20/04/2024 lúc 19:56 (GMT+7)
Breaking News

Dấu ấn ngoại giao Việt Nam trong năm 2021

Năm 2021 là năm quan hệ quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, bằng sự sáng tạo và linh hoạt, ngành ngoại giao Việt Nam đã có sự thay đổi nhằm thích ứng, vượt qua khó khăn và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Năm 2021 là năm quan hệ quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, bằng sự sáng tạo và linh hoạt, ngành ngoại giao Việt Nam đã có sự thay đổi nhằm thích ứng, vượt qua khó khăn và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Không thể phủ nhận một điều, công tác đối ngoại đã và đang góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế của Việt Nam và từng bước khẳng định uy tín trên trường quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần khẳng định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2020-2030 về lĩnh vực đối ngoại rằng: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Ảnh: TTXVN

Kế thừa và tiếp nối 

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Trong Nghị quyết này có nhiều điểm quan trọng về hoạt động đối ngoại.

Theo PGS. TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Các hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm vừa qua giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, vì mục tiêu tối thượng là đảm bảo lợi ích quốc gia và dân tộc. Lợi ích quốc gia và dân tộc của Việt Nam luôn luôn được xác định dựa trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trên cơ sở hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi”.
Dự báo tình hình khu vực và quốc tế sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, việc phát huy tính kế thừa của đường lối đối ngoại Đại hội XIII càng khẳng định tính đúng đắn và thức thời.

N.L.Minh, chuyên viên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), nhà quan sát chính trị, chia sẻ: “Về mặt kế thừa, ngoại giao Việt Nam trong năm 2021 vẫn nhất quán với chính sách ngoại giao của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đó là đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương trên mọi phương diện đi kèm với bảo vệ lợi ích cốt lõi của Việt Nam, đặc biệt về chủ quyền quốc gia. Điều này đã được thể hiện qua sự hiện diện của tiếng nói Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Hội nghị về biến đổi khí hậu COP26, Hội nghị cấp cao ASEAN, cũng như lịch công tác ngoại giao dày đặc và trải rộng của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam”.

Theo ông N.L.Minh, các hoạt động ngoại giao của Việt Nam năm nay được lên kế hoạch và thực hiện bài bản khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần lượt có các chuyến công du nước ngoài, từ các diễn đàn đa phương đến các đối tác và bạn bè truyền thống như Nga, Trung Quốc, Cuba và Lào, hay khối phương Tây như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước lớn khác như Ấn Độ: “Xuyên suốt trong các hoạt động ngoại giao, phía Việt Nam luôn nhất quán một số thông điệp nhất định liên quan đến lợi ích của Việt Nam, cụ thể như: Đề nghị đối tác hỗ trợ cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, viện trợ, hợp đồng; đề nghị đối tác ủng hộ đường lối của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, cụ thể là giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua nguyên tắc hòa bình, đa phương, giữ nguyên hiện trạng, tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); đề nghị đối tác trong khối EU ủng hộ, vận động EU bỏ thẻ vàng về thủy sản với Việt Nam”.

Ông N.L.Minh cũng cho rằng, về mặt tiếp nối, hoạt động ngoại giao Việt Nam trong năm 2021 có sự phát triển vượt bậc về cả cường độ, chiều rộng lẫn chiều sâu: “Về cường độ, có thể nhắc lại chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76. Trong một vài ngày ngắn ngủi, ngoài việc tham gia các hoạt động chính cũng như bên lề, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao. Điều này cũng được lặp lại trong các chuyến thăm khác của lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Về chiều rộng, có thể thấy rõ trong hoạt động ngoại giao vaccine của Việt Nam. Trong năm 2021, các cấp lãnh đạo Việt Nam thực hiện rất nhiều và liên tục các hoạt động ngoại giao vaccine trên mọi mặt trận và mọi lúc, mọi nơi”.

Ông N.L.Minh nhấn mạnh: “Trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngoài các buổi làm việc chính thức với đồng cấp phía Nhật Bản, phái đoàn Việt Nam cũng tổ chức nhiều buổi trò chuyện, thăm hỏi với các cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo, Suga Yoshihide và nhiều cựu quan chức Nhật Bản khác. Dù không đương chức, các nhân vật này vẫn nắm giữ ảnh hưởng quan trọng trong bộ máy chính trị Nhật Bản và có thể hỗ trợ Việt Nam qua tác động với bộ máy lãnh đạo đương nhiệm. Dù việc gặp gỡ để vận động hành lang như thế này không phải mới, nhưng trong năm 2021, phía Việt Nam đã tập trung vào vấn đề này nhiều hơn, cũng như nêu bật tầm quan trọng của việc vận động chính sách qua các nhân vật có ảnh hưởng trong các bản tin, tuyên bố công khai”.

Ngoại giao “Cây tre” phát huy “sức mạnh mềm”

Thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực và chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, giúp Việt Nam nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Đây là những điểm lớn được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII và được thể hiện qua các hoạt động rất cụ thể. PGS. TS Phạm Minh Sơn nêu rõ: “Với vị thế và uy tín của mình, Việt Nam đã được bạn bè thế giới trong LHQ tín nhiệm để bầu vào một loạt cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội đồng chấp hành UNESCO, Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU), tái đắc cử vị trí trong Ủy ban Lập pháp Quốc tế của LHQ. Đây là những điểm thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động của LHQ”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38-39 cũng như các Hội nghị cấp cao của ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ… Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á...

Đặc biệt, Việt Nam đã tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26). Tại đây, Việt Nam có những cam kết rất mạnh mẽ và ý kiến rất trách nhiệm về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, ví dụ như đề xuất của Việt Nam về tăng trưởng ít khí thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn… Đây là những điểm góp phần vào thành công của Hội nghị COP26.

Tất cả hoạt động tích cực nêu trên là minh chứng rõ nét cho trường phái ngoại giao “Cây tre” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vừa qua.

Đánh giá về trường phái ngoại giao đặc sắc và đặc sắc của Việt Nam, PGS. TS Phạm Minh Sơn tâm đắc: “Hình ảnh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng so sánh công tác đối ngoại với hình ảnh cây tre tôi thấy rất đúng, chính xác, rất hình tượng, gắn liền với dân tộc Việt Nam. Cây tre bình thường trông rất mỏng manh, nhưng thân tre rất dẻo dai. Đặc biệt, rễ tre bám rất chắc biểu tượng cho cội nguồn của ngoại giao Việt Nam bám chắc, sẵn sàng vượt qua thách thức của giông bão. Một điểm nữa là cây tre không bao giờ đứng một mình, luôn đứng một khóm. Đây cũng rất giống hoạt động đối ngoại của Việt Nam, không chỉ là một cá nhân đơn lẻ mà là hoạt động của cả đất nước, cả dân tộc”.

PGS. TS Phạm Minh Sơn khẳng định, đây là sự kết hợp hoạt động ngoại giao trên 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo thành tổng thể hoạt động chung, đứng vững trước phong ba bão táp, lúc nào cũng vươn thẳng thể hiện khát vọng và tầm nhìn của đất nước.

Phát huy tiềm lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Như nhận xét của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa của Việt Nam trong những năm qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ bền chặt dựa trên lòng tin, tính chính trực, sự ủng hộ và sức ảnh hưởng.

Bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ đối ngoại làm bạn, làm đối tác hết sức có thể. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2021, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội lần lượt có các chuyến công du nước ngoài, đem lại kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao và củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Những chuyến thăm này giúp tăng cường quan hệ đa phương và song phương của Việt Nam với các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế. PGS.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh: “Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Liên bang Nga góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều chịu tác động của đại dịch COVID-19 cũng như đứng trước thách thức lớn về vấn đề an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 giờ mang tính lịch sử giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện được sự chia sẻ quan điểm cũng như mong muốn giữa hai nước trong việc thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga”.

Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng phát triển theo chiều rộng, phục vụ đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển.

Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại

Tại Hội nghị ngoại giao toàn quốc lần thứ 31 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao về đội ngũ cán bộ ngoại giao có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

PGS. TS Phạm Minh Sơn cũng cho rằng, thách thức cho ngành ngoại giao trong thời gian tới vẫn còn rất lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tác động sâu rộng đến mọi hoạt động: “Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với công tác đối ngoại, đồng thời, khẳng định được vị thế của hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong sự phát triển chung của đất nước. Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để xây dựng ngành ngoại giao phát triển một cách toàn diện, hiện đại và vững mạnh theo đúng tinh thần của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đã đặt ra. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là xây dựng yếu tố con người trong lĩnh vực đối ngoại, nhấn mạnh đến việc xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức để ngang tầm với khu vực và quốc tế”.

Ngoài ra, cũng cần tích cực tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng làm công tác đối ngoại, nhất là giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao và các ngành khác; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và dự báo chiến lược. Theo PGS. TS Phạm Minh Sơn, đây là lĩnh vực vẫn cần được cải thiện trong công tác đối ngoại.

Nhằm nâng cao vị trí trên trường quốc tế, đặc biệt tại các tổ chức đa phương như LHQ, ông N.L.Minh đề xuất: “Trong tương lai, Việt Nam cần giữ vững và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động ngoại giao như hiện nay, đặc biệt với LHQ. Việt Nam có thể đạt thêm nhiều thành công hơn nữa khi thực hiện ngoại giao theo chiều sâu, thông qua các kênh không chính thức như quan hệ cá nhân và hợp tác chặt chẽ hơn với đội ngũ chuyên viên, chuyên gia, nhân viên chính thức người Việt hiện đang làm việc trong hệ thống LHQ”.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới cùng với những biến chuyển sâu sắc của tình hình thế giới đang đặt ra yêu cầu về mở rộng nội hàm, lĩnh vực hoạt động của ngành ngoại giao. Nhận thức được lợi thế, xác định được thách thức, ngành ngoại giao chắc chắn sẽ phát huy thế mạnh của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực./.