20/04/2024 lúc 05:55 (GMT+7)
Breaking News

Đền ông Hoàng Mười - Điểm nhấn trong hành trình “Về nguồn và khám phá vẻ đẹp xứ Nghệ”

VNHN - Toạ lạc trên vùng đắc địa "sơn thuỷ hữu tình" tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Đền ông Hoàng Mười (tên chữ là Mỏ Hạc Linh Từ) thờ Đạo mẫu Tứ Phủ, nhưng vị thần được thờ chính ở Đền lại là Quan Hoàng Mười. Năm 2002, Đền đã được Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa. Và, với giá trị tiêu biểu có được, Lễ hội Đền ông Hoàng Mười đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (2019).

VNHN - Toạ lạc trên vùng đắc địa "sơn thuỷ hữu tình" tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Đền ông Hoàng Mười (tên chữ là Mỏ Hạc Linh Từ) thờ Đạo mẫu Tứ Phủ, nhưng vị thần được thờ chính ở Đền lại là Quan Hoàng Mười. Năm 2002, Đền đã được Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa. Và, với giá trị tiêu biểu có được, Lễ hội Đền ông Hoàng Mười đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (2019).

Đền ông Hoàng Mười 

Vốn là một nhân vật được hóa thân từ một trong những người anh hùng có công với dân với nước, ông Hoàng Mười được xem là một Đức Thánh Minh trong hàng các ông Hoàng, được người dân sùng bái, ngưỡng mộ, thờ cúng ở nhiều nơi trong cả nước.Trong đó nổi bật nhất là các ngôi đền dọc sông Lam ở  xứ Nghệ - nơi ông được giao trấn giữ lúc sinh thời và cai quản về tâm linh khi hiển thánh. Trong tâm thức dân gian, Ông Hoàng Mười luôn là biểu tượng của một nhân cách văn võ song toàn, tài hoa, đức độ…

Nhưng, từ góc độ văn hóa tâm linh thì tên Hoàng Mười không phải là một tên người đơn thuần, mà theo nghĩa là “ông Hoàng thứ Mười” trong một gia tộc có 10 người con. Tương truyền, Hoàng Mười là vị Hoàng Út trong điện thần Đạo Mẫu, nhưng cùng với Hoàng Bảy là hai vị được tôn vinh hơn cả. Cả mười ông Hoàng đều là con của vua cha Bát Hải Đông Đình nên đều là Long Thần (nhưng trong các văn chầu từng ông cũng như truyền thuyết ở từng địa phương thì phần lớn các ông là nhân thần, những danh tướng có công đánh giặc, khai phá đất đai). Các ông đều được Vua cha phân cho từng trọng trách riêng: Có người ở vị trí nhân hay thiên thần (các ông Hoàng Tư, Hoàng Năm ở lại cõi Biển, cõi Sông, không xuất hiện ở cõi nhân sinh); có người được nhập vào với người thật để trở thành những nhân thần đi trấn trị khắp nơi trên đất nước ta. Ông Hoàng Cả thành một tướng của nhà Lê; Ông Hoàng Hai thành một vị tướng người Mán ở Cẩm Phả, hoặc thành một tướng họ Nguyễn lập nghiệp ở miền Nam Trung Bộ; Ông Hoàng Ba về Nam Định; Ông Hoàng Sáu thành một tướng nhà Trần; Ông Hoàng Bảy về Lào Cai, Yên Bái; Ông Hoàng Tám là một người Nùng, hoặc một vị khác; Ông Hoàng Chín về Cửa Cờn, Nghệ An. Riêng ông Hoàng Mười được thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta. Nhiều phủ, điện thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều có tượng hoặc bàn thờ Hoàng Mười riêng. Điều đó cũng cho thấy rõ “vị thế” của ông trong tín ngưỡng dân gian cũng như trong tâm linh người Việt ta.

Lễ tế tại Đền Ông Hoàng Mười

Cũng theo tương truyền, Vua cha là Long thần Bát Hải Đại Vương và đệ nhất thánh Mẫu Thiên Tiên công chúa đã giao trọng trách cho ông Hoàng Mười  trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm sát khâm sai ở xứ Nghệ. Ông là một vị quan văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ông luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân lao động nghèo khó. Truyền thuyết còn kể rằng ông Hoàng Mười quê ở làng Xuân Am, tổng Yên Đổ, phủ Hưng Nguyên xưa (nay là Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An). Ngài là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, hy sinh trong trận Âm Công đánh vào thành Lục Niên. Âm Công là một trận nghi binh làm voi giả, chiến thuyền giả. Ngài kéo quân đánh tập hậu, tả xung hữu đột làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía. Ngài đã bị thương nặng, chỉ kịp phi ngựa về đến quê nhà thì mất. Triều đình lấy làm thương tiếc nên lấy đất Âm Công - quê hương Ngài để tưởng nhớ công ơn…Đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên được xây dựng từ năm 1634, thời hậu Lê trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Đến năm 1995, đền được khôi phục lại và vẫn giữ được hình dáng ban đầu.

Nhắc đến những điều đó để thêm một lần khẳng định giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc của ngôi Đền cũng như Lễ hội Đền Hoàng Mười ở Nghệ An. Theo đó, nét đặc sắc nhất của Ngôi đền chính là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu (“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - từ 01/12/2016).  Nơi đây tôn thờ các nhân vật như: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; Tam tòa thánh Mẫu; Ngũ vị vương quan; Tứ vị chầu bà; Ngũ vị hoàng tử; Thập nhị vương cô; Thập nhị vương cậu; Quan Ngũ hổ; Quan lớn Tuần Tranh.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ấy đã tạo nên cho di tích một di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội truyền thống đặc sắc vào ngày 10/10 âm lịch - ngày giỗ của Quan Hoàng Mười, và ngày Rằm tháng 3 âm lịch hàng năm.

Đặc biệt, năm nay, hướng tới Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động rất phong phú và cụ thể nhân sự kiện trọng đại này. Trong đó, ngành Du lịch của Tỉnh cũng đóng góp nhiều Chương trình hoạt động sâu rộng và ý nghĩa, không chỉ thiết thực kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, mà thông qua đó còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành Du lịch Nghệ An trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Đền Ông Hoàng Mười sẽ là điểm du lịch tâm linh đầy ý nghĩa đối với du khách trong chuyến hành trình“Về nguồn và khám phá vẻ đẹp xứ Nghệ” năm 2020.