28/03/2024 lúc 21:39 (GMT+7)
Breaking News

Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu và những chiến công thầm lặng

VNHN - Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) là một trong những chiến sỹ tình báo thời hoa lửa luôn nguyện hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ, thầm lặng cống hiến cho chiến trường khắc nghiệt, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc.

VNHN - Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) là một trong những chiến sỹ tình báo thời hoa lửa luôn nguyện hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ, thầm lặng cống hiến cho chiến trường khắc nghiệt, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc. Giữa những nhân vật tình báo thầm lặng, Đại tá cũng đã được nhiều ngòi bút chấm phá và khắc họa cuộc đời phi thường với những thăng trầm trong dòng chảy lịch sử nhưng đâu đó vẫn còn những câu chuyện chân dung ít ai biết đến.

Đại tá tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu không chỉ là nguyên cụm trưởng cụm tình báo H.63 (trước năm 1967 là A18) mà còn là Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Nhà tình báo lỗi lạc

Thấm nhuần sâu sắc, lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, năm 1946, ông đã tham gia hoạt động cách mạng với tinh thần và nhiệt huyết vốn có của tuổi trẻ. Ít ai biết, Đại tá từng là một phóng viên và là nhà văn với nhiều tác phẩm chiến trường. Thở thiếu thời, ông bắt đầu với việc học chụp ảnh, lái xe, viết văn, viết báo, giỏi võ, giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp để phục vụ nghề tình báo.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nguyên Phó Chính ủy Phòng Tình báo miền (B2)

Là một nhà tình báo huyền thoại mang tầm cỡ của Quân đội Nhân dân Việt Nam cài sâu vào lòng chế độ Việt Nam Cộng hòa, Đại tá Tư Cang là nhân tố góp phần bảo vệ cho Sài Gòn còn nguyên vẹn trong ngày 30/4 năm ấy. Quãng thời gian vô cùng gian khổ, nguy hiểm và phức tạp cùng với những cuộc đấu trí, cân não với kẻ thù khôn ngoan, xảo quyệt, nhưng Đại tá luôn ẩn mình rất hoàn hảo, không bị lộ cho đến ngày giành được chiến thắng cuối cùng.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tình báo là tai mắt của Đảng, của Quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng… Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi...”. Trong những cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đứng trong những tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” và hoạt động ngay giữa một rừng súng đạn hiểm ác, ngay giữa trung tâm đầu não của địch nhưng Đại tá vẫn giữ vững tinh thần của người chiến sỹ tình báo xuất sắc đầy bản lĩnh, gan góc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khôn khéo và nhẫn nại, “chui sâu, bám chắc” trong lòng địch để theo dõi, điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin. Đại tá cùng với các chiến sĩ đồng đội để đã xây dựng được những tổ chức bí mật, thậm chí thâm nhập vào các cơ quan đầu não địch, hoạt động lâu dài nhưng vẫn đảm bảo những thông tin mật, lặng lẽ lập nên chiến thắng vang dội.

Trong cuốn “Tình báo kể chuyện” của mình, Đại tá Nguyễn Văn Tàu khẳng định: “Có những con người tình báo dũng cảm, thông minh, sáng tạo, có những người dân đô thành không sợ hiểm nguy mà còn tích cực tham gia công tác cách mạng… Tất cả hợp thành lực lượng bách chiến, bách thắng mà kẻ thù quen thói hợm hĩnh không lường được hết sức mạnh…”

Xuất phát từ những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, kết hợp với tinh thần yêu nước sâu sắc của một người lính, Đại tá luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Một chiến sỹ tình báo với tầm nhìn thấu đáo, sâu sắc, toàn diện, hiểu người, hiểu đời, cũng vì thế mà hình ảnh của người chiến sỹ ấy đã chạm đến gần hơn với trái tim của mỗi người con Đất Việt.

Dành trọn cuộc đời cho đất nước

Sự đóng góp của nhà tình báo Tư Cang đã phát hiện được nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ địch xâm lược, giúp cho Đảng và Bộ Chính trị đánh giá, dự đoán đúng tình hình và những chuyển biến của thời cuộc, chỉ đạo và đưa ra những chiến lược kịp thời làm nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với đỉnh cao là Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đại tá cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước và viết lên trang sử hào hùng của nghành tình báo Quốc phòng Việt Nam. Tên tuổi của Đại tá Tư Cang không chỉ làm hàng triệu con người Đất Việt cảm phục và ngưỡng mộ mà còn nhận được sự yêu mến từ bạn bè quốc tế.

Đại tá Tư Cang giành trọn cuộc đời cống hiến hết mình vì nước, vì dân.

Giờ đây, khi lịch sử sang trang, đất nước ta không chỉ nhớ ơn những người chiến sĩ cách mạng trực tiếp xông pha lên chiến trường khắc nghiệt để đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc mà sẽ mãi biết ơn đến các chiến sĩ tình báo, trong đó không thể không nhắc đến nhà tình báo Tư Cang. Đại tá là một trong những tấm gương anh dũng, gan góc và cũng là người chiến sỹ tiêu biểu cho một tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí quyết chiến, quyết thắng của những người hoạt động tình báo.

Không chỉ góp sức làm nên lịch sử, làm nên chiến thắng vẻ vang của thời cuộc, trong hòa bình ngày nay, Đại tá Tư Cang năm xưa ấy, vẫn tiếp tục cống hiến cho đất nước, luôn phát huy phẩm chất anh dũng, kiên cường, trung với nước, hiếu với dân và mang trong mình bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ góp công, góp sức để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.