29/03/2024 lúc 03:52 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh cuộc vận động 'Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt'

VNHNO Ngày 12/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

VNHNO Ngày 12/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Toàn cảnh của Hội thảo

Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cùng Ban chỉ đạo cuộc vận động, đại diện các DN, doanh nhân Việt Nam...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, sau gần 10 năm thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được các cấp, ban ngành, các DN và tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Bước đầu đã đạt được nhiều thành công, góp phần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt, khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực kinh doanh, phân phối của các DN và doanh nhân Việt Nam.

Ông Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, qua 9 năm thực hiện, Cuộc vận động đã giúp người Việt có niềm tin và sự quan tâm mua sắm những sản phẩm, thương hiệu Việt hơn, Đồng thời giúp các DN Việt Nam có động lực phát triển sản xuất kinh doanh hơn. Hiện nay, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong thị trường và có đến 90% hàng hóa được sản xuất trong nước.

Ông Hầu A Lềnh cho rằng, Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước, sức mua sắm hàng hóa Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào nền kinh tế, xã hội, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại.

Hiện có hơn 600 nghìn DN đang hoạt động, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm 98% cho thấy, DN Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải xã hội, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp trên 60% vào GDP cả nước. Ngày càng có nhiều DN, doanh nhân tiêu biểu khẳng định uy tín, thương hiệu không chỉ trong nước mà còn ra toàn thế giới.

TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, sự liên kết giữa các DN nhỏ và vừa Việt Nam còn yếu, đặc biệt ít liên kết với những DN có quy mô lớn hơn. Đặc biệt, các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn ngủi, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ... Vì vậy, rất khó có thể dẫn dắt các DN Việt tham gia chuỗi sản xuất, giá trị trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về phát triển DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, bổ sung thêm nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo quy định của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tăng cường kết nối DN các vùng miền, thúc đẩy và chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nâng cao năng lực quản lý, quản trị.

Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành nhằm tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó có thể bảo vệ các DN làm ăn chân chính, phát huy vai trò của DN trong sản xuất và tiêu thụ hàng Việt./.