26/04/2024 lúc 00:20 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cam sành Hàm Yên

Để tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm Cam sành Hàm Yên với khách hàng tiêu dùng trong và ngoài nước, khẳng định vững chắc thương hiệu Cam sành trên thị trường, UBND huyện Hàm Yên đã đưa ra kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá Thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và tiêu thụ Cam sành Hàm Yên.

Để tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên với khách hàng tiêu dùng trong và ngoài nước, khẳng định vững chắc thương hiệu cam sành trên thị trường, UBND huyện Hàm Yên đã đưa ra kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và tiêu thụ cam sành Hàm Yên.

Chỉ dẫn địa lý – khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm

Năm 2012, cam sành Hàm Yên được công nhận thuộc 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Năm 2013, lọt vào Top 10 thương hiệu nổi tiếng Việt Nam. Và năm 2015, cam sành Hàm Yên trở thành Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.

Trước những tiềm năng và lợi thế phát triển cây cam sành trên địa bàn huyện Hàm Yên, và mong muốn nâng cấp bậc cho thương hiệu cam sành Hàm Yên – nâng cao giá trị, nâng cao đời sống cho nông dân. Năm 2017 các ban ngành, địa phương huyện Hàm Yên chú tâm thực hiện Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho “cam sành Hàm Yên” phối hợp cùng với các cơ quan sở, ban, ngành triển khai thực hiện.

Không phụ sự kỳ vọng của người dân, năm 2020 sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ký quyết định công nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý. Việc nhận được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện đời sống của bà con nông dân. Thương hiệu sản phẩm ngày một lan tỏa, tạo ra được vị thế canh tranh đối với các mặt hàng khác.

Sản phẩm cam sành Hàm Yên vinh dự được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết “đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Có chỉ dẫn địa lý, cam sành Hàm Yên sẽ được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc nhận biết sản phẩm, đặc biệt sẽ giúp cam sành Hàm Yên có cơ hội cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Từ đó, tạo tiền đề, quảng bá sản phẩm đến các tỉnh thành trong cả nước và hướng tới đưa sản phẩm cam xuất khẩu tới các nước Đông Nam Á”.

Xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường

Về phát triển thị trường, Hàm Yên hướng tới tập trung phát triển thị trường tiềm năng là thị trường các tỉnh miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên. Cụ thể, sản phẩm sẽ tập trung vào các thành phố lớn, người dân có thu nhập trung bình trở lên đặc biệt là nơi có thương mại, du lịch phát triển, những vùng có khu công nghiệp.

Đối với thị trường xuất khẩu, cần xây dựng những chiến lược phát triển để dần tiến tới đáp ứng các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cam của các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Trung Quốc là các nước không có những sản phẩm cam sành đặc trưng như Hàm Yên. Bên cạnh đó, xây dựng và áp dụng những quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn trong trồng và thu hoạch. Đó là hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu cam. Khớp nối các nhà xuất khẩu Việt Nam với các Tổ hợp tác/HTX, nhóm hộ sản xuất, cơ sở thu mua lớn tại Hàm Yên.

Song song với đó, tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kết nối thông tin thị trường. Triển khai hội chợ, mở các đại lý phân phối tại các chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm và hoàn thiện kênh phân phối. Ngoài ra, tăng cường thiết lập kênh phân phối, tổ chức đoàn đi gặp gỡ tiếp xúc với các đại lý tại các chợ đầu mối nông sản tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và các tỉnh Tây Nguyên.

Về nhóm thị trường tiềm năng tiêu thụ, sản phẩm cam sành Hàm Yên dự kiến mở rộng khai thác thị trường miền Trung. Chú trọng tại các chợ đầu mối từ thành phố Vinh vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các chợ đầu mối các tỉnh Giáp biên giới để mua bán mậu biên theo đường tiểu ngạch với nước Lào như tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Cùng với đó, tại thị trường miền Nam, Tây nguyên trọng tâm là chợ đầu mối Thủ Đức - nơi cung cấp sản phẩm cho các chợ của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Các chợ đầu mối nông sản Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng và Chợ Nông sản tỉnh Kon Tum.

Về công tác thực hiện, UBND Hàm Yên nói chung và UBND các xã cùng trồng cam nói riêng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên. Vận động hộ sản xuất, kinh doanh cam thực hiện sản xuất cam an toàn, kinh doanh đảm bảo chất lượng. Đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm (VietGAP), hữu cơ chuyển đổi, nâng cao giá trị và thương hiệu cam sành Hàm Yên.

Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh cam sành trên địa bàn xã. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 31/10/2019 của Ủy ban nhân huyện Hàm Yên về Kế hoạch phát triển bền vững cây cam sành Hàm Yên, giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến năm 2030. Yêu cầu tập trung xây dựng các giải pháp thực hiện hiệu quả.

Cam Hàm Yên có mùi thơm đặc trưng của tinh dầu cam, trọng lượng quả từ 280,41 gram đến 344,89 gram, đường kính quả từ 8,04 cm đến 9,20 cm, chiều cao quả từ 6,08 cm đến 7,80 cm (ảnh: Thanh Nhàn)

Với thế mạnh sẵn có, cùng những định hướng rõ ràng cho kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu tiêu thụ sản phẩm, hứa hẹn rằng sản phẩm cam sành Hàm Yên trong thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều thành công. Từ đó, từng bước mang thương hiệu cam sành vùng cao đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước./.