29/03/2024 lúc 00:40 (GMT+7)
Breaking News

Ðất lửa hồi sinh

VNHNO - 50 năm đã qua, những dấu tích tàn phá của chiến tranh dần lùi vào quá khứ, vùng đất huyền thoại Ðồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã và đang vươn lên mạnh mẽ bằng khát vọng, ý chí của bao thế hệ người dân nơi đây. Những đồi cam trĩu quả, những con đường rải nhựa thênh thang trải dài kết nối các trung tâm thương mại, dịch vụ ở miền Trà Sơn như tô thêm vẻ sầm uất, vững chãi cho đô thị mới Ðồng Lộc...

VNHNO - 50 năm đã qua, những dấu tích tàn phá của chiến tranh dần lùi vào quá khứ, vùng đất huyền thoại Ðồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã và đang vươn lên mạnh mẽ bằng khát vọng, ý chí của bao thế hệ người dân nơi đây. Những đồi cam trĩu quả, những con đường rải nhựa thênh thang trải dài kết nối các trung tâm thương mại, dịch vụ ở miền Trà Sơn như tô thêm vẻ sầm uất, vững chãi cho đô thị mới Ðồng Lộc...

Ðồng Lộc thay áo mới

Ngã ba Ðồng Lộc, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Dẫn chúng tôi đi trên quốc lộ 15A, đồng chí Trần Ðình Vương, Bí thư Ðảng ủy xã Ðồng Lộc (Can Lộc) cho biết: Vào thời điểm ác liệt nhất, Mỹ ném bom đánh phá miền bắc (1965-1968), Ngã ba Ðồng Lộc là nơi luôn phải hứng chịu các loại bom nặng nhất của Mỹ; quốc lộ 15A là “yết hầu” trên tuyến đường từ bắc vào nam. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh ba quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm (từ tháng 3 đến 10-1968), không quân địch đã trút xuống mảnh đất này 48.600 quả bom các loại. Hòa bình lập lại, cùng với việc khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, xã Ðồng Lộc tập trung cải tạo đồng ruộng, hệ thống thủy lợi, san lấp hố bom, khơi sức dân ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, những ngọn đồi cằn trơ sỏi đá, cánh đồng chi chít hố bom năm xưa đã được phủ xanh bởi những đồi cam trĩu quả, cánh đồng sản xuất thâm canh cho năng suất cao.

Ðồng Lộc thuộc nhóm xã điểm được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cuối năm 2014, đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Xuất phát từ vai trò, vị trí và tiềm năng của xã Ðồng Lộc, đầu năm 2015, Ðại hội Ðảng bộ huyện và Ðảng bộ xã Ðồng Lộc nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa ra mục tiêu, xây dựng Ðồng Lộc trở thành đô thị loại 5 vào năm 2018. “Theo nguyên lý, sau khi cơ bản đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng NTM, quá trình xây dựng đô thị sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, do những hạn chế, bỡ ngỡ trong nhận thức, phương pháp tổ chức, thực hiện cho nên trong hai năm đầu, tiến độ xây dựng đô thị bị chững lại” - đồng chí Trần Ðình Vương cho biết.

Nhận thấy những khó khăn trong quá trình thực hiện, cùng với việc ưu tiên, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ xã Ðồng Lộc xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, UBND huyện Can Lộc cử một Phó Chủ tịch UBND huyện về trực tiếp chỉ đạo, bám nắm địa bàn, cùng với địa phương tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ. “Mảnh đất Ðồng Lộc từng chịu nhiều mất mát, tổn thương trong chiến tranh, cho nên các tổ chức, cá nhân luôn hướng về nơi đây với nhiều hoạt động tri ân thiết thực. Vì vậy, xã chủ động vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng đón các dự án lớn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết.

Theo đồng chí Nguyễn Công Bình, Bí thư chi bộ thôn Tùng Liên (Ðồng Lộc): Khi xây dựng NTM, người dân sẵn sàng hiến đất, hiến tài sản, mở đường rộng từ 3m lên 5m rồi 7m. Nay, địa phương xây dựng đô thị, người dân chẳng nề hà, tiếp tục hiến đất mở đường. Riêng năm 2017, xã Ðồng Lộc đã tổ chức thành công giải phóng mặt bằng 3,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 12.000 m2 diện tích đất ở và công trình phụ trợ của gần 300 hộ dân để triển khai xây dựng trung tâm thương mại, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng với tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng.

Các công trình hạ tầng đô thị được đầu tư, xây dựng không chỉ góp phần mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Tính đến nay, toàn xã có 215 hộ kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực; có chín tổ hợp tác, chín doanh nghiệp, chín hợp tác xã, nâng tỷ lệ lao động tham gia sản xuất ở lĩnh vực phi nông nghiệp lên hơn 60%.

Về Ðồng Lộc hôm nay, tận mắt chứng kiến những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường nhựa rộng thênh thang, phẳng lỳ, xe cộ tấp nập và sự hiếu khách của người dân nơi đây, mới cảm nhận rõ hơn sự đổi thay nơi ngã ba anh hùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Huy Cường, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức của người dân, tháng 10-2017, xã Ðồng Lộc được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại 5, trước một năm so kế hoạch. Trên cơ sở những kết quả đạt được, hướng đến kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ngã ba Ðồng Lộc, tháng 4-2018, HÐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quy hoạch xây dựng thị trấn Ðồng Lộc. Dịp kỷ niệm năm nay, Ðảng bộ, nhân dân xã Ðồng Lộc đón nhận thêm tin vui khi ngày 11-7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề án thành lập thị trấn Ðồng Lộc.

Rốn bom B52 tại thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) năm xưa, giờ trở thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Xanh lên vùng đất lửa

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất “bom cày, đạn xới” năm xưa đang đổi thay từng ngày. Những ngày tháng bảy rực rỡ nắng vàng, đi học dãy Trà Sơn, hai bên cung đường 15A với những đồi cam đẹp ngỡ ngang, những ngôi nhà cao tầng khang trang…, mới thấy sức sống bất diệt của đất và người nơi đây. Ðón chúng tôi trong khu vườn mẫu vừa đạt giải A cuộc thi Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tỉnh Hà Tĩnh, trưởng thôn Sơn Bình (xã Thượng Lộc) Nguyễn Ðình Anh cho biết: Trước đây, do vết tích chiến tranh để lại, vùng đất này rất hoang vu, ban đầu chỉ có khoảng 30 hộ dân di cư từ vùng sâu lụt lội lên lập nghiệp. Những hộ gia đình đi trước hỗ trợ các gia đình lên sau san lấp hố bom, cải tạo vườn tạp. Sẵn có tiềm năng về đất vườn, người dân nơi đây hào hứng tiếp nhận phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.

Ðến nay, tất cả các vườn hộ của thôn được quy hoạch theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhờ đó, chuỗi sản phẩm cam, chanh, bưởi và trồng xen một số rau màu, kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, bình quân mỗi vườn cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Không chỉ lo phát triển kinh tế, người dân Sơn Bình còn duy trì, nhân lên lối sống nghĩa tình, đoàn kết gắn bó. Với phương châm “nhà sạch thì đường phải sạch”, việc sắp xếp, bố trí các công trình phụ trợ, công trình chăn nuôi phù hợp, bảo đảm mỹ quan và môi trường của gia đình, cộng đồng đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi người dân.

Ðến thăm trang trại của chị Nguyễn Thị Hiền, ở xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, chúng tôi cảm nhận rõ quyết tâm vượt qua đói nghèo của người dân nơi đây. Chị Hiền kể: Sau nhiều năm trăn trở, thử nghiệm, tìm kiếm loại cây trồng, vật nuôi, từ mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập thấp, năm 2005, gia đình chị chuyển hướng sang độc canh cây cam, hằng năm đầu tư thâm canh, cải tạo mở rộng diện tích. Tính đến cuối năm 2017, tổng diện tích trồng cam đã lên tới 1,5 ha, sản lượng đạt khoảng 17 tấn, doanh thu khoảng một tỷ đồng; sau khi trừ chi phí, lãi ròng hơn 500 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Chuân cho biết: Từ những mô hình thành công như chị Nguyễn Thị Hiền, hiện tất cả các hộ dân ở Thượng Lộc chuyển hướng sang chuyên canh cây cam, bưởi, trong đó phần lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao. Toàn xã hiện có 150 ha diện tích đất trồng cam, thu nhập bình quân 600 triệu đồng/ha/năm. Ðể tạo đầu ra cho sản phẩm, xã đã xây dựng thành công thương hiệu cam Thượng Lộc, nhờ thế, sản phẩm được bao tiêu với giá cả ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Võ Hữu Hào cho biết thêm, với gần 3.000 ha đất đồi bãi và gần 4.000 ha đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc có cơ sở để phát triển vườn cam truyền thống và giống bưởi Phúc Trạch. Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích cam, bưởi đạt hơn 1.000 ha, tạo thành vùng chuyên canh sản phẩm chủ lực.

Các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại đây như: cam, chanh và bưởi Phúc Trạch, hồng vuông, bước đầu đem lại thu nhập cao cho một số hộ dân có trình độ thâm canh và chú trọng đầu tư ở các xã: Thượng Lộc, Ðồng Lộc, Sơn Lộc… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục ban hành, thực hiện đồng bộ các chính sách đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, xây dựng mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ.

Theo Báo Nhân Dân