25/04/2024 lúc 22:15 (GMT+7)
Breaking News

Cuộc trùng phùng của gia đình Liệt Sỹ Vũ Quang Hiệp sau gần năm mươi năm tìm kiếm

Câu chuyện bắt đầu từ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sau giải phóng khi người anh của Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp là anh Vũ Quang Huân từ quê hương Nam Định vào xây dựng vùng kinh tế mới trong ngành lâm nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk, mang theo lời dặn của Cha: “Con vào Nam công tác, nhớ tìm mộ phần của em  Hiệp  hy sinh trong đó quãng sau năm bảy mươi, em con nằm ở nơi nào đấy ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên con nhé…

Câu chuyện bắt đầu từ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sau giải phóng khi người anh của Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp là anh Vũ Quang Huân từ quê hương Nam Định vào xây dựng vùng kinh tế mới trong ngành lâm nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk, mang theo lời dặn của Cha. “Con vào Nam công tác, nhớ tìm mộ phần của em  Hiệp  hy sinh trong đó quãng sau năm bảy mươi, em con nằm ở nơi nào đấy ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên con nhé…"

 Mảnh đất đâm chồi kết trái nơi người chiến sỹ ngã xuống!

Câu chuyện bắt đầu từ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sau giải phóng khi người anh của Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp là anh Vũ Quang Huân từ quê hương Nam Định vào xây dựng vùng kinh tế mới trong ngành lâm nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk, mang theo lời dặn của Cha: “Con vào Nam công tác, nhớ tìm mộ phần của em Hiệp hy sinh trong đó quãng sau năm bảy mươi, em con nằm ở nơi nào đấy ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên con nhé…”. Nhớ lời dặn của Cha, anh Huân và sau này cả em út là anh Tuất cũng chuyển vào Đắk Lắk làm ăn đã cố công, ra sức đi tìm nơi hy sinh và mộ phần của anh em ruột thịt: Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp nhưng đều bặt vô âm tín. Những năm đầu sau giải phóng, tình hình an ninh chính trị Đắk Lắk khá phức tạp với bọn Fulro quấy nhiễu và chiến tranh biên giới tây nam diễn ra quyết liệt, nên mãi tới những năm chín mươi hai anh, em mới có điều kiện đi tìm mộ của người Em thứ tư ở những nghĩa trang liệt sỹ khu vực và cả các tỉnh lân cận như Sông Bé, Lâm Đồng, Đồng Nai. Nhưng lúc ấy các nghĩa trang liệt sỹ chưa được quy tập nhiều và bia mộ  các liệt sỹ cũng còn sơ sài, danh sách liệt sỹ không thể thống kê đầy đủ và phần mộ liệt sỹ chưa biết tên là chủ yếu, vì vậy việc tìm mộ liệt sỹ Vũ Quang Hiệp quê quán Nam Định trong hàng trăm nghĩa trang cấp tỉnh, huyện, xã… thật là vô cùng khó khăn như mò kim đáy biển.

Trở lại miền Đông Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Sông Bé trước đây và Bình Dương bây giờ là địa bàn chiến lược của cả ta và địch để khai thông cánh cửa thọc thẳng vào đầu não quân Mỹ Ngụy tại Sài Gòn, nên cả ta và địch đều giành giật từng tấc đất, người dân trên địa bàn quan trọng này. Trong cả cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ cùng những trận đánh ác liệt ấy, rất, rất nhiều những người con ưu tú, những người chiến sỹ cách mạng kiên trung đã ngã xuống trên mảnh đất này, máu của các anh đã thấm đẫm từng cành cây, ngọn cỏ để từ mảnh đất đầy máu xương của các anh lại nảy lộc đâm chồi, đơm hoa kết trái cho cuộc sống mới hôm nay và mai sau. Một người con ưu tú của mảnh đất Nam Định, đã góp phần máu thịt của mình cho mảnh đất, cây cỏ miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên anh dũng, đó là liệt sỹ Vũ Quang Hiệp. Sinh ra tại quê hương xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định, nhưng lớn lên ở phố Hàng Cau thành phố công nghiệp dệt Nam Định, năm 1967 khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ leo thang ác liệt, dù đã có hai anh đi bộ đội nhưng người thanh niên Vũ Quang Hiệp vẫn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. 

Sau những tháng ngày huấn luyện tại miền núi Thanh Hoá, đơn vị của anh Hiệp được lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu tại mặt trận miền Đông Nam Bộ. Đầu năm bảy mươi, trong một trận chống càn của sư đoàn 25 thuỷ quân lục chiến Mỹ, anh Hiệp bị thương mất máu nhiều và ngất đi bên đường lộ giao liên của Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một. Các cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ đi công tác trên đường về phát hiện ra Anh, đã cáng anh Hiệp về bệnh xá Tỉnh uỷ cứu chữa. Vết thương chưa lành Anh đã báo cáo lãnh đạo Tỉnh uỷ cho trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, tuy nhiên mấy lần giao liên đưa đi không tìm được đơn vị cũ. Lãnh đạo Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một sau khi xem xét giấy tờ và kiểm tra nhân thân đã phân công Anh ở lại công tác tại ban Bảo vệ chính trị nội bộ. Với nhiệm vụ phòng gian bảo mật, diệt ác, chỉnh huấn cán bộ chiến sỹ, tuyên truyền nhân dân đấu tranh chính trị và binh vận… với nhiệm vụ nào anh Hiệp cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt trong hoạt động cách mạng, dù nhiều khó khăn cực khổ và sự hy sinh luôn cận kề, Anh lại rất yêu đời có khiếu văn nghệ, làm thơ và kể chuyện vui nên cả đơn vị luôn gọi Anh là Như Hưng tếu.

Và tình yêu đã đến với anh Hiệp và chị Nguyễn Thị Hồng Liên, nhân viên văn thư mật mã của Tỉnh uỷ. Cô gái miền Đông Nam bộ đã cảm mến người con trai thành Nam đất Bắc đã trưởng thành và chiến đấu dũng cảm ở miền Đông thành đồng tổ quốc. Đơn vị và lãnh đạo đã vun đắp cho tình yêu đẹp thời chiến tranh khốc liệt, đám cưới giản dị và ấm cúng với những lời ca tiếng hát cùng sự chúc mừng hạnh phúc đôi uyên ương của toàn đơn vị trong chiến khu. Cuối năm bảy hai, cô con gái nhỏ Vũ Thị Kiều Định cất tiếng khóc chào đời, cô bé có đôi mắt đen huyền như bố Hiệp và khuôn mặt đẹp như trăng rằm của mẹ Liên, hạnh phúc dâng trào không chỉ riêng cho đôi vợ chồng trẻ mà còn là sự vui mừng khôn xiết của cả đơn vị Văn phòng Tỉnh uỷ lúc đó vì mảnh đất gieo hạt của tình yêu Nam Bắc một nhà đã đơm hoa, kết trái.

Mỗi lần anh Hiệp đi công tác, dù xa hay gần chỉ xa cách vợ con một chút thì nỗi nhớ lại trào lên, bởi vậy khi đi công tác có chút thời gian là Anh lại cặm cụi ngồi viết thư cho vợ và con gái, những dòng chữ ba lô làm bàn không ngay ngắn nhưng chất chứa tràn trề những nỗi nhớ thương, tình yêu nồng nàn và sâu thẳm là sự khao khát được ôm ấp che chở, nâng niu vợ con như những vật báu không gì thay thế được ở mọi lúc mọi nơi, nhiều lá thư giao liên đưa về cho chị Liên cùng một ngày mà của mấy ngày xa cách, mỗi ngày có một lá thư, có những lá thư là bài thơ dặn vợ chịu đựng, vượt qua mọi hy sinh gian khổ mà vững lòng theo cách mạng... Chị Liên thấu hiểu tấm lòng của người mình yêu, Chị cũng thường động viên Anh lúc ở bên nhau và viết thư động viên Anh khi đi công tác cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.

Mỗi lần anh Hiệp đi công tác, dù xa hay gần chỉ xa cách vợ con một chút thì nỗi nhớ lại trào lên, bởi vậy khi đi công tác có chút thời gian là Anh lại cặm cụi ngồi viết thư cho vợ và con gái.

Vậy mà ngày 22 tháng 5 năm 1973 định mệnh ấy! nhiệm vụ quan trọng được cấp trên giao phó tại căn cứ Bù Chí, Bến Cát, Anh lặng yên ngồi đợi trinh sát báo an toàn để lên đường, cầm cây viết và mảnh giấy viết thư quen thuộc, Anh viết được ít dòng với câu đầu tiên bao giờ cũng là Liên em yêu quý, con gái nhớ thương của Ba… trang giấy còn dang dở khi có tín hiệu báo yên, Anh gấp thư lại đưa cho giao liên chuyển về đơn vị cho vợ. Bật nắp hầm lên và Anh tiến về phía trước, qua hàng cây ô rô bất chợt thấy nguyên bờ cỏ phía trước lay động bất thường, Anh vội quay ngược lại rảo chân chạy gấp, có tiếng hò hét: “ Việt cộng đứng lại… tao bắn bắn...” tiếng súng rộ lên. Chưa chạy tới hàng cây ô rô bắp chân bên phải chợt chùng xuống nhói đau, Anh vội cho tay vào ngực áo lấy tài liệu có gắn ống axit bóp mạnh đầu, tài liệu phút chốc tan rã trước khi Anh ngã xuống, rút súng ngắn quay đầu lại phía quân địch đang xông tới bóp cò… mặt đất chợt sáng lòa tỏa muôn ngàn tia lửa cùng tiếng M79 nổ, hình ảnh cuối cùng trong ý nghĩ của người chiến sỹ là Liên đang bồng cô con gái nhỏ trên tay…

 Hành trình gian nan tìm gia đình Liệt sỹ!

Không nỗi đau nào hơn nỗi đau mất đi người chồng, người cha, người đồng chí, đồng đội của chính mình, dẫu biết cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ của cả dân tộc chắc chắn không tránh khỏi sự hy sinh, nhưng sự hy sinh với Liên thì quá lớn bởi tình yêu của Hiệp dành cho Liên và cô con gái bé bỏng trên tay. Lần dở những trang thư, lời thơ mang nặng tình cảm vô bờ, tình đồng chí mãnh liệt mà Anh để lại, cùng tấm hình của Anh, đôi mắt đẹp của Liên cứ tuôn rơi dòng nước mắt tưởng chừng như không bao giờ dứt được. Liên đã bồng con gái Kiều Định tới phần mộ của anh Hiệp được đồng đội chôn cất tại bìa rừng, bên rặng cây ô rô nơi Anh ngã xuống, lặng ngắm nấm đất đỏ sắc màu của đất miền Đông qua hàng nước mắt… Người chồng, người đồng chí mới hôm qua còn ôm ấp vợ con trong vòng tay rắn chắc yêu thương, giờ đã đi xa xa mãi không bao giờ trở lại, đau sót biết nhường nào. Bé Kiều Định ngây thơ nhìn Mẹ khóc, đôi mắt chớp chớp những giọt nước mắt trong veo rơi xuống theo nỗi buồn của Mẹ.

Những kỷ niệm thật đáng nhớ và tự hào của Anh trước ngày hy sinh lại trào về trong ký ức của Liên: Một lần trong chuyến công tác lên vùng căn cứ khu vực đồng bào dân tộc, Anh cùng đồng đồng đội thấy cả làng người đồng bào đang náo loạn cuống quýt cõng con, bắt súc vật chuyển đồ đạc thóc lúa để chuyển làng, một số thanh niên thì chuẩn bị lửa để đốt nhà. Anh Hiệp đã bình tĩnh hỏi người già làng về căn nguyên phải chuyển cả ngôi làng khá trù phú với bao công sức gây dựng nên của bà con, khi nghe già làng nói trong làng có người bị cùi (hủi, Hansen -TG) mới chết trong căn nhà cuối làng. Anh đã tức tốc chạy khắp làng gặp tất cả mọi người giải thích về căn bệnh này và nói cách xử lý người chết bệnh với già làng, đồng thời khuyên nhủ mọi người hãy an tâm ở lại làm ăn nơi làng cũ không phải đốt làng chuyển chỗ dựng làng mới. Anh tự tay cùng đồng đội lấy tăng ngủ của mình bọc kỹ xác người chết bệnh đưa đi chôn sâu ở nơi xa nguồn nước và bãi chăn thả của làng, lại tự tay xử lý các vật dụng, dỡ bỏ ngôi nhà của người đã khuất mang ra ngoài làng tiêu huỷ. Dân làng nhìn anh cán bộ cùng đồng đội làm sạch nơi người bệnh đã phần nào tin tưởng, Anh lại nói rõ cho mọi người biết bệnh này rất khó lây và không phải khi người bệnh chết thì “con bệnh” đi tìm người khác như mọi người lầm tưởng. được Già làng nghe ra và ủng hộ nên cả làng đã yên tâm ở lại làm ăn, không chuyển làng đốt nhà làm đảo lộn cuộc sống vốn khó khăn vất vả trong chiến tranh. Dân làng từ đó vẫn ổn định nơi sinh sống nên rất cảm ơn Anh, mỗi lần Anh công tác qua lại đều đón tiếp Anh như ân nhân của làng.

Còn ở đơn vị, ngoài những lúc công tác và làm việc được phân công, Anh lại thường giúp đỡ các anh chị nhà bếp thông lại ống thông hơi của bếp Hoàng Cầm đảm bảo xả khói đều để máy bay do thám của Mỹ Ngụy không phát hiện, lấy dù pháo sáng bọc lại mũ cho các chiến sỹ bảo vệ, thay dây bấc đèn ló cho các giao liên đi làm nhiệm vụ đêm. Anh lại mày mò chặt những cây có chạc ba cột ở đầu võng của anh em, mỗi khi mưa xuống lấy cây chạc ba ấy ngoắc vào đầu dây võng cắm xuống đất, nước chảy từ cây mắc võng theo dây được cây chạc ba ấy dẫn xuống đất,  không chảy vào võng làm ướt người nằm, cả đơn vị ai cũng khen Anh khéo tay và thông minh. Ngoài ra anh em bị sốt nóng, cảm mạo Anh ra ven rừng hái lá hương nhu, đinh lăng và mấy loại lá có dầu thơm nấu nồi nước chùm tấm tăng để xông giải cảm sốt, Anh bảo đây là bài thuốc dân gian Mẹ Anh truyền dạy, nhờ vậy anh em cán bộ chiến sỹ trong đơn vị  nhiều người qua được cơn sốt rừng trong điều kiện thuốc men trong căn cứ rất khan hiếm. Anh mất đi là tổn thất lớn không chỉ của mẹ con Liên mà cả đơn vị.

Sau Thủ Dầu Một, ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sài Gòn giải phóng, đất nước sạch bóng quân xâm lược và bè lũ bán nước, giang sơn thu về một mối Nam Bắc một nhà. Những ngày đầu giải phóng với bao công việc bận rộn việc tiếp quản các cơ sở kinh tế xã hội của chế độ cũ, xây dựng hệ thống chính quyền của nhân dân, tổ chức đội ngũ cán bộ và thiết lập bộ máy điều hành xã hội theo chế độ mới… với nhiều công việc được giao phó dù con gái Kiều Định còn bé nhỏ nhưng Liên luôn hoàn thành nhiệm vụ và khéo léo chăm sóc hai con lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và các đồng chí, đồng đội cùng người thân. Nhiều lúc Liên vẫn phải kìm nén nỗi đau của mình để chú tâm với công việc bộn bề với mới mẻ, nhưng nỗi nhớ người chồng thân yêu vẫn còn nằm lại nơi ấy trên căn cứ kháng chiến thì cứ ào về khắc khoải, hằng ngày mỗi khi ngắm nhìn con bi bô học nói, ríu rít gọi mẹ thì nỗi đau của sự hy sinh mất mát của mình, của con ngày đất nước thanh bình như lời thơ của Anh để lại lại dâng lên tràn ngập con tim Liên. Được sự hỗ trợ của anh em đơn vị cùng ban chỉ huy Tỉnh Đội, ngày 27 tháng 7 năm 1976 Liên đã đưa được hài cốt của người chồng, người cha thân yêu về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Sông Bé an táng. Con gái lớn lên, mỗi lần tới ngày giỗ Anh 22 tháng 5 hằng năm, hay ngày thương binh liệt 27 tháng 7, các bác, cô chú tới thăm nhà, thắp nén hương cho Anh… Kiều Định lại hỏi: Mẹ ơi, quê Ba con ở đâu? Sao Mẹ không đưa con về với ông bà nội? Liên lại ôm con vào lòng, nước mắt rưng rưng: Ba con quê ở phố Hàng Cau, thành Nam, tỉnh Nam Định, Mẹ đã viết thư gửi bao lần rồi mà thư lại trả về, không có người nhận con ạ, Mẹ hứa sẽ tìm được quê ở ngoài đó rồi đưa các con về nhà nội nhận họ hàng con ạ. 

 Cuộc trùng phùng của gia đình Liệt sỹ !

Trở lại nơi sinh ra Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp: Ngay sau ngày anh Hiệp tình nguyện lên đường nhập ngũ, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc, cùng thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Thái Nguyên thì Nam Định và Vinh là địa bàn chiến lược quân ta tập chung bộ đội và vũ khí, khí tài vào Nam chiến đấu, là trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên bắn phá, ném bom quyết liệt hòng ngăn chặn bước tiến của quân dân miền Bắc chi viện cho miền Nam. Các cơ quan hành chính của tỉnh, thành phố và cả nhân dân được lệnh sơ tán về vùng nông thôn để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Cả gia đình Anh Hiệp được ông bà đưa về quê Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng sơ tán và tiếp tục lao động sản xuất, cùng với mọi người dân ở miền Bắc, cả gia đình luôn hướng về miền Nam ruột thịt nơi có anh trai Vũ Quang Hiệp đang chiến đấu chống quân xâm lược. Anh cả Vũ Mạnh Cường cũng là bộ đội phòng không chiến đấu dũng cảm với máy bay Mỹ, đã hy sinh anh dũng trong một trận chiến đấu bảo vệ vùng trời, mảnh đất quê hương.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, cuộc sống của nhân dân trên toàn miền Bắc đã trở lại bình yên, ở thành phố Nam Định cũng vậy tiếng súng, tiếng bom và tiếng còi báo động giờ đây đã được thay bằng tiếng còi tầm vào ca mỗi sáng sớm và mỗi buổi chiều hoàng hôn, tiếng công nhân ríu rít nói cười lúc tan cả, chợ hoa Hàng Đồng lại khoe sắc thắm muôn màu, để bên mỗi khung cửa sổ còn vương khói bom lại tràn trề ánh mắt trẻ thơ xen với những bông cúc, bông hồng… phố Hàng Cau là một trong những nơi chịu nhiều trận bom rải thảm và bị tàn phá nặng nề ở Nam Định.  Ông Nội đã trở về phố Hàng Cau một lần ngay sau khi bầu trời thành phố ngành Dệt lớn nhất miền Bắc im tiếng máy bay, không thể nhận ra đâu là nơi xưa kia có căn nhà thân thương nữa, cả một dãy phố dài đã bị san thành bình địa với những hố bom chồng lên hố bom, gạch ngói, gỗ ván la liệt nham nhở, đây đó một vài nhánh cỏ đã vội vươn lên từ một đáy hố bom như ghi lại mầm sống nhỏ nhoi giữa vết lở lói của chiến tranh. Vậy là cả gia đình phải trở về quê cũ Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng gây dựng lại cuộc sống mới sau những đau thương, mất mát của chiến tranh: anh cả Vũ Mạnh Cường là Liệt sỹ trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, và Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp hy sinh trong chiến trường miền Nam, được cấp bằng Tổ quốc ghi công năm 1975.

Sau khi Đắk Lắk chia tách thành hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, anh Tuất được điều động về xây dựng tỉnh mới Đắk Nông, cùng lời dặn của Cha và trong lòng luôn đau đáu nỗi niềm phải tìm được thông tin về người anh Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp. Anh Tuất nhớ lại thủa còn nhỏ ở nhà ngoài tên đi học của anh Hiệp là Vũ Quang Hiệp thì cả nhà vẫn hay thường gọi anh Hiệp là Vũ Như Hưng, về tình tiết này anh Tuất nhớ cha kể lại về anh Hiệp là khi vào học lớp một, có thầy giáo quê ở Xuân Trường nghe nói là cháu họ Bác Trường Chinh, thấy lớp có hai học sinh tên Hưng, lại ngắm tư chất của trò Như Hưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát nên Thầy qua nhà xin Cha đổi tên cho Như Hưng thành Quang Hiệp với ý nghĩa là Người Hiệp sỹ Quang minh chính đại, và Cha đã thuận lòng.
Sau những nỗ lực dò hỏi, rồi đi tìm khá nhiều các nghĩa trang liệt sỹ khu vực Đắk Nông, sang cả tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, Lâm Đồng không có kết quả. Ngày 30 tháng 4 năm 2012, nhân được dự buổi mít tinh kỷ niệm đại thắng mùa xuân năm bảy lăm, thống nhất đất nước, được nghe nói về Web Marin: NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI – Hành động để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Ngay ngày hôm sau anh Tuất đã vào ngay Web và cập nhật thư mục: Tìm thân nhân liệt sỹ, Anh cảm nhận một điều gì thật lạ, thật hồi hộp, một sự thấp thỏm và xen lẫn một niềm tin sẽ có thông tin về người anh của mình như muốn vỡ oà… Sáng ngày 3 tháng 5 năm 2012, tay anh Tuất run lên như phát sốt khi trên màn hình hiện lên số thứ tự:

481. ngày 8 tháng 7 năm 2007
Nhắn tìm thân nhân L.S Vũ Quang Hiệp ( tên khác là Vũ Như Hưng)
Ngày sinh: 1949
Quê quán:  tỉnh Nam Định.
Ngày hy sinh: 22.5.1973
Nơi hy sinh: Hố Le, Thới hoà, Bến Cát, Bình Dương.
Ai là thân nhân Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp ( Vũ Như Hưng) xin vui lòng liên hệ với chúng tôi: Vũ Thị Kiều Định.  Địa chỉ 34/3 tổ 14, khu phố 5, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đt: 0650836389. hoặc Huỳnh Mạnh Tiến. Đài Phát thanh – Truyền Hình tỉnh Bình Phước. đt: 0983957788.
Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp ( Vũ Như Hưng) nhà trước đây ở phố Hàng Cau, Tp Nam Định, tỉnh Nam Định.

Màn hình máy tính như nhoè đi, phải mất tới một khoảng thời gian lâu sau anh Tuất mới bình tĩnh lại và kiểm tra lần nữa các thông tin trên tin nhắn: Vũ Quang Hiệp – Vũ Như Hưng. Sinh năm 1949. Quê quán tỉnh Nam Định. Nhà trước đây ở phố Hàng Cau thành phố Nam Định.

Chi tiết làm anh Tuất tin tưởng nhất đó chính là tên Vũ Quang Hiệp – tên thật là Vũ Như Hưng, còn các thông tin khác đều trùng khớp, vậy chắc chắn là sẽ không có người thứ hai có sự trùng tên một cách kỳ diệu thế. Tay run run anh Tuất cầm điện thoại bấm số 0650836389, giọng nói nhẹ nhàng của miền Đông Nam bộ mà sao nghe quen đến lạ thường: “ Dạ Kiều Định nghe ạ, dạ đúng con là con của ba Hiệp… dạ Má con nói hồi xưa ở nhà Ba con còn kêu là Như Hưng nữa đó, đúng rồi ạ, dạ con hỏi chú ở đâu ạ? Ui trời Chú ạ… Má con và cả nhà đi kiếm tìm nhà Nội quá trời luôn từ hồi con còn nhỏ xíu tới giờ đó ạ. Dạ mời Chú xuống nhà con gặp Má con ạ, dạ Chú đi liền ạ. Cảm ơn Chú, Má con con đợi ở nhà ạ”.

Ngồi trên xe đi từ Gia Nghĩa, Đắk Nông tới Thủ Dầu Một mà sao con đường cứ càng đi chú Tuất lại càng thấy dài thêm ra thế, và xe làm sao chạy chậm quá, chú Tuất đã kịp điện thoại báo tin cho anh Huân và các anh chị trong gia đình được biết. Xe tới địa chỉ 34/3 tổ 14, khu phố 5, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, trong căn nhà nhỏ cũng đã khá đông đủ mọi người, nhìn cô cháu gái có khuôn mặt và ánh mắt là khuôn mẫu của anh Hiệp trong ảnh ngày xưa, chú Tuất không cầm được nước mắt ôm lấy cháu ruột mình mà nghẹn ngào không thốt nên lời, nắm chặt đôi tay người chị dâu lần đầu tiên gặp mặt từ ngày Anh ra đi năm ấy, người phụ nữ thân yêu của anh Hiệp trải qua bao vất vả hy sinh nuôi cháu khôn lớn, giờ đã tóc bạc, da mồi gương mặt phúc hậu tràn đầy nước mắt vui sướng xúc động. Những bức ảnh hiếm hoi, những bút tích còn lại của anh Hiệp được chị dâu gìn giữ, chăm chút như máu thịt của mình từ trong căn cứ địa chiến tranh ác liệt ngày ấy tới giờ là minh chứng khẳng định người vợ và những đứa con thân yêu, những giọt máu của người anh liệt sỹ Vũ Quang Hiệp tức Vũ Như Hưng là đây, và ngày hôm nay đã tìm được cội nguồn, quê cha đất tổ. Buổi chiều cả gia đình đi thăm mộ Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp tại nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bình Dương, mộ phần Liệt sỹ giờ đây đã được xây cất trang trọng trong nghĩa trang với rất nhiều đồng đội, sau làn khói hương bỗng như thấy hình ảnh anh Vũ Quang Hiệp thấp thoáng nở nụ cười mãn nguyện cho sự đoàn viên.

Ngày 22 tháng 5 năm 2020, giỗ liệt sỹ Vũ Quang Hiệp thứ 9 sau những năm gặp lại, các cháu của Liệt sỹ nay đã lớn khôn. Cả gia đình đoàn tụ tại gia đình chú Tuất tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, những giọt nước mắt vỡ oà trong sung sướng, những cái ôm thật chặt, những bàn tay ấm áp nắm chặt lấy nhau thắm đượm nghĩa tình, những lời chúc mừng của bao bạn bè, đồng nghiệp. cũng chính ngày này cách đây gần năm mươi năm người chiến sỹ, người đồng đội, người chồng thân yêu của chị Nguyễn Thị Hồng Liên đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng miền Đông Nam bộ, để lại cho hôm nay trên mảnh đất quê hương thứ hai ấy hạt giống của sự yêu thương, ân tình từ miền quê Nam Định đã gieo mầm kết trái cho tuổi trẻ thế hệ tương lai với bầy con cháu đã trưởng thành. Để có cuộc trùng phùng đầy xúc động hôm nay, là niềm vui lớn của đại gia đình, ngoài nỗ lực, sự tìm kiếm không mệt mỏi của mỗi người trong gia đình từ hai miền đất nước, thì sự hỗ trợ thông tin của trang Web NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI của những người đồng chí, người bạn, của tổ chức đồng hành xoa dịu nỗi đau chiến tranh là vô cùng to lớn. Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã góp công làm nên cuộc trùng phùng xuyên thế kỷ tràn đầy niềm vui sau bao  năm tìm kiếm, của gia đình Liệt sỹ Vũ Quang Hiệp – Vũ Như Hưng./.