. Nếu ụ đầu tiên đầy rồi thì khói sẽ lan sang ụ kế. Cứ như vậy, khói lên mặt đất sẽ được chia ra ít nhất thành 3 mũi, càng ít khói chừng nào thì địch sẽ càng khó phát hiện chừng đó”.

Bếp Hoàng Cầm trong địa đạo Củ Chi.

Nhờ vào kiến trúc chằng chịt, biến hóa linh hoạt nơi đây đã che chở cho biết bao cán bộ, nhân dân Sài Gòn trong thời kì kháng chiến chống giặc. Dù cho địch đã dùng rất nhiều biện pháp nhằm triệt phá địa đạo như: dùng nước phá, dùng đội quân “chuột cống, dùng chó nghiệp vụ,.. Nhưng tất cả đều thất bại.

Ngoài di tích lịch sử đặc biệt địa đạo Củ Chi, ở đây còn có nhiều hoạt động vui chơi khác hấp dẫn như: thuê xe đạp đi dạo, bơi lội, cắm trại, ăn uống, chèo thuyền, đi ca nô, đạp vịt. Đa số các trò chơi bạn phải mua vé. Một số trò chơi mà bạn không thể bỏ qua là trò chơi mô phỏng chiến tranh. Đây là trò chơi rất thú vị và có sức hấp dẫn với các bạn trẻ.

Bắn súng thể thao quốc phòng tại Củ Chi 

Đi vòng quanh khu du lịch địa đạo Củ Chi cũng là một trải nghiệm đáng thử. Ở đây không khí trong lành, không ồn ào như nội thành Sài Gòn, đem lại cho bất kì ai tới đây một cảm giác thư thái.

Ngoài ra, nếu đi theo nhóm hoặc gia đình, bạn cũng có thể cắm trại và dã ngoại bên bờ sông. Vào buổi chiều, không khí quanh bờ sông Sài Gòn rất mát, hãy trải nghiệm đi thuyền trên sông nhé.

Với diện tích rộng lớn, không gian xanh mát và nhiều hoạt động giải trí, trải nghiệm đa dạng... địa đạo Củ Chi là điểm đến thích hợp để bạn vừa thư giãn cuối tuần, vừa hiểu biết thêm về truyền thống lịch sử của cha ông.