18/04/2024 lúc 12:56 (GMT+7)
Breaking News

Đã xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản

Theo Cục bảo vệ Thực vật, Bắc Giang và Hải Dương đã xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản, có doanh nghiệp đang xuất khẩu mỗi ngày 4-6 tấn sang thị trường này. 

Theo Cục bảo vệ Thực vật, Bắc Giang và Hải Dương đã xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản, có doanh nghiệp đang xuất khẩu mỗi ngày 4-6 tấn sang thị trường này. 

Cục bảo vệ Thực vật cũng cho biết thêm, phía đối tác Nhật Bản vừa đồng ý cho 2 cơ sở của Công ty Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Rồng Đỏ tạm thời được xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản do nhu cầu tại thị trường này tăng cao. Phản hồi của thị trường Nhật với các lô vải được doanh nghiệp xuất sang nước này từ 23/5 đến nay "chất lượng tốt hơn năm ngoái". Các lô vải được tiêu thụ hết chỉ vài tiếng sau khi được phân phối tại các siêu thị, kênh bán hàng trực tuyến.

Vải thiều sớm Bắc Giang trên kệ siêu thị Nhật Bản, được bán với giá khoảng 350.000/kg (Ảnh: VNExpress)

2 cơ sở xử lý ở Hải Dương mới được đồng ý xử lý vải có tổng số 3 buồng xử lý, mỗi buồng công suất 2,5-3 tấn. Mỗi buồng có thể xử lý được 7-8 mẻ/ngày, tùy thuộc nguyên liệu. Như vậy, đến nay có tổng số 4 cơ sở xử lý vải thiều với 5 buồng xử lý của Công ty Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty Toàn Cầu và Trung tâm Kiểm dịch SNK 1.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, tổng công suất xử lý vải xuất khẩu năm nay có thể tăng gấp nhiều lần năm 2020 (năm trước mỗi ngày chỉ làm được 7,5 tấn).

Trước đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch thực vật Nhật Bản đã thống nhất một quy trình ủy quyền tạm thời cho phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý. Cục Bảo vệ thực vật bố trí cán bộ và thiết bị giám sát, kiểm tra kiểm dịch thực vật và cấp giấy chứng nhận tại cơ sở xử lý vải được phía Nhật công nhận, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu vải.

Vụ vải thiều 2021 đã nhiều cải tiến như thêm số buồng xử lý; thay đổi về quy trình nhằm giảm bớt thời gian và chi phí xử lý, sơ chế; bố trí nhân lực giám sát, kiểm dịch thực vật và cấp giấy tại chỗ... Cùng với đó, bảo đảm nhân lực cắm chốt tại chỗ và an toàn phòng dịch để cán bộ kiểm dịch yên tâm làm việc trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), năm nay các nhà nhập khẩu Nhật Bản cam kết nhập khoảng 1.000 tấn vải từ Bắc Giang. Lô vải thiều 20 tấn mới xuất sang Nhật gần đây được tiêu thụ gần hết trong ngày với giá từ 350 – 500 nghìn đồng/kg. “Trước những phản ứng, đánh giá tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản, thời gian tới, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh xuất khẩu quả vải sang thị trường này”, ông Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, tình hình xuất khẩu quả vải thiều sớm của tỉnh Bắc Giang qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn hiện cũng thuận lợi. Vải thiều được xuất đi qua luồng xanh, luồng ưu tiên và được ban quản lý cửa khẩu cử cán bộ làm trước giờ hành chính, tạo điều kiện thông quan trước cho quả vải.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật lưu ý, Nhật là thị trường có các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, đòi hỏi cao về chất lượng thực phẩm. Vậy nên phía người sản xuất, nông dân trồng vải phải duy trì chất lượng quả sạch, đảm bảo giá thu mua, bán và xuất khẩu ổn định. Đồng thời tích cực củng cố, đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường khó tính này.