29/03/2024 lúc 18:48 (GMT+7)
Breaking News

Di sản Hồ Chí Minh: sự kết tinh văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại

VNHN - Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh văn hóa dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài viết về vấn đề này.

VNHN - Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh văn hóa dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài viết về vấn đề này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam ngày 4/5/1957 (Ảnh: baoquocte.vn) 

Hệ thống tư tưởng xuyên suốt

Di sản Hồ Chí Minh là tổng hợp từ toàn bộ hệ thống tư tưởng, từ thực tiễn hoạt động cách mạng và từ đạo đức, nhân cách mẫu mực của Người có ảnh hưởng quan trọng, tích cực tới mỗi người dân Việt Nam và các dân tộc khác trên toàn thế giới đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng các Khu di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh nhằm phát huy giá trị tinh thần vô giá mà Người để lại. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, như: Phủ Chủ tịch, Lăng Bác Hồ, Khu Di tích Kim Liên - Nghệ An, khu di tích Pắc Bó - Cao Bằng, Bến cảng Nhà Rồng… đã trở thành nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Không chỉ ở trong nước, nhiều tượng đài, các khu tưởng niệm, bảo tàng, công viên, đường phố… mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đời ở nhiều nước trên thế giới.

Đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mục tiêu và sự nghiệp giành độc lập dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu đã khơi dậy khát vọng giải phóng cho tất cả các dân tộc thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh tha thiết với độc lập, tự do của dân tộc mình, vì vậy cũng rất trân trọng độc lập, tự do của các dân tộc khác.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài câu kết với nhau chống phá cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trước sau như một tỏ rõ thiện chí Việt Nam sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 02/9/1945, thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và khẳng định quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Trong mối quan hệ rộng mở với các nước, các lực lượng dân chủ tiến bộ thế giới, Di sản văn hóa Hồ Chí Minh để lại chính là chủ trương gắn cuộc đấu tranh vì độc lập ở Việt Nam với mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng của nhân loại. Đây là sự đúc rút kinh nghiệm ứng xử ngoại giao đầy chất văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, trong đó đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, nhân văn trong ngoại giao của cha ông ta và yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải có một phương pháp ứng xử khéo léo để không những đoàn kết nhân dân trong nước, mà còn có thể tập hợp các lực lượng bên ngoài hỗ trợ tích cực cho thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam ngày 17/1/1967 (Ảnh: baoquocte.vn) 

“Kim chỉ nam” của lực lượng CAND

Lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn nhận thức rằng, toàn bộ di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả ở trong nước và ngoài nước là báu vật thiêng liêng cần được bảo vệ, phát huy và nghiên cứu, học tập quán triệt trong mọi mặt công tác của mình.

Nhiệm vụ công tác của Công an Việt Nam trong thời kỳ mới là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực khác hội nhập quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, di sản Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng, phong cách của Người là kim chỉ nam cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hôm nay và mãi mãi về sau trong cuộc hành trình lịch sử bảo vệ lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước, chấn hưng dân tộc Việt Nam, làm cho Việt Nam trở nên phồn vinh, văn minh và hiện đại, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới.

Từ khi ra đời đến nay, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện, được nhân dân hết lòng cưu mang, giúp đỡ, lực lượng CAND không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu, sắc bén của Đảng và Nhà nước.

Trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở giai đoạn khó khăn nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu Sáu điều dạy của Người đối với CAND, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của vị lãnh đạo tối cao, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, có giá trị to lớn đối với mọi mặt công tác của lực lượng CAND.

Sáu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành “kim chỉ nam” cho mọi mặt công tác, chiến đấu, là di sản văn hóa lớn nhất của Người đối với CAND. Lực lượng CAND cả nước, từ miền Bắc đến miền Nam thành đồng Tổ quốc đã phát động sâu rộng phong trào học tập và thực hiện Sáu lời dạy của Bác, giành được nhiều chiến công xuất sắc.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và hình thái chiến tranh mới... Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá ta trên nhiều lĩnh vực... Trong tình hình ấy, lực lượng CAND càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn bao giờ hết về giá trị lâu bền, giá trị thời đại của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh; việc nghiên cứu học tập và vận dụng thực hiện nghiêm túc giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng chẳng những đối với lực lượng CAND ở trong nước mà còn ở ngoài nước.

Để thực hiện có kết quả các định hướng nêu trên, lực lượng CAND cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục truyền thống, vun đắp bản sắc dân tôc, khối đại đoàn kết toàn dân, tạo ra “sức mạnh mềm” của Việt Nam trên trường quốc tế để từ đó xác định vai trò và trách nhiệm, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần phải thực sự xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, mài sắc tinh thần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ để làm động lực; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại công an để tăng cường vị thế quốc tế. Lực lượng CAND sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng hiệu quả di sản Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc học tập, làm theo "Sáu điều Bác Hồ dạy CAND", “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”cùng những lời di huấn thiêng liêng của Bác. Đó vừa là động lực, vừa là điều kiện để CAND giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nhất là những tư tưởng của Bác Hồ đoàn kết trong quan hệ, hội nhập quốc tế; thực hiện thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân trong tình hình mới./.    

   Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an