19/04/2024 lúc 02:53 (GMT+7)
Breaking News

Di dời nhà ven kênh, rạch - Cần Thơ 'gặp khó'

VNHNO - Hiện nay, tình trạng xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch tại Cần Thơ không những làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Cần Thơ sẽ di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, tuy nhiên ngay từ khi bắt đầu đã gặp không ít khó khăn.

VNHNO - Hiện nay, tình trạng xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch tại Cần Thơ không những làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Cần Thơ sẽ di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, tuy nhiên ngay từ khi bắt đầu đã gặp không ít khó khăn.

Ô nhiễm môi trường và sạt lở bủa vây...

Đi dọc tỉnh lộ 923, theo sông Cần Thơ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những căn nhà xập xệ, nhếch nhác nằm san sát nhau. Những căn nhà này chủ yếu được làm tạm bợ từ cây xà cừ, tôn cũ nhưng lại là nơi ở của hàng nghìn hộ gia đình từ nhiều năm nay. Những căn nhà này đã làm thu hẹp dòng chảy và khả năng tiêu thoát nước trong khu vực. Đặc biệt, người dân sống ven sông, rạch theo thói quen thường xả rác thải, nước thải trực tiếp xuống sông, rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng tại quận Ninh Kiều đã có hơn 2.000 căn nhà được dựng lên dọc sông Cần Thơ, rạch Cái Khế, rạch Ngỗng, rạch Bần, rạch Tham Tướng... Rạch Mương Củi (ranh giới giữa hai phường Hưng Lợi và An Khánh) được xem là một trong những điểm “nóng” về tình trạng ô nhiễm môi trường. Vào thời điểm nước ròng, nước rạch đen ngòm, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Ông Mai Văn Hiệp, Chủ tịch UBND phường An Khánh thừa nhận, tình trạng lấn chiếm kênh, rạch tại địa phương diễn ra nhiều năm qua chưa được khắc phục. 

Sạt lở bủa vây nhưng người dân vẫn không chịu di dời

Ngoài gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, bà con sống dọc theo sông, rạch còn đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông.Vào lúc thủy triều xuống, có thể thấy rõ những vết nứt, lún trong từng ngôi nhà của người dân. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, chỉ tính riêng 8 tháng năm 2018, trên địa bàn xảy ra 16 điểm sạt lở, làm đổ hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn bị sạt một phần và bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 586m, ước tổng thiệt hại hơn 33,6 tỷ đồng…

Nhưng khó để di dời...

Tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ mới đây, theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ: Hiện thành phố đã lập phương án di dời gần 10.000 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. Trước mắt, trong hai năm tới sẽ ổn định chỗ ở cho 5.300 hộ bằng cách di dời đến các cụm dân cư tập trung, xen vào tuyến dân cư trên địa bàn và ổn định tại chỗ...

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi triển khai các đầu việc trên là nguồn ngân sách hạn chế. Dự kiến, vốn ngân sách Trung ương và địa phương phân bổ cho chương trình này gần 300 tỷ đồng, trong khi tổng vốn thực hiện quy hoạch ước tính 556 tỷ đồng. Về bản chất, việc di dời nhà dân ven kênh, rạch là dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng bờ kè, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực. Trong khi đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư dự án. Vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn lâu nên không thu hút các nhà đầu tư; quỹ nhà tái định cư của thành phố cũng không đủ đáp ứng quy mô di dời và tái định cư cho các hộ dân.

Bên cạnh đó, việc di dời, bồi thường cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn do phần lớn nhà có phần diện tích lấn chiếm, diện tích nhỏ, không đủ tiêu chuẩn tái định cư, cần có cơ chế bồi thường, hỗ trợ đặc biệt. Theo đó, phần diện tích lấn chiếm cần được áp dụng tăng mức tỷ lệ % hỗ trợ theo hướng có lợi cho người dân bị thu hồi nhà, đất để khuyến khích họ sớm bàn giao mặt bằng. Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết: “Quận đang chỉ đạo các cơ quan tích cực rà soát cụ thể từng trường hợp để có các giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Mục tiêu được quận xác định là vừa đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, vừa bảo đảm tối đa quyền lợi người dân”.

Mặt khác, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ dân được di dời cũng là vấn đề nan giải. Bởi, các nghề được đào tạo chủ yếu là đan lát, may mặc... tuy nhiên đầu ra cho các sản phẩm vẫn chưa ổn định, thu nhập thấp, nên người dân không mặn mà. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều trường hợp người dân di dời đến chỗ ở mới không lâu lại quay về tái lấn chiếm kênh, rạch... Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam chia sẻ: “Kết quả khảo sát gần đây cho thấy tình trạng người dân xây dựng nhà lấn chiếm kênh, rạch còn diễn ra nhiều. Trong đó có những hộ dân được bố trí nền tái định cư nhưng ở một thời gian lại bán đi và quay về cất nhà tạm bợ ven kênh, rạch”.

Thực tế việc di dời các nhà ven sông, rạch là cần thiết nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng chục nghìn hộ dân. Vì thế, để sau khi di dời, người dân không quay về tái lấn chiếm kênh, rạch, chúng tôi cho rằng thành phố cần làm tốt vấn đề an sinh xã hội, trong đó, quan trọng nhất là có các giải pháp hỗ trợ, tạo công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống ổn định cho từng người dân./.

Theo Qdnd.vn