29/03/2024 lúc 16:29 (GMT+7)
Breaking News

Đấu giá tài sản: Xử lý quyết liệt sẽ không có 'thông đồng, dìm giá'

Để khắc phục vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường quản lý nhà nước liên quan đến công tác này với các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu cụ thể.

Để khắc phục vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường quản lý nhà nước liên quan đến công tác này với các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu cụ thể.

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Ảnh: VGP

Vẫn còn tình trạng "sân sau", "thông đồng, dìm giá" trong đấu giá tài sản

 

Báo cáo chuyên đề của Bộ Tư pháp về lĩnh vực bán đấu giá tài sản tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022 diễn ra ngày 21/12 vừa qua cho biết: Đến tháng 11/2021, cả nước có hơn 1.000 đấu giá viên, gần 500 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 59/63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã tổ chức thành công nhiều cuộc đấu giá với giá trị tài sản được bán cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu ngân sách Nhà nước đạt hiệu quả cao.

Công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản đã hạn chế các bất cập, vướng mắc, sai phạm liên quan, tạo sự minh bạch, công khai trong đấu giá tài sản, xử lý các hành vi vi phạm.

Sở Tư pháp nhiều địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, kiểm soát hoạt động đấu giá của các tổ chức, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xem xét hủy kết quả đấu giá và đề nghị cơ quan công an xử lý theo quy định.

“Thực tiễn thời gian qua cho thấy, địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản, sự vào cuộc và xử lý quyết liệt, kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa”, báo cáo của Bộ Tư pháp nhận định.

Chỉ rõ nguyên nhân những hạn chế thời gian qua, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm của tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, chênh lệch quá lớn theo giá thị trường, thậm chí kết quả định giá tài sản của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất.

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn. Việc người có tài sản giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí buông lỏng, dẫn đến không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Tình trạng “thông đồng”, “dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá, tình trạng doanh nghiệp hoặc cá nhân “bảo kê” cho các băng nhóm “xã hội đen” có hành vi đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá có giảm nhưng vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, anh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Trong khi đó, tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%), nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình một số nước phát triển, dẫn đến nguy cơ bị trục lợi. Tài sản thuộc cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 0,06% so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.

Chỉ rõ việc này, Bộ Tư pháp cho rằng, việc “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “đe dọa, cưỡng ép” diễn ra tinh vi, ngày càng phức tạp, khó phát hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá còn “cả nể”, “nương tay”, răn đe chưa cao. Ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia đấu giá…

Trước tình hình trên, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương phải thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Thông tư về lựa chọn tiêu chí tổ chức đấu giá tài sản tạo cơ sở cho người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá một cách công khai, minh bạch, hạn chế “sân sau”, tiêu cực trong hoạt động này.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt sửa đổi quy định về hình thức đấu giá trực tuyến, hệ thống đấu giá trực tuyến quốc gia trong Nghị định số 62/NĐ-CP, bảo đảm thông tin đấu giá được đăng tải công khai, khách quan, minh bạch. Chú trọng chất lượng thanh tra, kiểm tra và hoạt động của các tổ chức đấu giá.

Sở Tư pháp các địa phương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động đấu giá, trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản, người có tài sản. Nghiên cứu thành lập các đoàn giám sát, tổ theo dõi thường xuyên, đột xuất để tăng cường giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá, thí điểm đấu giá trực tuyến đối với các tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp.