24/04/2024 lúc 23:00 (GMT+7)
Breaking News

Đề án 500 trí thức trẻ - nhìn lại chặng đường đã qua

VNHN-Thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500) của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 7 đội viên được phân về 2 huyện Vân Đồn và Cô Tô. Nhìn lại chặng đường Đề án đã qua, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở ...

VNHN-Thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500) của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 7 đội viên được phân về 2 huyện Vân Đồn và Cô Tô. Nhìn lại chặng đường Đề án đã qua, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở ...

Thêm nguồn lực để phát triển nông thôn, miền núi

Thực hiện Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn TTTTN về các xã ở địa bàn 62 huyện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2013 - 2020 (gọi tắt là Đề án 500), sau quá trình tuyển chọn, tháng 7/2015, Sở Nội vụ ra Quyết định phân công 07 đội viên về nhận nhiệm vụ tại huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, Đề án 500 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các xã được bố trí đội viên TTTTN đã bổ sung thêm nguồn nhân lực trẻ, có trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo cơ bản phù hợp với các vị trí công tác được giao. Các đội viên cũng phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH, góp phần thúc đẩy công tác xoá đói, giảm nghèo và xây dựng NTM.

Điều này đã được ghi nhận qua thực tế tại các địa phương. Theo đó, trong quá trình được phân công nhiệm vụ công tác, đội viên TTTTN đã có ý thức chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có lối sông lành mạnh, giản dị, có ý thức phục vụ nhân dân. Trung thực, thẳng thắn cầu tiến, có ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện, lắng nghe ý kiến đóng góp để sửa chữa khuyết điểm.

Các đội viên luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tích cực học hỏi đồng nghiệp, nghiên cứu tài liệu và văn bản phục vụ công việc để công tác tham mưu đạt kết quả cao. Là những trí thức trẻ được đào tạo bài bản, các đội viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên cập nhật các thông tin mới để hoàn thiện các kỹ năng và năng lực của bản thân, đồng thời tích cực, năng động tham gia các phong trào do địa phương tổ chức.

Điển hình như đội viên Bàn Văn Thủy ở xã Thắng Lợi (Vân Đồn) được phân công về địa phương với chức danh công chức Địa chính - nông nghiệp. Bàn Văn Thủy  luôn phát huy tốt vài trò, tham mưu tích cực, hiệu quả cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong nhiều lĩnh vực công tác, được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đã ham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển KT-XH.

Không riêng đội viên Bàn Văn Thủy mà các đội viên TTTTN khi được phân công về các địa phương đã phát huy tốt khả năng, năng lực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công.

Điển hình như đội viên Nguyễn Khuông Khá ở xã Đồng Tiến (Cô Tô) được phân công về địa phương với chức danh công chức địa chính - nông nghiệp. Nguyễn Khuông Khá luôn phát huy tốt vài trò, tham mưu tích cực giúp lãnh đạo xã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã trong các lĩnh vực về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tham gia giải quyêt các thủ tục hành chính, hòa giải tranh châp liên quan tới lĩnh vực được phân công. Hay như đội viên Nguyễn Minh Cường được phân công nhiệm vụ làm cán bộ tư pháp - hộ tịch tại xã Bản Sen (Vân Đồn). Từ khi được bố trí công tác tại xã, đội viên Nguyễn Minh Cường đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó đã tham mưu tích cực cho chính quyền thực hiện hiệu quả công tác tư pháp - hộ tịch bằng việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thông tin, dữ liệu dân cư; tham mưu cho xã thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận "một cửa”.

Cùng với Bàn Văn Thủy, Nguyễn Khuông Khá hay Nguyễn Minh Cường, các đội viên còn lại đang công tác tại huyện Vân Đồn cũng đã và đang phát huy sức trẻ, mạnh dạn tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp mới, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển KT-XH.

Còn đó những băn khoăn, trăn trở

Trong số 7 đội viên, có 5 đội viên được phân công nhiệm vụ công tác địa chính - nông nghiệp; 2 đội viên được phân công nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch.

Quá trình tìm hiểu, có một thực tế là hầu hết các xã được bố trí đội viên TTTTN về công tác đều đánh giá cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ cũng như thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực công tác mà họ được phân công. Trong đó, có 5 đội viên được giới thiệu và cử đi học các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, 2 đội viên được kết nạp Đảng.

Tuy vậy, vẫn còn những băn khoăn, trăn trở. Trong việc thực hiện nhiệm vụ đó là điều kiện cơ sở vật chất ở xã còn thiếu thốn, nguồn ngân sách địa phương hạn chế nên khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Thiếu kinh phí để triển khai thực hiện các chương trình, đề án do đội viên tham mưu, đề xuất. Những băn khoăn trong việc bố trí công tác như thế nào khi kết thúc đề án, nhất là trong  khi Quảng Ninh đang là một trong những tỉnh đi đầu quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế và triển khai Đề án sáp nhập các xã.

Mới đây, Sở Nội vụ Quảng Ninh cũng đã có kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ quy định cụ thể về việc chuyển đội viên Đề án 500 sang công chức cấp xã (đối với những xã còn biên chế chưa sử dụng  hết) sau khi kết thúc Đề án. Trên bình diện lớn hơn, các cơ quan Trung ương và Bộ Nội vụ cũng cần sớm bổ sung thêm các hướng dẫn cụ thể việc quy hoạch, bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ bởi các em đang đảm nhiệm chức danh công chức cấp xã ở đúng chuyên ngành mình đã học và phần lớn đều có mong muốn và nguyện vọng sau khi kết thúc Đề án được tỉnh, huyện bố trí công việc phù hợp để tiếp tục cống hiến./.