29/03/2024 lúc 11:43 (GMT+7)
Breaking News

Đại tá, TS. Nguyễn Tiến Dũng: 'Tôi đi chậm nhưng tôi đi suốt đời'

VNHN - 'Tôi đi chậm nhưng tôi đi suốt đời' - là câu danh ngôn mà Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) coi đó là “kim chỉ nam” cho mọi hành động và quyết định của mình.  Khi gặp anh, tôi hiểu hơn về con người, công việc và tâm huyết của một người lính cụ Hồ trong thời bình. Anh đủ để tôi nhận ra rằng, cuộc hành trình suốt đời ấy cần lắm sự năng động, sự quyết đoán và cả một tình yêu vô cùng với Tổ quốc, quê hương.

VNHN - 'Tôi đi chậm nhưng tôi đi suốt đời' - là câu danh ngôn mà Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) coi đó là “kim chỉ nam” cho mọi hành động và quyết định của mình.  Khi gặp anh, tôi hiểu hơn về con người, công việc và tâm huyết của một người lính cụ Hồ trong thời bình. Anh đủ để tôi nhận ra rằng, cuộc hành trình suốt đời ấy cần lắm sự năng động, sự quyết đoán và cả một tình yêu vô cùng với Tổ quốc, quê hương.

“Chất lính”- mạch nguồn nuôi dưỡng tí tuệ và tâm hồn

Ngay từ câu chuyện mở đầu, đại tá, TS Nguyễn Tiến Dũng đã ân cần bộc bạch: “Thời bình nhớ mài gươm, thời loạn cần đọc sách”. Ông bảo, chính trong thời bình người lính luôn phải xác định nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Là người lính, chúng tôi luôn xác định là Tổ quốc gọi chúng tôi lên đường trong bất kỳ tình huống nào, nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Cái này không nói bằng khẩu hiệu, bằng lời mà phải được thấm nhuần vào trái tim, trí óc của mỗi người lính và bằng công việc hàng ngày. Trong thời bình, người lính có điều kiện để thể hiện rất nhiều vai trò của mình, nhiều việc mà mình sẽ làm ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Đó là tiên phong trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, như ở đơn vị chúng tôi Bệnh viện 354 - những người lính mang trên mình màu áo bờ-lu trắng không ngừng học tập nghiên cứu trau dồi kiến thức y khoa, đào tạo chuyên môn, hậu cần vững mạnh, cải tiến kỹ thuật tiên phong trong lĩnh vực y học, khoa học nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Sự “thấm nhuần vào trái tim, trí óc” mà TS Nguyễn Tiến Dũng nhắc đến, với anh có lẽ bắt đầu từ nền tảng gia đình mà anh luôn coi đó là sự may mắn to lớn của cuộc đời mình. Bởi bố anh là nhà giáo quân đội, nên ngay từ nhỏ, “chất lính” dường như đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn cậu bé Dũng từ thơ bé. Cậu bé ấy đã có tính tự lập, tự giác nên trong bất cứ môi trường học tập nào, cậu đều là học sinh giỏi nổi bật của trường. Ảnh hưởng rất nhiều từ bố nên tốt nghiệp THPT, cậu đã quyết định thi vào trường Sỹ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) và đậu thủ khoa. Quá trình học tập, rèn luyện tại trường, anh luôn là học viên giỏi toàn diện, nhiều lần được nêu gương.

Tốt nghiệp loại giỏi, anh là một trong số ít học viên được phong quân hàm trung uý. Và thậm chí, sau khi ra trường, anh được điều chuyển qua nhiều cương vị công tác khác nhau mà cương vị nào cũng đòi hỏi ở người sĩ quan trẻ tuổi ấy những phẩm chất đặc biệt của người thủ lĩnh, phù hợp với những công việc đòi hỏi sự táo bạo, quyết đoán. Nhiều năm trên cương vị được giao, cá nhân Đại tá, TS Nguyễn Tiến Dũng đã có được cho mình "bộ sưu tập" thành tích đáng nể với nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và liên tục được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Thế nhưng, nhắc đến thành công, anh luôn khiếm tốn: “Tất cả những gì tôi có được là nhờ có sự chung tay hợp lực của các cán bộ, nhân viên, sự quan tâm của Đảng ủy, chỉ huy Bệnh viện và cấp trên. Nếu chỉ cá nhân mình sẽ chẳng bao giờ có được những thành quả ấy”. Sự khiêm nhường ấy ở anh càng cho thấy “chất người lính cụ Hồ” thực sự đã hun đúc lên một người lính - một doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng hôm nay.

Những cuộc “thử lửa”

Mỗi môi trường làm việc là một cuộc “thử lửa” giúp người cán bộ hậu cần trẻ tuổi trưởng thành hơn và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý và qua đó cũng  cho thấy bản lĩnh vượt khó của một người lính như anh. Bởi dù ở môi trường nào, Nguyễn Tiến Dũng cũng tạo được những dấu ấn, được cấp trên tin tưởng, đồng đội, cấp dưới khâm phục, yêu mến.

Cơ duyên đến với Bệnh viện Quân y 354 cũng là bởi sự điều động của tổ chức, từ Trưởng ban Hành chính - Hậu cần Viện U bướu - Phóng xạ Quân đội, Nguyễn Tiến Dũng về làm Chủ nhiệm Hậu cần Bệnh viện Quân y 354, năm 2008. Chia sẻ về cảm xúc ngày nhận nhiệm vụ, đại tá Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: Được về công tác tại một Bệnh viện Anh hùng, có truyền thống lâu đời, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy áp lực. Khi nhận bàn giao công việc, nắm bắt khái quát thực trạng công tác hậu cần, tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ, bởi nhận thấy, công tác hậu cần nơi đây hoạt động chưa “xứng tầm” với tầm vóc của Bệnh viện. Nhiều hạng mục doanh trại bị xuống cấp, các bếp ăn của bệnh nhân và nhân viên vắng bóng, tồn đọng kinh phí xây dựng cơ bản từ nhiều năm trước chưa được quyết toán…

Một người lính không ngại khó, không sợ thách thức lại nhìn thấy những bộn bề của công việc nên anh đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ của mình. Tân chủ nhiệm Nguyễn Tiến Dũng quyết định “đột phá” vào khâu tổ chức cán bộ bởi học theo lời dạy của Bác: "Cán bộ là cái gốc của công việc". Những cán bộ có năng lực, tác phong tốt, dù trẻ tuổi, vẫn được anh tin tưởng, giao đảm trách những công việc quan trọng. Cán bộ, nhân viên có biểu hiện lơ là, sao nhãng công việc bị anh nghiêm khắc nhắc nhở, phê bình. Và chỉ sau thời gian ngắn, guồng máy của Ban Hậu cần Bệnh viện đã hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Không chỉ vậy, anh còn tham mưu cho Đảng uỷ, Ban giám đốc Bệnh viện đổi mới hình thức hoạt động của hệ thống căng tin, nhà ăn; xây dựng, cải tạo lại toàn bộ khu khám bệnh, nhà để xe, nhà tắm…rồi đổi mới cách thức quản lý bếp ăn theo hướng công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm ngon, sạch, rẻ hơn so với bên ngoài. Để thu hút lượng người ăn, anh bàn bạc với cán bộ, nhân viên tăng cường đổi mới khâu chế biến thực phẩm, thực hiện bữa ăn tự chọn; đồng thời xin trên đầu tư mới toàn bộ dụng cụ cấp dưỡng, bàn, ghế ăn. Kết quả, từ chỗ thưa vắng khách, đến nay các bếp ăn trong Bệnh viện luôn chật kín người ăn. Nhờ triển khai hệ thống điện ưu tiên, tổ chức lắp đồng hồ đo điện đến từng khoa, ban, hơn mỗi năm, toàn Bệnh viện đã tiết kiệm được gần một tỉ đồng tiền điện, nước.

 Nhờ công sức của người "thuyền trưởng", công tác Hậu cần của Bệnh viện Quân y 354 cũng có được nhiều thành tựu nổi bật so với trước đây. Từ chỗ là cơ quan “thường thường bậc trung”, không có hoạt động, thành tích nổi bật, đến nay, Ban Hậu cần đã trở thành một “điểm sáng” của Bệnh viện, liên tục được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Khi hỏi đại tá Nguyễn Tiến Dũng kể cho tôi nghe về "dự án của cuộc đời" - Dự án xây dựng Bệnh viện Quân y 354  với biết bao gian nan, vất vả, từ những năm 2008 đến nay. Bắt nguồn từ việc Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện có kế hoạch xin cấp trên đầu tư cải tạo khu vực phòng khám cho Bệnh viện, anh đã mạnh dạn tham mưu, đề xuất với cấp trên lập dự án xin đầu tư xây dựng mới toàn bộ Bệnh viện. Đây là một ý tưởng “táo bạo”, khiến không ít người lo ngại tính khả thi. Tuy nhiên, nhận thấy tâm huyết và tầm nhìn chiến lược của anh, Đảng ủy, Ban giám đốc đã tin tưởng giao Ban Hậu cần làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng hồ sơ dự án đệ trình lên cấp trên phê duyệt.

Dự án xây mới Bệnh viện 354 với quy mô 350 giường bệnh, theo tiêu chuẩn “Bệnh viện công viên”, dần hướng tới tiêu chuẩn “Bệnh viện khách sạn” đã chính thức được phê duyệt. Anh Dũng được cấp trên tin tưởng giao trách nhiệm làm Phó ban quản lý dự án. Hàng ngày, ngoài công việc chuyên môn, anh còn phải tham gia giám sát tiến độ, chất lượng thi công, giải quyết các vướng mắc, phát sinh theo thẩm quyền. Hiện nay, dự án xây mới Bệnh viện 354 đã hoàn tất và đi vào hoạt động.

“Tôi đi chậm, nhưng tôi đi suốt đời”

Khi trò chuyện với tôi, Đại tá - TS Nguyễn Tiến Dũng thường nhắc đến câu châm ngôn mà anh luôn coi là quan điểm sống của mình: “Tôi đi chậm, nhưng tôi đi suốt đời”. Với phương châm sống ấy, nên dù bận rộn với bao công việc, tranh thủ những ngày nghỉ, thời gian rảnh rỗi, anh vẫn miệt mài học tập để thu nạp thêm kiến thức, tích lũy vốn ngoại ngữ. Đến nay, ngoài 2 tấm bằng tốt nghiệp vòng 1, vòng 2 tại Học viện Hậu cần, anh đã kịp “sưu tập” cho mình tấm bằng cử nhân của các trường: Viện Đại học Mở, Đại học Kinh tế Quốc dân. Tháng 9 năm 2015, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Ngân hàng với đề tài “Ổn định tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”.

Không chỉ say mê với nghiên cứu, học tập, Nguyễn Tiến Dũng luôn tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc để tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội, giúp đỡ các gia đình chính sách. Anh tâm sự: “Mình giúp đỡ người khác bằng cái tâm, nên không thể làm qua loa cho xong được. Quan điểm của mình là giúp ai cũng phải thiết thực, hiệu quả!". Với cách nghĩ ấy nên khi gặp các hoàn cảnh khó khăn, anh luôn chủ động tìm đến tận nơi giúp đỡ. Anh đã có nhiều đợt thiện nguyện tặng quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình và các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn Bệnh viện đứng chân; tặng căn nhà tình nghĩa cho bà Ứng Thị Tiến, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, từ nguồn quỹ của gia đình, anh đã tổ chức các đợt trao học bổng, nhận bảo trợ giúp đỡ các học viên có thành tích xuất sắc của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Học viện Ngân hàng. Hàng chục sinh viên học giỏi đã được nhận sự giúp đỡ về tài chính của gia đình Đại tá-TS Nguyễn Tiến Dũng. Nếu khi ra trường, các em có nhu cầu, anh Dũng sẵn sàng nhận vào làm tại công ty của gia đình mình hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn mà anh đang tham gia quản lý ngoài giờ hành chính...

Có thể nói, cuộc gặp với đại tá, TS Nguyễn Tiến Dũng dù không dài nhưng câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của anh đã trở thành một tấm gương sáng về tinh thần làm việc không ngừng, trách nhiệm của một người thủ lĩnh, sự quyết liệt, sáng tạo trong mọi nhiệm vụ được giao. Giờ đây, Bệnh viện Quân y 354 đã hoàn toàn thay đổi, hiện đại, văn minh, sạch đẹp hơn rất nhiều, không kém bất cứ bệnh viện nào trong khu vực. Đằng sau sự đổi thay, người ta luôn nhắc đến cái tên của người “kiến trúc sư” trẻ đã tâm huyết với những bước đi lớn mạnh và đầy dấu ấn ấy.