29/03/2024 lúc 13:00 (GMT+7)
Breaking News

Đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

VNHN - Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

VNHN - Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, Luật tương trợ tư pháp (TTTP) được ban hành ngày 21/11/2007 và có hiệu lực từ 1/7/2008. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật TTTP đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực tương trợ tư pháp. Việc thực hiện hoạt động TTTP có nhiều chuyển biến, đạt kết quả đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài cũng như hỗ trợ các cơ quan tư pháp nước ngoài giải quyết các vụ việc có liên quan đến cá nhân, tổ chức tại Việt Nam, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các vụ việc dân sự, tạo điều kiện cho các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phát triển, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế…

Tuy vậy, thực tiễn thực hiện Luật TTTP trong những năm qua cũng cho thấy, nhiều quy định của Luật chưa hoàn thiện, còn khoảng trống so với yêu cầu thực tế cần được khắc phục, bổ sung, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quan hệ hợp tác ngày càng đa dạng và hệ thống pháp luật tố tụng dân sự đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, Luật TTTP điều chỉnh cả 4 lĩnh vực là TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù chưa thực sự phù hợp, làm cho Luật cồng kềnh, không có điểm trọng tâm, nhất là khi nội dung của các lĩnh vực không có nhiều gắn kết, tính chất và trình tự, thủ tục thực hiện ở mỗi lĩnh vực rất khác nhau. Điều này cũng làm cho công tác quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật cũng bộc lộ những bất cập, chưa hợp lý. Ngoài ra, sự thiếu gắn kết, chưa đồng bộ và hợp lý của pháp luật tố tụng trong nước liên quan đến TTTP cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự có yêu cầu TTTP.

Yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự tăng gấp hơn 4 lần

Riêng trong lĩnh vực dân sự, các tranh chấp về dân sự, thương mại, lao động và hôn nhân và gia đình phát sinh từ các giao dịch dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài không ngừng tăng nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức và phức tạp về nội dung dẫn đến số lượng yêu cầu TTTP Bộ Tư pháp tiếp nhận và chuyển thực hiện tăng nhanh đáng kể. Vào thời điểm năm 2005, số lượng yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự hàng năm gửi đến Việt Nam và Việt Nam gửi ra các nước trung bình là: 800-1.000 yêu cầu, đến nay số lượng yêu cầu TTTP đã tăng lên 3.000-4.200 yêu cầu/năm (tăng gấp hơn 4 lần) đòi hỏi quy trình thủ tục thực hiện phải được cải cách, rút ngắn và cắt giảm hồ sơ, các khâu trung gian để giảm tải gánh nặng cho các cơ quan thực thi ở trung ương cũng như ở địa phương.

Ngoài ra, thực tiễn đã phát sinh nhiều yêu cầu TTTP để giải quyết các vụ án hành chính (Bộ Tư pháp nhận và chuyển thực hiện nhiều yêu cầu tống đạt giấy tờ trong các vụ án hành chính) nhưng chưa được Luật TTTP tính đến. Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực TTTP cũng đặt ra yêu cầu mới đối với pháp luật trong nước. Những cam kết mới, những bộ quy tắc ứng xử mới với các tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận rộng rãi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết cũng đặt ra yêu cầu pháp Luật TTTP của Việt Nam phải được hoàn thiện, hiện đại hóa để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực này của Việt Nam.

Có thể thấy từ kết quả tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thực hiện Luật TTTP,  những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác TTTP trong lĩnh vực dân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp Luật TTTP trong lĩnh vực dân sự một cách tổng thể, toàn diện.

Chính vì lẽ đó, theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động tương trợ tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới.