25/04/2024 lúc 09:18 (GMT+7)
Breaking News

Cuộc chiến chống gian lận hàng hóa xuất xứ

VNHN - Việt Nam đang là quốc gia lấy xuất khẩu (XK) làm động lực tăng trưởng nên việc hàng hóa gian lận xuất xứ không chỉ gây tổn hại đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Việt Nam đang có những hành động mạnh mẽ trong chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

VNHN - Việt Nam đang là quốc gia lấy xuất khẩu (XK) làm động lực tăng trưởng nên việc hàng hóa gian lận xuất xứ không chỉ gây tổn hại đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Việt Nam đang có những hành động mạnh mẽ trong chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới gian lận xuất xứ

Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết. Theo đó, hàng hóa của Việt Nam có các lợi thế về thuế quan, thị trường khi XK sang những thị trường đối tác. Chính vì vậy, đã xuất hiện tình trạng hàng hóa các nước khác “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để XK.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Từ năm 2016, Bộ Công Thương đã nhận thức rõ nguy cơ này và chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chống lại hành vi liên quan tới gian lận xuất xứ hàng hóa, lẩn tránh biện pháp PVTM. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”.

“Việt Nam không chậm trễ trong xử lý các vấn đề liên quan tới gian lận xuất xứ hàng hóa, không gây ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định. Theo Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn, hiện có hai hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa. Đó là nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ; và nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để XK.

Phương thức, thủ đoạn của các hình thức gian lận này rất đa dạng, tinh vi, như: Hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc khi hàng hóa được nhập khẩu về thì DN lại bóc nhãn và thay bằng “Made in Vietnam”; hay có trường hợp một số mặt hàng khi nhập khẩu không ghi xuất xứ trên sản phẩm, chỉ đến khi sắp lưu thông mới bổ sung nhãn phụ. Thậm chí, có đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, sau đó về gia công lắp ráp đơn giản nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Đối với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để XK thì phương thức thủ đoạn thường thấy là hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài, khi đi về nhà kho, xưởng sản xuất hoặc quá trình thay đổi phương tiện vận tải đã được thay đổi nhãn thành hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp PVTM của các nước.

Lực lượng hải quan bắt giữ xuồng cao tốc vận chuyển thuốc lá lậu trên biển.

Cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ, Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Hải quan đã thực hiện sửa đổi và bổ sung một số văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong đó phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị ở cấp tổng cục, cục và chi cục. Phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin liên quan để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro và nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, rà soát. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và hợp tác quốc tế với các tổ chức và hải quan nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng và các hình thức gian lận thương mại để nâng cao nhận thức cho DN và người tiêu dùng. Chia sẻ về giải pháp phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp PVTM, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trịnh Thu Hiền cho biết: "Thời gian qua, Bộ Công Thương đã khoanh vùng nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cao; rà soát xác định các giao dịch, DN xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra.

Cùng với đó, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với một số hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn; chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của DN khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ; tập huấn, hướng dẫn kịp thời về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho DN...".

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Phải có quy định rõ ràng và chế tài mạnh hơn nữa trong quản lý và xử lý các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp PVTM để tạo lập môi trường kinh doanh trong sạch, bình đẳng, minh bạch và có lợi đối với mọi thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập ngày càng sâu, điều này mang lại cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới. Tuy nhiên, hoạt động này cũng sẽ làm gia tăng việc hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Vì thế, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp PVTM, ngoài sự nỗ lực của các bộ, ngành chức năng liên quan cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, DN. Theo đó, cộng đồng DN cần nâng cao nhận thức, nghiêm túc thực hiện các quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; khuyến nghị DN phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất.