19/04/2024 lúc 17:29 (GMT+7)
Breaking News

Dệt may Việt Nam cần chủ động về nguyên phụ liệu

VNHN - Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dệt may hiện nay chỉ tập trung vào khâu gia công, còn các khâu như thiết kế, kéo sợi, dệt vải chưa được chú trọng đầu tư. Để tận dụng các ưu đãi, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe về xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chuỗi cung ứng bền vững và nâng cao tỷ lệ làm chủ nguyên phụ liệu.

VNHN - Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dệt may hiện nay chỉ tập trung vào khâu gia công, còn các khâu như thiết kế, kéo sợi, dệt vải chưa được chú trọng đầu tư. Để tận dụng các ưu đãi, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe về xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chuỗi cung ứng bền vững và nâng cao tỷ lệ làm chủ nguyên phụ liệu.

Ảnh minh họa

Còn nhiều thách thức đối với ngành dệt may

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may và nguyên phụ liệu đạt hơn 3,38 tỷ USD, so với tháng 9-2018 tăng 5,79%. Tính chung 9 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và nguyên phụ liệu đạt 29,65 tỷ USD, tăng 26,33% so với cùng kỳ năm 2018. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá: Thời gian qua, ngành dệt may đã chứng tỏ vai trò của mình trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội, đóng góp nguồn ngoại tệ lớn. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may trên thị trường thế giới với giá trị xuất khẩu năm 2019 ước đạt 40 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, ngành dệt may là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Khi đó, một số hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, trong đó có dệt may. Đây được xem như "chiếc chìa khóa vàng" để có thể thâm nhập vào những thị trường khó tính, tuy nhiên, đi cùng những cơ hội luôn là thách thức. Để có thể được hưởng lợi từ thuế quan, mở rộng thị trường kinh doanh… các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải tháo gỡ được những nút thắt yêu cầu về quy tắc xuất xứ công đoạn từ vải trở đi. Trong khi đó, đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các mặt hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác sẽ được xóa bỏ thuế nếu như đáp ứng quy tắc xuất xứ từ công đoạn sợi trở đi.

Bất cập lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng chính là khâu cung cấp các nguyên phụ liệu đầu vào. Hiện nay, một phần không nhỏ nguyên liệu sợi, vải phục vụ quá trình gia công sản phẩm phải nhập từ nước ngoài. Điều đó khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường.


Giới thiệu những công nghệ mới về ngành dệt may tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may, thiết bị và nguyên phụ liệu năm 2019. 

Tháo gỡ bài toán nguyên phụ liệu

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng: Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang gặp một số khó khăn trong tìm nguồn cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, thiết bị hiện đại, nguyên phụ liệu mới, phù hợp, hợp lý hóa hệ thống quản lý sản xuất và quản lý chất lượng.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan TP Hồ Chí Minh: Muốn phát triển ngành dệt may thì phải phát triển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu để hình thành liên kết chuỗi. Tuy vậy, quy mô của các doanh nghiệp trong ngành vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công và lệ thuộc vào nước ngoài nhiều.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), lĩnh vực dệt, nhuộm chỉ chiếm 8,3% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may, trong khi hơn 90% đầu tư vào lĩnh vực may mặc. Vì vậy, hiệp hội đề nghị cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khâu thượng nguồn, nhất là lĩnh vực dệt, nhuộm; trong đó đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải. Để có thể nâng cao tỷ lệ làm chủ nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp với nhau để tạo ra các chuỗi cung ứng hoàn thiện. Song song với đó, dệt may Việt Nam cũng nên tận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất để có thể nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm.