20/04/2024 lúc 23:00 (GMT+7)
Breaking News

Đại hội đồng LHQ thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn

VNHN - Theo hãng tin AFP, ngày 17/12, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hiệp ước toàn cầu về người tị nạn với mục tiêu cải thiện những nỗ lực kiểm soát các luồng di dân tị nạn trên toàn thế giới.

VNHN - Theo hãng tin AFP, ngày 17/12, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hiệp ước toàn cầu về người tị nạn với mục tiêu cải thiện những nỗ lực kiểm soát các luồng di dân tị nạn trên toàn thế giới.

Ngày 17/12, đại đa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn (GCR), khẳng định tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm bảo vệ người di cư và phát triển cộng đồng đón nhận người di cư.

Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn, với mục tiêu giảm gánh nặng cho các quốc gia đến, ngoài phản đối của hai quốc gia là Mỹ và Hungary, hiệp ước về người tị nạn của LHQ không vấp phải những tranh cãi gay gắt như hiệp ước về di dân và đã được thông qua với sự đồng thuận của 181 quốc gia.

Có 3 nước bỏ phiếu trắng với hiệp ước này là Cộng hòa Dominica, Eritrea và Libya.

Các em nhỏ tị nạn người Syria đạp xe ở khu trại tị nạn Azraq gần thành phố Al Azraq, Jordan. Ảnh: REUTERS

Hiệp ước này được thông qua ít ngày sau khi tại một hội nghị của Liên hợp quốc ở thành phố Marrakesh của Maroc hôm 10/12 vừa qua, hơn 150 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM, gọi tắt là Hiệp ước toàn cầu về di cư). 

Hiệp ước GCM đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

Cũng giống như "Hiệp ước toàn cầu về sự an toàn, trật tự, và nhập cư thông thường", hiệp ước về người tị nạn của LHQ cũng không có tính ràng buộc pháp lý.

Cả hai hiệp ước toàn cầu này đều bắt nguồn từ tuyên bố New York được Đại hội đồng LHQ nhất trí thông qua tháng 9/2016 với mục tiêu giải quyết tốt hơn vấn đề của các dòng di dân và tị nạn trên toàn cầu.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa bày tỏ tin tưởng Hiệp ước GCR dựa trên cơ sở chia sẻ gánh nặng một cách có trách nhiệm sẽ giúp "tăng cường sự hỗ trợ và bảo vệ 25 triệu người tị nạn trên toàn cầu."

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai hiệp ước này sớm nhất có thể./.