24/04/2024 lúc 07:16 (GMT+7)
Breaking News

Đánh thức tiềm năng du lịch trên mảnh đất Hưng Yên

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên đứng thứ 3 cả nước về hệ thống di tích lịch sử dày đặc, cùng dấu ấn về thương cảng Phố Hiến sầm uất và một vùng nông nghiệp trù phú.

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên đứng thứ 3 cả nước về hệ thống di tích lịch sử dày đặc, cùng dấu ấn về thương cảng Phố Hiến sầm uất và một vùng nông nghiệp trù phú.

Chùa Nôm - ngôi chùa cổ kính 500 tuổi trên đất Văn Lâm

Mê hoặc bởi vẻ cổ kính, trầm mặc

Về Hưng Yên, người ta dường như lạc vào một không gian cổ tích mà ở đó, có truyền thuyết ngọt ngào, thi vị cùng nhiều đình, đền lưu dấu ấn về câu chuyện tình lãng mạn của một trong tứ bất tử Việt Nam – thánh Chử Đồng Tử. Điều đặc biệt, những di tích lịch sử này vẫn giữ được nguyên trạng với kiến trúc bề thế, hệ thống tượng cổ tô, đắp tinh tế và quý giá. Đền hóa Dạ Trạch, đền Đa Hòa mang vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm là những minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn và mê hoặc lòng người.

Hưng Yên nằm ở cửa ngõ Thủ đô, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nơi có tới 1.802 di tích, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thái Lạc), 3 bảo vật quốc gia, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích, cụm di tích cấp tỉnh, những lợi thế này, Hưng Yên có tiềm năng lớn để xây dựng du lịch lễ hội tâm linh.

Thêm vào đó, Hưng Yên xưa còn nổi tiếng với thương cảng Phố Hiến lớn nhất Đàng Ngoài thế kỷ 16-17, cùng hệ thống 23 phố, phường. Đây thực sự là mảnh đất mang đậm trong mình những truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc với rất nhiều tài nguyên để phát triển du lịch như các làng nghề, các lễ hội truyền thống vào dịp đầu năm, hát trống quân, hát ả đào…

Đáng tiếc, việc khai thác du lịch của Hưng Yên đến nay chưa tốt, những tiềm năng vẫn đang “ngủ quên”, nên địa phương chưa có tên trong bản đồ du lịch văn hóa – lịch sử điển hình của miền Bắc.

Theo ý kiến đóng góp của các các doanh nghiệp du lịch tại Hội nghị “Xúc tiến điểm đến và kích cầu du lịch tỉnh Hưng Yên năm 2020”, UBND tỉnh nên tập trung khai thác du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, kết hợp du lịch: tâm linh, làng nghề, cộng đồng, khôi phục thương hiệu thương cảng Phố Hiến…

Ở góc độ là người trực tiếp xây dựng các sản phẩm du lịch, bà Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Du lịch Nội địa Vietrantour cho rằng: “Tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đặc biệt là cung cấp cho các đơn vị lữ hành thông tin về điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, các tuyến, điểm du lịch có thể liên kết trong một ngày để các hãng lữ hành đưa vào tour cho phù hợp”.

Với quan điểm của mình, bà Nghiêm Thúy Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại AADASIA, nêu ý kiến: Hưng Yên nên cố gắng giữ lại các nét cổ kính khi tiến hành bảo tồn di tích, phải giữ bằng được yếu tố truyền thống.

Xây dựng Phố Hiến trở thành khu du lịch quốc gia

Báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hưng Yên cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch trong giai đoạn 2015-2019 là từ 10-15%. Năm 2019, Hưng Yên đón khoảng 1 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 220 tỷ đồng. Trong số hơn 1 triệu khách năm 2019, chỉ có trên 20.000 khách quốc tế. Nhìn chung, du lịch Hưng Yên phát triển còn manh mún, chưa xứng với tiềm năng.

Chùa Phúc Lâm- ngôi chùa dát vàng

Trước thực trạng trên, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao nỗ lực, sự chủ động, tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động của tỉnh Hưng Yên. Song, theo ông Siêu: “Hưng Yên rất giàu tài nguyên du lịch nhưng chưa được khai thác nhiều. Tỉnh cần thu hút các nhà đầu tư, làm sao để có nhiều điểm đến, sản phẩm mới, đặc sản hấp dẫn; tạo chuỗi liên kết giữa các điểm đến trong vùng với nhau và với các tỉnh, thành khác, đặc biệt là với các hãng lữ hành. Cần sớm xây dựng Phố Hiến trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành “Hội An thứ hai” Việt Nam. Tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến hơn nữa để thu hút cũng như hấp dẫn để du khách lưu lại lâu, sử dụng nhiều dịch vụ, có nhiều cảm hứng hơn”.

Còn theo ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc công ty Du lịch Travelogy Việt Nam: “Hưng Yên có lợi thế khi rất gần thị trường nguồn Hà Nội, nằm trên tuyến đường từ Hà Nội đi vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà, do đó việc các hãng lữ hành thiết kế tour nghỉ 1 đêm ở Hưng Yên trước tới những điểm còn lại là rất khả thi. Dù vậy, hiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mảng lưu trú ở Hưng Yên còn rất hạn chế, với vài khách sạn đáp ứng tiêu chuẩn 3-4 sao”.

Ông Vũ Văn Tuyên cũng góp ý thêm: Hưng Yên là vùng đất nông nghiệp có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, cộng đồng nhưng địa phương chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch tốt. Cần tạo ra các sản phẩm phụ trợ đi kèm như các sản phẩm dinh dưỡng từ cam, mứt cam, hay các sản phẩm làm đẹp, massage da mặt từ cam… để hấp dẫn thêm du khách./.