20/04/2024 lúc 17:19 (GMT+7)
Breaking News

Đãi cát tìm vàng như thế nào?

VNHN - Trong bức tranh thị trường lao động Việt Nam, có những điểm sáng hội tụ đội ngũ trí thức trẻ trung, năng động, được đào tạo bài bản,… đó là những tín hiệu tốt đối với các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đáng tiếc là những điểm sáng đó lại mới mang tính cá biệt chứ chưa phải đại trà.

VNHN - Trong bức tranh thị trường lao động Việt Nam, có những điểm sáng hội tụ đội ngũ trí thức trẻ trung, năng động, được đào tạo bài bản,…đó là những tín hiệu tốt đối với các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đáng tiếc là những điểm sáng đó lại mới mang tính cá biệt chứ chưa phải đại trà. Thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn nói họ chấp nhận trả lương cao gấp nhiều lần so với thị trường để tìm được “người được việc”, “người đúng việc”, nhưng vẫn là rất khó.

Theo Báo cáo về “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, do Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search và en world group (tập đoàn mẹ của Navigos Search), thực hiện tại Việt Nam, Thái Lan và Singapore mới đây, nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam đang còn rất khan hiếm. Lực lượng này tại Việt Nam, kể cả trong các doanh nghiệp Việt, đa phần vẫn là người nước ngoài…

Lý giải về việc một số doanh nghiệp chuộng nhân sự nước ngoài, bà Võ Thị Hồng Vân - Giám đốc Tài chính kiêm Hành chính Ecolab Vietnam (công ty chuyên về làm sạch thực phẩm, sản phẩm và dịch vụ kiểm soát nhiễm trùng) cho biết, vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất là làm thế nào để phát triển những mục tiêu đề ra đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, các nhân sự nước ngoài với nhiều kinh nghiệm và trình độ cao hơn hẳn nhân sự Việt Nam thường được ưu tiên lựa chọn, mặc dù mức lương trả cho họ không hề thấp. Bên cạnh đó, sự hạn chế về ngoại ngữ cũng là rào cản lớn đối với nhân sự người Việt. Theo đánh giá của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), sự ra đời của AEC cho phép tự do luân chuyển lao động tại cả 10 nước ASEAN, trước mắt trong 8 ngành nghề, sẽ đặt đội ngũ quản lý người Việt trước một thách thức lớn, khi phải cạnh tranh trực tiếp với đội ngũ nhân sự tương tự đến từ các nước láng giềng, vốn có thế mạnh về tiếng Anh, như Singapore, Philipines, Thái Lan…

Việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải. Tuy nhiên, thực trạng này cũng  không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà đây còn là vấn đề mang tính khu vực. Nhìn chung, đội ngũ quản lý ở  Việt Nam còn thiếu kỹ năng lãnh đạo, dù họ có thể giỏi chuyên môn và tiếng Anh; trong số những người đại diện doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Navigos Search, chỉ có 9% cho biết họ hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt trong các công ty nước ngoài.

Kể từ khi nền kinh tế bắt đầu hội nhập, các tập đoàn đa quốc gia khi đến Việt Nam rất cần những người hiểu thị trường địa phương, luật pháp và môi trường kinh doanh. Hơn nữa, việc lựa chọn lao động địa phương là một trong những cách nhanh nhất để họ có thể nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho thị trường nhân sự cấp cao, nhưng ngược lại cũng là một thử thách lớn. Theo chia sẻ của chuyên gia tư vấn Lý Trường Chiến, khi tuyển dụng các vị trí quản lý cao cấp cho dù là nội hay ngoại, cũng đều cần có sự phù hợp về văn hóa với tổ chức mới. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhà tuyển dụng nên xem xét kỹ bên cạnh năng lực cá nhân, những thành tích trước đây cũng như khả năng tạo ảnh hưởng và sức hút với cộng đồng về mục tiêu đề ra. Và, khi đã quyết định tuyển chọn, các nhân sự quản lý cấp cao cần phải được tin tưởng và tạo cơ hội để thể hiện năng lực. Đối với các vị trí quản lý cấp cao mới được trao quyền, doanh nghiệp nên dành thời gian cho sự chuyển đổi và tiếp nhận, tạo điều kiện để người mới và người cũ sớm hòa hợp và phát huy năng lực.

Theo Navigos Search để giải quyết sự khan hiếm nhân sự giỏi có tay nghề và sự thiếu hụt nhân sự cấp quản lý, các doanh nghiệp cần tập trung vào đào tạo và phát triển. Về đào tạo, cần có các chương trình khác nhau cho các đối tượng khác nhau, như huấn luyện đội ngũ lãnh đạo, chương trình vừa học vừa làm dành cho nhân viên... Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược xây dựng đội ngũ về lâu dài như chương trình quản trị viên tập sự, chương trình xây dựng đội ngũ kế cận, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị.